Sùng A Pó là người đầu tiên của bản Tà Cóm được học Đại học. Trên hành trình “tìm chữ” Pó đã trải qua bao vất vả, gian truân. Sau khi học xong, Pó trở về cống hiến cho bản làng, cho biên giới với ước nguyện đổi thay vùng đất khó, xa xôi và hẻo lánh.
Hồi ức băng rừng tìm chữ
Tà Cóm là bản người Mông khó khăn và xa xôi nhất của xã Trung Lý cũng như huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Để vào đây có hai cách, một là men theo con đường mòn gần 50 km dọc sườn núi từ bản Pá Quăn. Hai là di chuyển về xã Mường Lý rồi đi đò qua sông Mã.
Ánh nắng vàng vọt của buổi chiều đông phủ kín Tà Cóm, nơi “cơn bão” ma túy từng tràn qua, để lại nhiều hệ lụy tiêu điều, xơ xác kiệt quệ cả về kinh tế lẫn con người. Tà Cóm hôm nay đang dần vực dậy, ánh sáng của Đảng, của giáo dục đang soi sáng dẫn lối, dần đưa nơi đây thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu.
Trong hành trình của nhóm phóng viên chúng tôi, may mắn có anh Sùng A Pó (SN: 1992), Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý dẫn đường. Anh Pó cũng chính là người con đầu tiên của Tà Cóm học Đại học.
Người Mông thường có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, sống xa lánh với các dân tộc cùng trên địa bàn. Cư trú thành bản hoặc rải rác ở những vùng sâu, vùng núi cao, kinh tế còn chậm phát triển. Bản Tà Cóm đều là người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về. Đầu những năm 1990 họ ở trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Năm 1998, khi được chính quyền vận động, các hộ mới di chuyển về nơi ở hiện tại.
Qua lời kể của những già làng, trưởng bản, thời điểm mới di cư từ các huyện phía Bắc về, cuộc sống vô cùng khó khăn. Gia tài mang theo của mỗi gia đình chỉ là vài bộ quần áo cũ, chiếc nồi nhôm đã méo mó qua năm tháng cùng con dao quắm. Cả gia đình bồng bế dắt díu nhau trèo đèo lội suối, tối ở đâu là nhà, mệt ở đâu cũng là giường. Có những đứa bé còn nhỏ, được bố mẹ thay nhau địu trên lưng, cứ thế đi đường rừng suốt nhiều ngày trời.
Thời điểm ấy củ sắn hay mèn mén vẫn là những thứ xa xỉ với người dân nơi đây. Họ vào rừng đào củ mài ăn thay cơm, rau rừng với măng là thức ăn thường nhật.
Có những người phụ nữ cả cuộc đời chưa bước chân ra khỏi bản, không biết trung tâm xã Trung Lý ở vị trí nào. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Mông, những người lạ như chúng tôi vào bản, hỏi gì họ cũng chỉ biết cười.
Ngày cả gia đình Pó di cư từ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La về, theo lời kể của bố mẹ đó là năm 1994 khi ấy Pó mới 2 tuổi, được bố mẹ thay nhau địu trên lưng, cả gia tài chỉ có vài bộ quần áo và cái nồi cũ. Cả gia đình đi thuyền dọc sông Mã, rồi lại lội rừng gần chục ngày trời mới tới vùng lõi Khu bảo tồn Pù Hu. Dựng tạm cái lều, săn bắn thú kiếm thức ăn qua ngày. Năm 1998, được chính quyền vận động, gia đình Pó cũng như các hộ chuyển về Tà Cóm ở. Lúc ấy, mới tìm được đất phát nương trồng ngô, sắn, cái bụng mới đỡ đói. Điểm trường mầm non và tiểu học được dựng lên bằng tre nứa, lúc ấy Pó bắt đầu hành trình đi tìm con chữ.
Pó đã chứng kiến những thay đổi từng ngày của Tà Cóm. Từ những ngày không đường, không điện, không trường, không sóng điện thoại.
Con đường đi tìm cái chữ của Pó và những bạn bè cùng trang lứa là cả một hành trình gian truân. Từng quả đồi, cánh rừng, con suối in dấu chân Pó trên hành trang đến trường. Ngày ấy, đến những năm học cấp 2, Pó và các bạn phải đi đường rừng 50km, leo qua hàng chục quả đồi để ra trung tâm xã học.
