(TN&MT) - Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để sum vầy, mà còn là thời điểm để mỗi người tìm về cội nguồn văn hóa, gìn giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp. Trong văn hóa của người Mường ở tỉnh Hòa Bình, cây mía không chỉ là một loại cây trồng thông thường, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Trong ba ngày tết, bắt buộc phải có cây này để thờ phụng, lấy may cho năm mới. Nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn trọng đối với tổ tiên và ước mong một năm mới an lành, may mắn của người Mường.
Nét văn hóa không thể thiếu của bà con dân tộc Mường
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, anh Bùi Văn Thép, nhà ở xã Sào Báy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) chia sẻ: Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa và tín ngưỡng riêng tạo nên cộng đồng dân tộc đa dạng. Người Mường ở Hòa Bình rất đông, huyện nào cũng có bà con với tỷ lệ chiếm số đông. Nhưng mỗi gia đình đều có nét chung về thờ cúng tín ngưỡng trong việc thờ cúng và bày vật phẩm cây mía làm “đồ thờ”. Hầu như gia đình nào cũng có 2 cây mía dựng ở cạnh ban thờ.
Lý giải về điều này, mỗi thầy mo nói 1 kiểu, 1 ý nghĩa, nhưng vẫn chủ yếu là cây mía như “gậy chống” cho các cụ tổ tiên đã mất đi về, và tiễn đi… "Bởi vậy, khi chọn mía cúng Tết, người ta thường ưu tiên những cây mía với lóng mập mạp, đều đặn, vỏ bóng đẹp và phần ngọn xanh tươi. Những lóng mía ấy không chỉ là "gậy ông vải," mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những nấc thang dẫn lối đến một cuộc sống may mắn và tốt đẹp hơn" - Ông Thép chia sẻ.
Theo một số ghi nhận còn lưu giữ tại Bảo tàng văn hóa Hòa Bình thì trong văn hóa của người Mường, cây mía cũng chiếm vị trí quan trọng. Tín ngưỡng này thể hiện qua nhiều nghi lễ quan trọng của đời sống. Trong lễ Tết cơm mới, cây lúa nương được thờ cúng, cầu mong mùa màng bội thu. Còn cây mía lại gắn liền với vòng đời con người, từ lúc sinh ra đến khi qua đời. Trong đám tang, cây mía được vác trên vai người hát nhà xe, tiễn đưa người mất về nơi an nghỉ. Trong đám cưới, cây mía lại tượng trưng cho ước nguyện về một gia đình đông con cháu.
Chình vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình người Mường đặt cây mía lên bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và cầu mong may mắn, sung túc cho năm mới.
Ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Các nghi thức cúng tổ tiên cũng là cách để người Mường duy trì và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Đồng thời thể hiện lòng kính trọng đối với các thế hệ đi trước, những người đã góp phần xây dựng và duy trì nền tảng văn hóa, xã hội của cộng đồng Mường.
Cây mía mang lại ấm no
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết: "Theo số liệu thống kê hàng năm, tổng diện tích canh tác mía toàn tỉnh khoảng 7.130 ha, năng suất bình quân 72 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 513.185 tấn. Trong đó mía ăn tươi đạt 6.053 ha (chiếm khoảng 85% diện tích), sản lượng ước đạt trên 430 nghìn tấn". Cũng theo ông Yến, giai đoạn từ 2015 đến nay, diện tích mía ăn tươi hàng năm khá ổn định, từ 6.000 – 6.500 ha. Một số địa phương có diện tích mía ăn tươi lớn gồm: Cao Phong (2.450 ha), Tân Lạc (1.042 ha), Lạc Sơn (856,4 ha), Yên Thủy (492,2 ha).
Vào vụ mía, thường bắt đầu từ tháng 10, các hộ dân hoặc cá nhân tham gia vào trong Hợp tác xã (HTX) trồng mía ở các xã Mỹ Hòa, Do Nhân, Phú Cường… của huyện Tân Lạc đều vào vụ. Mía ở đây chủ yếu là dòng mía tím nổi tiếng của Tân Lạc, Hòa Bình.
Một số HTX đã tìm hướng đi mới, xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước khác. Khi biết được sản phẩm mía ăn tươi đã đưa đi xuất khẩu bà con nhân dân địa phương, ai cũng phấn khởi".
Theo anh Nguyễn Long, đại diện một HTX cho biết: Hiện nay, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng với những yêu cầu khắt khe từ phía đối tác, HTX đã hướng dẫn người dân canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quán triệt các hộ đảm bảo thời gian ngưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước thời gian thu hoạch từ 4-5 tháng để đảm bảo dư lượng thuốc có trong cây mía không vượt quá ngưỡng cho phép" - đại diện HTX nói thêm.
Không chỉ có HTX “tự bơi”, tìm đường xuất ngoại cho cây mía tím ở Hòa Bình, một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hòa Bình cũng đi khắp nơi để đưa cây mía tím Hòa Bình sang thị trường Hàn Quốc và châu Âu.
Ông Điệp, Giám đốc một doanh nghiệp trồng mía chia sẻ: Giống mía tím của Hòa Bình có lượng nước tốt, ngọt vừa, so với các tỉnh thành phía Bắc khác, thì rất khác biệt. Do vậy, việc phát triển những vùng sản xuất tập trung giống mía tím này để trở thành lợi thế của Hòa Bình mang lại nguồn thu cho người nông dân…
Được biết, hiện nay trồng mía đã trở thành hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cây mía vừa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường, cũng như giữ gìn những giá trị văn hóa linh thiêng của cây mía, đồng thời mở rộng diện tích trồng mía để xây dựng thương hiệu mía tím Hòa Bình. Mía sẽ trở thành cây trồng chủ lực, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.