Người có uy tín nói và làm

Hình ảnh người lính biên phòng nơi “phên dậu Tổ Quốc”

Thanh Tâm 11:31 08/06/2023

34 năm gắn bó với biên giới, với người đồng bào dân tộc Mông, người lính mang quân hàm xanh ấy luôn mang trong mình nhiệt huyết của bộ đội cụ Hồ để cùng đồng bào Mông ở bản Ón phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ bình yên vùng phên dậu Tổ quốc. Đó là Thiếu tá Vi Xuân Thao - Bộ đội đồn biên phòng Tam Chung (huyện Mường Lát, Thanh Hóa)

Nan giải những khó khăn nơi biên giới

Năm 1989 tốt nghiệp trường Trung cấp Y Thanh Hóa, chàng thanh niên trẻ Vi Xuân Thao được phân công về Đồn Biên phòng Tén Tằn (huyện Mường Lát) công tác. Thời điểm ấy Đồn đang quản lý cả khu vực xã Tam Chung; giao thông đi lại vô cùng khó khăn, để vào được các bản chủ yếu phải men theo khe suối cả ngày trời. Anh Thao được giao phụ trách khu vực xã Tam Chung, lúc đó mới chỉ có các bản người Thái, người Mường ở gần trung tâm xã.

Anh còn nhớ, khoảng giữa năm 1991 khi có trận lũ đi qua, người dân tộc Thái ở bản Poọng trong khi đi rừng mới phát hiện có chiếc máng lợn trôi về. Họ lập tức báo cáo với Đồn Biên Phòng, Thiếu tá Thao được lãnh đạo đồn phân công vào kiểm tra, ghi nhận tình hình thực tế. Anh cõng theo một ba lô, mang theo gạo, mắm muối và chiếc nồi nhỏ men theo khe suối gần 20km thì phát hiện một vài chiếc lán nhỏ trên đỉnh núi cao.

anh-1(2).jpg
Thiếu tá Vi Xuân Thao cùng với Tổ công tác hỗ trợ với người dân bản Ón dựng nhà.

Khi kiểm tra thực tế, anh biết được đây là nhóm người dân tộc Mông di cư từ tỉnh Sơn La về. Lúc ấy họ không biết tiếng Kinh, vận dụng hết vốn ngôn ngữ học được trong mấy năm công tác, anh nắm bắt tình hình trở về báo cáo với lãnh đạo đồn. Khi ấy hệ thống chính quyền mới biết được trong khu vực Ón có người sinh sống.

Năm 1994, Tổ công tác bản Ón thuộc Đồn Biên phòng Tén Tằn được thành lập. Từ khi ấy, anh Thao cùng ăn cùng ở với đồng bào bản Ón.

Anh kể: “Nói về những khó khăn thời điểm ấy thì không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được, có trải qua mới thấm hết nỗi gian truân của người lính biên phòng nơi phên dậu của Tổ Quốc. Không chỉ đường sá đi lại khó khăn, xa gia đình, thiếu thốn vật chất trăm bề mà khó nhất là thích nghi được với phong tục tập quán của đồng bào. Có như vậy, mới nắm bắt được tư tưởng, nguyện vọng của người dân, giúp họ hiểu được đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước".

anh-2(2).jpg
Thiếu tá Vi Xuân Thao cùng với Tổ công tác hỗ trợ với người dân bản Ón dựng nhà.

Bản Ón có 7,4km đường biên giới với huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào và giáp với huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Vì vậy ổn định an ninh biên giới, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương là vấn đề quan trọng tiên quyết. Khi đó trình độ dân trí của người dân ở bản Ón rất thấp, đa phần người dân không nói được tiếng Kinh, họ vẫn giữ tập tục du canh, du cư từ bao đời nay. Những quả đồi trong khu vực Ón đều trơ trụi sau khi dấu chân người Mông đi qua. Việc thay đổi tư duy, tập tục đã ăn sâu bén rễ đối với người dân tộc Mông khi ấy được xác định rất nan giải.

Thế nhưng với sự tâm huyết, kiên trì của Thiếu tá Vi Xuân Thao cùng với Tổ công tác như mưa dầm thấm đất, từng ngày từng ngày một tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được việc du canh, du cư bất lợi như thế nào tới cuộc sống, những hủ tục lạc hậu càng khiến tình trạng đói nghèo triền miên. Nhất là ở khu vực biên giới, tệ nạn buôn bán, vận chuyển sử dụng ma túy diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều lối mòn, lối mở sang nước Lào, các đối tượng thường lợi dụng địa hình hiểm trở để hoạt động. Vì vậy để kiểm soát tình hình tiến tới đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới là cả một quá trình nguy hiểm, gian nan của những người lính biên phòng.

anh-3.jpg
Thiếu tá Vi Xuân Thao cùng với Tổ công tác hỗ trợ với người dân bản Ón dựng nhà

Năm 2007, Đồn Biên phòng Tam Chung được thành lập, tách ra từ Đồn Biên phòng Tén Tằn. Thiếu tá Vi Xuân Thao được phân công về Đồn Biên phòng Tam Chung và tiếp tục phụ trách ở bản Ón. Đến năm tháng 10 năm 2010, Anh được tăng cường làm Phó Bí thư Chi bộ bản Ón theo Kết luận 50 của Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xóa bản trắng đảng viên, chi bộ sinh hoạt ghép.

