(TN&MT) – Ngày 17/12, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm
Xác định công tác giảm nghèo và an sinh xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công phụ trách gắn với thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo sát sao và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ chính sách xã hội, đồng bào DTTS đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, tín dụng ưu đãi, tiền điện, nhà ở, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về giáo dục, các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội trong dịp lễ, tết...
Sau 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% vào cuối năm 2024, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào cuối năm 2024.
Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 8,1%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; có 4 huyện thoát nghèo (Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ, Thuận Châu), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ kết nối việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho hơn 91.000 lao động, đạt 91% kế hoạch giai đoạn đề ra, trong đó có trên 50% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ ở vùng nghèo, vùng khó khăn.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho 8.758 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17,4%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Giảm tỷ lệ thiếu hụt về chất lượng nhà ở của hộ nghèo xuống còn 22%, hộ cận nghèo xuống còn 12,7%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,45%...
Đến nay, Sơn La còn 2 huyện nghèo là Thuận Châu và Sốp Cộp. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, trong giai đoạn 2022-2024, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, 2 huyện Thuận Châu, Sốp Cộp đã xây dựng 55 công trình; duy tu, bảo dưỡng 85 công trình hạ tầng các loại. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở huyện nghèo ngày càng được củng cố, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảm nghèo
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tập trung vào các nội dung: Tín dụng chính sách giúp người nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; giới thiệu một số mô hình, điển hình trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững….
Các đại biểu đã lắng nghe lãnh đạo huyện Thuận Châu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp xây dựng, triển khai kế hoạch đưa huyện thoát khỏi tình trạng nghèo giai đoạn 2021 – 2025; huyện Sốp Cộp thông tin về kết quả và bài học kinh nghiệm trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện; huyện Phù Yên chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm trong thực hiện hỗ trợ giao dịch việc làm và kết nối việc làm cho người lao động....
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Minh Hùng đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và thành tích đã đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Tập trung triển khai có hiệu quả 3 nguồn vốn Chương trình MTQG; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, bố trí có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa.
Xác định, phân loại các nguyên nhân nghèo tại địa phương, cơ sở, để đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Tập trung triển khai, hoàn thành công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2025.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tấm gương, điển hình tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững, những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của người nghèo, cận nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo, cận nghèo.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là công tác tự kiểm tra, tự giám sát và sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân tại cơ sở trong việc thực hiện chương trình, dự án, mục tiêu giảm nghèo bền vững.