Trên lưng gùi theo gạo, 50km đường rừng, cứ thế Pó và các bạn cắt núi, băng rừng lội suối từ sáng gà gáy cho tới tối mịt mới tới trường học. Đói Pó và các bạn sẽ lấy cơm nắm ra ăn, uống nước suối.
Pó kể, những đứa trẻ vùng cao 12 tuổi ngày ấy bé loắt choắt, nhưng sức khỏe rất bền, trời mưa vẫn không nghỉ, cứ thế lội rừng; vì nếu đêm tối rất nhiều thú dữ nguy hiểm. Một lần đi tới đỉnh núi cao nhất ở bản Cá Giáng, Pó thấy có nhiều vệt máu loang lổ, cẩn trọng lò dò từng bước chân, Pó phát hiện hổ đực đang ăn thịt một con trâu. Giây phút ấy Pó dường như nín thở, cố kìm tiếng hét, nhưng cảm nhận trống ngực vẫn đập thình thịch. Nấp sau cây cổ thụ cả giờ đồng hồ, đợi con hổ đi, Pó cùng đám bạn mới dám đi tiếp.
Năm đầu tiên đi học xa nhà bố của Pó, đều đặn một tháng hai lần đều gùi gạo và ra thăm con. Đến năm, Pó tròn 13 tuổi, bố cương nghị làm con trai phải mạnh bạo quyết đoán, bố để Pó tự về. Lần ấy ở trường, Pó hết sạch gạo ăn, rủ các bạn không ai về. Thế là Pó một mình từ trường về nhà. Một mình trong rừng sâu Pó rất sợ, nhưng nghĩ lại những lời bố dặn, Pó cứ thế đi, đi một mạch khi trời nhá nhem tối cũng tới nhà.
Những ngày đi học xa nhà, hành trang của Pó ngoài sách vở, thức ăn chỉ có cơm, muối và ớt giã. Những buổi chiều được nghỉ, Pó vào rừng kiếm rau, đào măng cải thiện. Cá khô mặn là thức ăn rất xa xỉ, cả tháng Pó mới được 2 con.
Bố của Pó là ông Sùng A Xay, thấy con đi học xa trong lòng rất xót con, cùng với cái nhìn xa. Năm 2006 ,Bố Pó lại một lần nữa táo bạo đưa cả gia đình di cư lần 2 ra bản Khằm, trung tâm xã Trung Lý. Năm ấy từ Tà Cóm ra trung tâm xã vẫn chưa có đường, bố Pó bán hết nhà đất, chỉ mang theo những vật dụng thiết yếu. Cả gia đình lưng gùi theo đồ, tay dắt đàn trâu bò gồm 8 con vượt đường rừng tới nơi ở mới.
Ngược trở về cống hiến cho quê hương
Tà Cóm ngày ấy muôn vàn khó khăn, được xem là trọng điểm về ma túy của huyện Mường Lát, hủ tục như bóng đêm bao trùm bản làng xa xôi hẻo lánh ấy. Trẻ em chừng 13, 14 tuổi đã nghỉ học lấy vợ lấy chồng. Tư tưởng của người dân là học cũng không no được cái bụng. Bạn bè cùng trang lứa rủ rê Pó bỏ học, về đi nương rẫy rồi lấy vợ.
Gia đình Pó có 9 anh chị em, với người đồng bào vùng cao thời điểm ấy lo cái ăn đã thấm mệt, nói gì tới chuyện học. Nhưng bố Pó lại nghĩ khác, làm khác, ông cương quyết dù bố mẹ khổ các con phải đến trường. Pó học cấp 3 lên trung tâm thị trấn tiếp tục xa nhà. Từ năm 2015 - 2019 theo học ngành quản lý xã hội của trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn.
“Ngày ấy bố tôi dõng dạc tuyên bố, nếu tôi bỏ học như các bạn ông sẽ từ mặt. Rồi bố giảng giải cho tôi hiểu cái chữ chính là con đường thoát ly với cái nghèo. Thế nên mỗi lần có ý định nghỉ học vì con đường đến trường quá khổ, lời bố nói lại văng vẳng bên tai tôi” - Pó hồi tưởng lại.
Gia đình Pó có một em thi đậu Đại học Y Thái Nguyên, một em học Trung cấp Y Thanh Hóa; hiện 2 em đang xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Người dân ở Tà Cóm và các bản lân cận nhìn gương của gia đình Pó. Với người dân tộc Mông, mình hãy làm thay vì nói. Vì vậy những tấm gương điển hình như gia đình Pó chính là minh chứng sống cho con đường học để thoát nghèo.
Sau 9 năm giữ chức Bí thư bản Khằm kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội nông dân xã; năm 2023 Pó được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý.
Trải qua các vị trí, Pó đã trở thành cánh tay nối dài của Đảng, thắp sáng niềm tin về Đảng cho bà con dân tộc miền núi xa xôi, hẻo lánh này. Với những xã biên giới vùng cao như Trung Lý thì công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật đến với người dân chính là nhiệm vụ thiết yếu. Bởi thế, mỗi lần có đoàn đến bản tuyên truyền pháp luật là không thể thiếu Pó. Pó truyền tải các chủ trương, đường lối của xã, huyện bằng tiếng Mông với bà con. Với Pó bà con có niềm tin tuyệt đối, vì vậy Pó nói người dân sẽ nghe và làm theo.
Câu chuyện của Pó với tôi thi thoảng lại ngắt quãng bởi đoạn đường lên dốc khúc khuỷu. Chiếc xe Winer mỗi lần lên dốc lại phụt khói đen kịt, có những lúc Pó dừng lại hồi tưởng về tuổi thơ, về ký ức Tà Cóm. Con đường vào Tà Cóm một bên là núi, có đoạn dòng sông Mã xanh ngắt những ngày đầu đông, cuốn theo câu chuyện của Pó.
Pó cứ thế miên man trong dòng hồi tưởng, còn tôi ngồi phía sau xe cũng trải dài những hình dung trong câu chuyện của Pó. Chợt nghĩ, tuổi thơ của Pó khổ gấp nhiều lần so với đứa trẻ cũng lớn lên từ nông thôn như tôi. Nếu là tôi, liệu có bỏ học giữa chừng. Vậy mà Pó vẫn vượt qua và đến đích trên hành trang đi tìm cái chữ.
Về tới Tà Cóm, từ đầu tới cuối bản trẻ con, người già đều nhận ra Pó. Họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc Mông, tôi nghe không hiểu, nhưng nhìn mặt ai cũng rất hồ hởi, tay bắt mặt mừng. Sau đó, Pó phiên dịch cho tôi, người dân hỏi giá sắn bao nhiêu, hỏi thủ tục vay vốn ngân hàng, cây luồng có được giá không…
Pó dẫn tôi lên thăm nhà cũ của Pó ở phía sau nhà văn hóa bản Tà Cóm, nằm chênh vênh trên đỉnh đồi cao, phía trước là cả một thung lũng đồi núi trập trùng. Pó kể về cuộc sống của gia đình ngày còn ở Tà Cóm, về tuổi thơ vừa học vừa làm nương rẫy của anh em Pó. Pó tiến lại, ôm cái gốc cây to bằng cả vòng tay của Pó rồi nói “cây này Pó trồng hơn 20 năm rồi, may mắn vẫn còn giữ được, để còn níu giữ ký ức về tuổi thơ với Tà Cóm”.
Anh Thào A Sự, trưởng bản Tà Cóm nói: Người dân ở Tà Cóm tin tưởng Pó, gọi cái tên quen thuộc là cán bộ Pó. Gia đình Pó là tấm gương sáng, điển hình cho người dân nơi đây học tập. Nhiều gia đình có ý định cho con nghỉ học đi làm nương rẫy rồi lấy chồng sớm, cán bộ Biên phòng vào tuyên truyền, dẫn chứng Pó và gia đình Pó.
Ở mảnh đất xa xôi, hẻo lánh như Tà Cóm, gương sáng như Pó chính “minh chứng sống” để người dân thấy học cái chữ quan trọng thế nào, phải chịu khó làm như bố mẹ Pó mới thoát nghèo được.
Rời Tà Cóm khi bóng chiều đã ngả sau rặng núi xa, Pó chở tôi ra bến đò để về trung tâm huyện. Trên chiếc thuyền chập chùng vượt qua sông Mã, bất giác Pó nhắm mắt hít một hơi sâu, rồi nói Tà Cóm chính là quê hương thứ hai của Pó. Pó nguyện mang sức mình, cái chữ Pó học được góp một phần nhỏ bé để Tà Cóm đổi thay.