Khi ấy cuộc sống còn đói nghèo triền miên, người dân không được học hành, chẳng ai hiểu được biên giới là gì, chứ chưa nói đến việc đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ chỉ lo no cái bụng thôi chứ nghĩ gì tới theo Đảng.

Đưa “ánh sáng” của Đảng đến với đồng bào dân tộc Mông

Việc thành lập được Chi bộ bản Ón là kim chỉ nam để xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú. Cả bản Ón khi ấy chỉ có anh Giàng A Trống đang đi thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Đảo Mê và là đảng viên dự bị. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, chi bộ đã tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đảng và trở thành đảng viên chính thức sinh hoạt tại Chi bộ bản Ón.

anh-4.jpg
Thiếu tá Thao trong một lần đi tuần tra cột mốc 273

Năm 2012, anh Giàng A Trống được bầu làm Bí thư Chi bộ. Việc xây dựng được nhân tố điển hình là người địa phương được coi là bước tiến dài để người dân tộc Mông hiểu và tin vào Đảng. Từ đó phát huy được thế trận lòng dân trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Khó khăn tiếp theo là dần thay đổi được những hủ tục trong đời sống sinh hoạt và văn hóa của người dân tộc Mông. Nhất là tình trạng du canh, du cư; hủ tục trong ma chay, vận động được trẻ em tới trường, mở những lớp xóa mù chữ. Ban ngày người dân đều lên rừng làm nương rẫy, vì vậy tranh thủ những buổi tối anh Thao cùng với tổ công tác chia nhau leo đồi tới từng nhà vận động người dân ổn định chỗ ở, cho con tới điểm trường học, tuyên truyền nếp sống mới phù hợp với văn hóa.

Văn hóa trong ma chay của người dân tộc Mông được biết tới với nhiều hủ tục như: người chết treo trên cáng tre để ở nhà bảy tới chín ngày, hàng ngày đều cho người chết ăn, trâu bò được giết thịt la liệt để thiết đãi người dân trong bản. Sau mỗi đám ma, gia đình kiệt quệ kinh tế, nhiều năm sau chỉ lo trả nợ càng kéo theo tình trạng nghèo đói.

Thiếu tá Thao còn nhớ rõ năm 2008, anh chứng kiến đám ma của một người trong bản giết tới 13 con trâu bò, người chết tới ngày thứ chín mới mang đi chôn, hàng ngày con cháu cùng người dân trong bản tập trung uống rượu ăn uống linh đình. Những hủ tục không chỉ mang đến gánh nặng về kinh tế mà còn tiềm ẩn những nguy cơ ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự. 

Sau khi thành lập được Chi bộ bản Ón, trong đó nòng cốt Bí thư Chi bộ là người địa phương, anh cùng với Chi bộ gõ cửa từng nhà giải thích để người dân hiểu được những hủ tục trong ma chay. Nhất là việc vận động được đám ma của mẹ anh Giàng A Trống bỏ vào quan tài, không tổ chức quá 3 ngày và giết chỉ hai con bò. Từ khi thấy gia đình anh Trống tổ chức theo nếp sống văn minh, nhiều hộ gia đình cũng tự nguyện làm theo, giảm bớt các hủ tục.

dji_0052.jpg
Khu tái định cư bản Ón được đầu tư xây dựng giúp người dân thêm tin tưởng vào cách chính sách thiết thực của Nhà nước

Những ngày tháng năm nắng như đổ lửa, gió Lào thổi rát mặt nhưng trên công trường bản Ón rộn vang tiếng cười, tiếng người dân gọi nhau dựng nhà. Khu Tái định cư bản Ón được xây dựng, di dời 42 hộ trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao về ở tập trung ổn định đã khiến người dân thêm tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách thiết thực của Nhà nước.

anh-6.jpg
 Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyễn cùng đoàn công tác trong một lần lên khảo sát khu tái định cư bản Ón

Vẫn còn đó muôn vàn những khó khăn nhưng tin tưởng rằng cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng chung sức của tình quân dân sẽ mang ánh sáng của Đảng, sự ấm no và “khoác lên mình màu áo mới” cho bản Ón. Trên cung đường 20km trở về trung tâm xã, lượn theo những con đường ngoằn nghèo men theo sườn núi, tôi cùng với người đồng nghiệp bất chợt im lặng trên cả quãng đường dài. Trong tâm thức trào lên những nỗi niềm trăn trở với những đứa trẻ còn thiếu thốn trăm bề ở bản Ón cùng với đó là thổn thức trong câu chuyện còn dang dở của những người lính mang quân hàm xanh nơi “phên dậu của Tổ Quốc”. Họ dành cả tuổi thanh xuân gắn bó với biên giới, với bản làng trải qua muôn vàn gian khổ đóng góp một phần nhỏ bé sức lực để bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc.

Bài liên quan
  • Những “cột mốc sống” nơi biên cương
    (TN&MT) - Chẳng vì mưu cầu lợi ích, những người con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Mường Lát nối tiếp truyền thống cha ông, đã dành cả tuổi xuân trông coi, bảo vệ cột mốc. Họ thể hiện tình yêu đất nước bằng cách góp một phần công sức nhỏ bé bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Già làng, trưởng bản – Tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động vào cuộc, chung sức đồng lòng của bà con nhân dân. Trong hành trình ấy, già làng, trưởng bản chính là những hạt nhân uy tín, đi đầu, định hướng tuyên truyền để bà con hiểu, cùng nhau thực hiện các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đừng bỏ lỡ
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO