Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái xác định công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, cấp ủy, chính quyền và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Yên Bái là một trong những tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ như Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc chương trình mục tiêu quốc gia bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Dự án 8 nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới; chăm lo, giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối phụ nữ và trẻ em với nhóm đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tại Yên Bái, Dự án 8 được triển khai tại 59 xã, 55 thôn đặc biệt khó khăn tại 8 huyện, thị xã.
Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái, cơ quan chủ trì triển khai Dự án đã chú trọng chỉ đạo các cấp Hội triển khai các mô hình, hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp. Trong quá trình triển khai các nội dung của Dự án, các buổi truyền thông và tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã được tổ chức một cách linh hoạt, gần gũi, tạo sự quan tâm và tham gia của cộng đồng.
Dự án đã huy động sự tham gia của nam giới trong các hoạt động Dự án với việc xây dựng và duy trì 47 mô hình truyền thông cộng đồng do nam giới tiên phong, truyền thông cộng đồng với nội dung “xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.
Một số kết quả Dự án trong giai đoạn 2022 – 2024:
Thành lập 370 Tổ truyền thông cộng đồng với 2.926 thành viên. Thành lập 52 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Thành lập 80 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS và tại thôn, bản. Tổ chức nâng cao năng lực cho 60 cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã. Tổ chức 116 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã và cụm thôn, bản về các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ với sự tham gia của 5.473 phụ nữ dân tộc thiểu số. Hỗ trợ 4 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ. Tổ chức tập huấn 6 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã, thôn. Tổ chức 3/17 lớp tập huấn chương trình 2 cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã; 20 lớp tập huấn chương trình 3 cho đội ngũ thôn, bản.
Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, Phó Trưởng ban điều hành Dự án 8 tỉnh Yên Bái cho biết: Dự án đã nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền lợi và vai trò của họ trong xã hội. Các chương trình truyền thông và giáo dục đã giúp họ hiểu rõ hơn về quyền bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng phân biệt đối xử và định kiến giới trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Phụ nữ dần có vai trò chủ động hơn trong các quyết định của gia đình, đặc biệt là về kinh tế và giáo dục con cái, điều này giúp cải thiện vị thế của họ trong gia đình và xã hội, giảm sự phụ thuộc vào nam giới.
Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề và khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, giúp họ tự chủ về kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, các mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng lên”.
Bà Hoàng Phương Thúy cho biết thêm, dự án giúp trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn với các chương trình giáo dục, giảm tỷ lệ bỏ học sớm; tập trung vào việc bảo vệ quyền của trẻ em trước các vấn đề như lao động sớm, bạo lực, xâm hại và tảo hôn. Trẻ em được bảo vệ và giáo dục về quyền lợi của mình thông qua các chương trình truyền thông và hỗ trợ từ các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em. Các chương trình chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em góp phần nâng cao sức khỏe dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, và các bệnh phổ biến ở trẻ em dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, dự án cũng giúp thay đổi nhận thức của nam giới về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, giúp giảm sự phân biệt giới. Nam giới bắt đầu có cái nhìn công bằng hơn về vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Các hoạt động cộng đồng được thực hiện với sự tham gia của cả nam và nữ giới, giúp nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong các quyết định quan trọng của làng, xã.
Việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đã được các cấp ngành địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo, những mô hình mới như thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, tổ chức các cuộc đối thoại chính sách… Qua đó, nhận thức về giới của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng lên, chị em có nhiều điều kiện tiếp cận các hoạt động, dịch vụ xã hội bình đẳng hơn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Bằng nhiều cách làm đồng bộ và sáng tạo, vai trò và vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống đã được khẳng định. Trong đó, nổi bật là nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, ban hành các quyết định, đề án trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ công chức, viên chức là nữ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, đến nay, đội ngũ cán bộ nữ tham gia giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành tăng cả về số lượng, chất lượng.
Đặc biệt, Yên Bái đã thực hiện có hiệu quả đề án 11 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Đây được coi là một đề án mang tính đột phá, sáng tạo và bài bản của Tỉnh ủy Yên Bái, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã được các nhà nghiên cứu lý luận, tổ chức về công tác xây dựng Đảng đánh giá cao.
Đề án đã tuyển chọn nhiều cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số có trình độ, có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với công việc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 65,6% cán bộ công chức, viên chức là nữ. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp chiếm tỷ lệ 22,5% và 19,6% tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý, nữ cán bộ công chức viên chức chiếm 62,3%/tổng số cán bộ, đảng viên nữ chiếm gần 36%.
Giai đoạn 2021-2026, toàn tỉnh có 1372 người là nữ đại biểu Hội đồng nhân dân, chiếm 34,4%, tăng 1,4% so với nhiệm kỳ trước. Những kết quả trên đã cho thấy tư duy chiến lược, tầm nhìn lâu dài của tỉnh Yên Bái trong việc quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh, giúp phụ nữ có được vị trí và khẳng định mình trong xã hội.
Cùng với đó, trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua phải kể đến vai trò của phụ nữ, khi tỷ lệ nữ chiếm gần 45% lực lượng lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội... Hết năm 2023, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt trên 36%, tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm gần 63%, phụ nữ được đào tào nghề chiếm gần 40% trong tổng số người được đào tạo nghề, số lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm từ 43-45%.
Điểm nổi bật của phụ nữ Yên Bái là sự chủ động, sáng tạo, hội nhập, tranh thủ những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiếp cận thị trường nước ngoài, đã có nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên đảm nhận vai trò quản lý, lãnh đạo tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, với tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 22,5%.
Trên mặt trận kinh tế, các chị luôn là người tiên phong, đi đầu, tham gia vào tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng đến giao thông, du lịch, dịch vụ. Nhiều chị em đã chủ động tham gia các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất như mã truy suất nguồn gốc trên các sản phẩm nông nghiệp, tận dụng các nền tảng số trong tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm…
Đối với phụ nữ nông thôn, nhờ đức tính cần cù, tư duy, sáng tạo ham học hỏi, đã đưa các chị đến những thành công; nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do phụ nữ nông thôn làm chủ, đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới mang về thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng; giúp hàng nghìn phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Chị Giàng Thị Mỷ - Thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: “Ngày xưa các bé gái chủ yếu được các bà, các mẹ dạy việc thuê, may vá các hoa văn trên vải và chủ yếu được làm bằng tay, vì vậy sản lượng đưa ra thị trường rất ít. Sau đó, bản thân có suy nghĩ làm sao để đưa các mặt hàng mình làm ra với số lượng nhiều mà giá tốt nhất, đẹp nhất, vì vậy mình đã sử dụng máy thêu, nhờ đó năng suất và chất lượng cao hơn rất nhiều”.
Phát huy vai trò trong xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập. Trong lĩnh vực chuyên môn như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, phụ nữ Yên Bái luôn nhiệt tình, tận tâm, đầy trách nhiệm, lăn xả trong công việc, trên các trận tuyến khó khăn nhất đấu tranh với dịch bệnh, hay băng rừng vượt suối reo chữ nơi non cao.
Các Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Chi hội phụ nữ hạnh phúc”, “Làng quê, thôn bản, tổ dân phố an toàn, hạnh phúc" được xây dựng và lan tỏa khắp các miền quê. Đặc biệt, phụ nữ Yên Bái còn là lực lượng nòng cốt tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bà Điêu Thị Xiêng - xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Là một nghệ nhân tôi sẽ truyền dạy cho lớp trẻ ở các trường học và các chị em trong thôn, trong bản mình để lưu lại và bản tồn các văn hóa truyền thống của dân tộc Thái mình”.
Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, mặt trận nào cũng ghi đậm những dấu ấn của phụ nữ. Đây chính là nền tảng, là động lực và là niềm tự hào để phụ nữ Yên Bái vững vàng ý chí, thắp sáng ngọn lửa đam mê, truyền cảm hứng lao động và khát vọng cống hiến.
Dẫu vậy, công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Yên Bái vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, khi tỷ lệ nữ lao động nữ lao động, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc, cán bộ chủ chốt ở các cấp đã được nâng lên song vẫn còn thấp… Điều này đặt ra trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, đoàn thể và là niềm mong mỏi của phụ nữ các dân tộc Yên Bái.
Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết: Trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền thay đổi nhận thức và thay đổi định kiến giới, khi chúng ta tác động liên tục và lâu dài chắc chắn sẽ có thay đổi về suy nghĩ và thúc đẩy giải quyết về bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, Hội quan tâm đến các mô hình cho phụ nữ tham gia để chị em phát triển kinh tế và tạo ra giá trị sản phẩm làm giàu để khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội.
Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Yên Bái hôm nay tự hào và hạnh phúc vì ở đâu có phụ nữ, ở đó các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động luôn đạt chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng đóng góp quan trọng vào hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Bài và hình ảnh: Thanh Ngà
Trình bày: Tùng Quân