Theo kế hoạch của Ban tổ chức, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường sẽ diễn ra trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng âm lịch tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Khác với năm 2024, Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thì năm 2025, lễ hội dự kiến sẽ tổ chức trong 02 ngày. Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày lễ này còn có tên gọi khác là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng. Đây là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của văn minh của người Việt cổ.
Ngày hội của 4 “xứ Mường”
Trao đổi với phóng viên, chị Bùi Thị Bảy, trú tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc cho biết: Chị cũng không nhớ lễ hội này có từ bao giờ nữa, cứ mỗi độ xuân về, các bản làng ở 4 Mường: “Bi, Vang, Thàng, Động” trên khắp cả tỉnh Hòa Bình lại hân hoan mở hội. Ở thời kỳ khó khăn thì đồng bào chỉ hội tụ ở quy mô làng xóm, giờ dần phát triển thành quy mô lớn hơn, tụ hội đông hơn, vui và ý nghĩa hơn.
Theo nghiên cứu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình công bố: các nghi lễ thực hành, tái hiện ở lễ hội của 4 vùng Mường là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh sâu sắc được cộng đồng tổ chức trang trọng, linh thiêng. Nghi lễ cũng thay lời dân Mường thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần thánh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, gửi gắm một vụ mùa bội thu, năm mới ấm no, mọi người mạnh khỏe, bình yên về trên bản Mường.Đây là bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống của dân tộc Mường.
Với “xứ Mường Bi”, đường cày đầu Xuân rất quan trọng. Người dân phải "xuống đồng”, "đi cày, đi cấy đầu Xuân”. Theo quan niệm xưa, ngày Xuân cày ruộng, trước khi đặt chân xuống cánh đồng, phải tổ chức nghi lễ tế trời, khai đất. Cúng để mong mưa thuận, gió hòa, cho một mùa màng tươi tốt. Lễ hội cũng khuyến khích người dân trăm họ chăm lo sản xuất. Sau lễ cúng, người nam giới khỏe mạnh được cử vác cày, lùa trâu xuống cánh đồng, những con trâu to, khỏe mạnh mẽ kéo chiếc cày lưỡi sắc, kéo những đường cày thẳng, sâu trên đồng ruộng. Chị em phụ nữ cũng nhổ mạ, đi cấy. Công việc diễn ra trong không khí sôi động tạo sự khởi đầu tốt lành của năm mới. Theo bà con vùng Mường Bi quan niệm, chưa có nghi lễ này thì nông dân chưa được xuống đồng.
Còn vùng Mường Vang (huyện Lạc Sơn) lại có nghi lễ khác. Điển hình là lễ rước bông cơm trái lúa và ban lúa lộc đầu Xuân. Nghi lễ này diễn ra từ sáng sớm. Đoàn rước kiệu từ đình Khênh ra, dẫn đầu là thầy mo, phía cuối là dàn sắc bùa cùng hàng trăm dân làng ra miếu làm thủ tục cúng lễ để rước kiệu lúa về đình làm hội. Những bông lúa sau đó được bó thành từng bó nhỏ, buộc bằng sợi chỉ màu dành ban lộc cho mọi người. Với “xứ Mường Vang”, nếu ai về dự hội mà được nhận những bông lúa tròn, mẩy buộc sợi chỉ đỏ, chỉ vàng tượng trưng cho sự may mắn, mùa vàng bội thu trong những ngày đầu xuân là rất ý nghĩa. Nghi lễ có ý nghĩa nhân văn, mang tài lộc, phú quý đến với mọi người, mọi nhà.
Tại Lễ hội Khai mùa Mường Thàng (huyện Cao Phong) tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng hàng năm thì lại có nghi thức khác. Hội rước nước từ giếng cổ lên. Trước khi làm lễ, các nam thanh nữ tú dùng gáo tre lấy nước tại giếng cổ, trao cho thầy cúng dâng lên trước ban thờ miếu Cả, xã Dũng Phong cầu cho mọi việc sạch sẽ, mát mẻ, mọi người an lành, mạnh khỏe, mọi vật sinh sôi. Sau lễ tế Thành Hoàng tại miếu đến màn rước nước cùng rước Thành Hoàng về sân hội. Điều lạ, chiếc giếng cổ này chưa bao giờ cạn, nước đầy ăm ắp quanh năm và trong tới tận đáy. Người dân trong vùng gọi đây là “giếng thần”.
“Xứ” Mường Động (huyện Kim Bôi) lại tổ chức lễ hội mang hương vị khác. Người làng Chiềng Động làm lễ tại quán Đồng Bãi (nơi dừng chân nghỉ ngơi cộng đồng), cách đình Chiềng Động khoảng 300m về hướng Nam. Sáng sớm mồng 7, khi mọi người đến tập trung, mâm lễ vật đã chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, ông thủ từ thắp hương, khấn thổ công, thổ địa xin phép để nghi lễ được tiến hành.
Đụn đựng lúa được đan bằng nứa, quây lại thành hình trụ tròn cao từ 2,5 - 3 m, rộng cũng từ 2,5 - 3m, phía dưới kê đá, trên lợp gianh, thân đụn được khoét một cửa hình vuông vừa đủ để mỗi khi lấy lúa ra làm. Tham gia nghi lễ có 10 người trở lên, chủ yếu là lứa tuổi thiếu niên. Ông từ là người chỉ huy lễ đập đụn, các thiếu niên mỗi người cầm một gậy bằng tre, dài khoảng 60 - 80cm, đi đầu là 2 thiếu niên cầm cờ hiệu, tiếp đó là ông chỉ huy cầm trống lệnh để đánh điều hành. Sau khi xin phép được các thần, đoàn đập đụn khởi hành từ quán Đồng Bãi đi sang Gò Đầm, đến Quê Rù, qua xóm Rảnh, rồi về xóm Chiềng. Trong suốt chặng đường đập đụn, đoàn sẽ vào bất cứ gia đình nào trong làng, cùng nhau lấy gậy đập vào đụn thóc, ông chỉ huy thì đánh trống lệnh...
Khi đoàn đã đến đập đụn thóc của 7 - 10 gia đình, ông chỉ huy cho đoàn quay về quán Đồng Bãi. Trên đường về, các em vứt gậy đụn xuống sông, suối. Lễ đập đụn thóc nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi làng xóm, để mọi người được khỏe mạnh, yên tâm làm ăn, mọi vật sinh sôi phát triển.
Người dân háo hức
Trao đổi với chị Nguyễn Thị Xuyến, trú tại xã Sào Báy (Kim Bôi), chị Xuyến cho biết: sắp đến ngày hội, nên không khí chuẩn bị đi hội của bà con xóm chị ở rất hào hứng. Bà con tập trung chuẩn bị lễ vật và cả các tiết mục văn nghệ đi biểu diễn văn nghệ. Nhiều câu hát của người Mường cũng được tập luyện để đi thi hát…
Theo tìm hiểu, được biết để cho ngày hội lớn của dân tộc Mường Hòa Bình, cả bốn “xứ Mường” đều huy động các nghệ nhân văn nghệ đến từ các xã, các huyện chờ ngày khai lễ. Nhiều xóm đã tích cực luyện tập nhiều ngày nhằm mang đến Lễ hội Khai hạ xuân Ất Tỵ những tiết mục đặc sắc, vui vẻ nhất.
Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tân Lạc cho biết: “diễn viên” ngày thường mỗi người một công việc khác nhau, nhưng tâm huyết với ngày lễ, họ đã thể hiện sự đam mê và lòng tự hào về nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ngoài ý nghĩa văn hóa, Lễ Khai hạ dân tộc Mường được xác định là cơ hội để quảng bá du lịch Hòa Bình. Trong những năm gần đây, hình ảnh của các bản làng Mường, những đắc sản địa phương như cơm lam, rượu cần… đã trở thành sản phẩm du lịch hàng đầu của tỉnh.
Năm 2024, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tiếp tục được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc). Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/2 (tức ngày mùng 6, 7, 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Trong ngày 6, 7 tháng Giêng, thời tiết nắng ấm, đông đảo người dân vùng Mường Bi và các vùng Mường trong tỉnh tụ hội về sân vận động xã Phong Phú theo dõi thi đấu các môn thể thao bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy. Các xã, thị trấn tổ chức trại văn hoá của địa phương.
Đây cũng là một trong những điểm nhấn mới của lễ hội Khai hạ năm nay, các xã, thị trấn dựng trại theo mô hình nhà sàn, nhà nổi mang đặc trưng của địa phương, đồng thời trang trí, trưng bày các vật dụng, đồ thủ công mỹ nghệ tái hiện một cách sinh động không gian văn hóa nhà sàn Mường. Ngày mùng 8 tháng Giêng, thời tiết nắng đẹp thuận lợi cho tổ chức các hoạt động chính của lễ khai mạc với phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện nghi lễ cúng thổ công, thổ địa, Thành Hoàng, rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng và màn trình tấu chiêng Mường của 500 nghệ nhân âm vang khắp núi rừng Mường Bi, thôi thúc đông đảo nhân dân và du khách tham gia trẩy hội.
Lễ hội mang lại nhiều ý nghĩa to lớn
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết:
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đang được khẩn trương chuẩn bị chu đáo để nhân dân tham dự với nhiều hoạt động ý nghĩa, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.
Cũng theo bà Hồng, từ lâu, lễ hội Khai hạ đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến Xuân về của người Mường Hoà Bình. Đây cũng là dịp để đồng bào 4 Mường trong tỉnh là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, thể hiện lòng thành kính tạ ơn trời đất.
Theo các nghiên cứu về văn hóa dân gian, Lễ hội Khai hạ hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà - thân mẫu của Đức Thánh Tản, người có công gây dựng mảnh đất Mường. Do vậy, Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi phát triển, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo Ban Tổ chức, Lễ Khai hạ dân tộc Mường năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, bao gồm nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, chơi trò chơi dân gian và thi đấu các môn thể thao dân tộc.
Chia sẻ thông tin, ông Bùi Văn Tinh - Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là mang đến một mùa lễ hội đậm chất truyền thống, tuyệt đối an toàn, cho nhân dân và du khách đến thăm, chơi. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2025, UBND huyện Tân Lạc đã triển khai và lên kế hoạch tỉ mỉ cho từng hoạt động. Các ban, ngành, xã phải phối hợp với nhau để bảo đảm các hoạt động an ninh, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, y tế… một cách hợp lý nhất”, ông Tinh chia sẻ.
Theo kế hoạch, để đảm bảo cho lễ hội dân tộc Mường được uy nghiêm, nhiều hoạt động được triển khai, có phân công rõ ràng như: nghi lễ cúng thổ công, thổ địa, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng và rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà, các chương trình nghệ thuật chào mừng lễ khai mạc với màn trình tấu chiêng Mường độc đáo của các nghệ nhân đến từ nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Các phần thi ẩm thực; thi đấu các môn thể thao dân tộc: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… sẽ được tái hiện.
Lễ hội Khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống có từ lâu đời, quy mô lớn nhất của người Mường tỉnh Hòa Bình. lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, quy tụ 4 vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) tham gia, là dịp để các tinh hoa văn hóa dân tộc Mường hội tụ và tỏa sáng, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”.