Nỗ lực “xóa khát” cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xuân Hợp | 05/10/2021, 16:48

(TN&MT) - Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã góp phần cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong nỗ lực “xóa khát” đó có dấu ấn lớn của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Quyết tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế, giải quyết nước sinh hoạt cho vùng núi đá nói chung và vùng hải đảo xa xôi là vấn đề mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời gian qua. Một trong những quyết sách đó là việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều tra cơ bản tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Hiện nay, Chương trình này đã được triển khai trên địa bàn 41 tỉnh, với 325 vùng được điều tra đánh giá. Trong đó, khu vực Bắc Bộ có 147 vùng được đánh giá tại 15 tỉnh; khu vực Bắc Trung Bộ có 32 vùng được điều tra, đánh giá tại 5 tỉnh; Nam Trung Bộ có 48 vùng được điều tra, đánh giá ở 7 tỉnh; 4 tỉnh khu vực miền Tây có 55 vùng được đánh giá, trong đó, đã có những điều tra liên quan đến các vùng hải đảo để phục vụ nước cho quân đội cũng như những người dân sinh sống ở đây.

Khoan dò tìm nguồn nước tại Quảng Trị

Chương trình bao gồm 3 dự án thành phần: Dự án 1 là Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Dự án 2 là Nghiên cứu các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Dự án 3 là Xây dựng hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.

Triển khai Chương trình này, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập được Bản đồ ở những vùng đặc biệt khan hiếm nước, đã có các số liệu và bản đồ về nước ngầm, đặc biệt là các tầng nước rất khó khăn để phục vụ điều tra. Bộ cũng đã cung cấp các số liệu này cho các địa phương, đồng thời, đã có trao đổi để những khu vực khan hiếm nước có thể nhận được các số liệu này để khai thác. Thời gian vừa qua, ở Hà Giang, khu vực miền núi, vùng cao đã có nhiều nơi được cấp nước từ các kết quả của Chương trình. Vừa qua, trước tình trạng hạn hán khan hiếm nước ở miền Tây Nam Bộ, các khu vực dữ liệu này cũng đã được cung cấp và trực tiếp để khai thác nước nhằm phục vụ cho đồng bào.

Nhân lên những “trái ngọt” cho đồng bào

Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, giai đoạn 1 được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) cùng sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất.

Kết quả tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước với tổng trữ lượng khai thác đạt 117.000 m3/ngày, có khả năng cung cấp nước sạch cho trên 1,4 triệu người (với định mức 80 lít/người/ngày). Sau khi được khai dẫn xây dựng mạng cấp nước cho các vùng sẽ nâng cao tỷ lệ người dân được cấp nước sạch tại các tỉnh thực hiện dự án, người dân sẽ không còn cảnh hàng ngày phải đi lấy nước ở những nơi xa khu dân cư, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao.

Dự án đã hoàn thành thi công giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 197 vùng là 307,27 tỷ đồng và lưu lượng khai thác mỗi ngày là 117.000 m3/ngày. Theo đó, chi phí giá thành đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước trung bình cho 1m3 nước là 720 đồng. Việc đầu tư cho công tác tìm kiếm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sạch đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, trên 1,4 triệu người dân tại 197 vùng núi cao thuộc 37 tỉnh sẽ được hưởng lợi ích to lớn do dự án đem lại, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Bàn giao công trình giếng khoan cho tỉnh Bạc Liêu (ảnh chụp năm 2019)

Việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch đảm bảo vệ sinh mang lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, thêm vững tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực góp sức trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Ngoài ra, kết quả của dự án góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.

Giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, mặn

Dấu ấn đậm nét phải kể đến là công tác hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn trong năm 2020, trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên liên tiếp xảy ra những đợt hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong vùng.

Để hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên, ngay sau khi có kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất của dự án, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng 13 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp chống hạn, mặn cho các tỉnh: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (10 điểm) và các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum thuộc khu vực Tây Nguyên (3 điểm). Kết quả triển khai 13 điểm cấp nước khẩn cấp với tổng công suất xử lý và cung cấp là 4.300m3/ngày đêm, cung cấp được cho 72.000 người với tiêu chuẩn cấp nước là 60l/người/ngày đêm ở 7 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 2 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Điểm cấp nước sinh hoạt cho vùng hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&M) cho biết, hiện nay, Cục đã triển khai các nhiệm vụ điều tra, đánh giá, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất và tìm kiếm các nguồn tài nguyên nước dưới đất tại các vùng khan hiếm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long để sẵn sàng cho các phương án cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, đã triển khai thực hiện điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 39 vùng thuộc 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh và Trà Vinh. Kết quả điều tra, tìm kiếm đã đánh giá được, như sau: Tiềm năng tài nguyên nước dưới đất tại 39 vùng khoảng 704.708 m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác 91.521 m3/ngày.

Nguồn nước có chất lượng tốt bảo đảm đủ điều kiện cấp cho ăn uống sinh hoạt; lưu lượng có khả năng khai thác tại 47 công trình giếng khoan hiện có đạt khoảng 33.828 m3/ngày, có thể xây dựng thành 39 điểm cấp nước cho nhân dân và cấp được cho 338.280 người dân. Kết quả điều tra nguồn nước dưới đất tiếp tục được chuyển giao cho các địa phương để chủ động phương án giải quyết nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn…

Chương trình thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 41 tỉnh với số vùng được điều tra, đánh giá là 325 vùng, gồm: Khu vực Bắc Bộ (15 tỉnh): Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; với số vùng được điều tra đánh giá là 147 vùng. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2015 đến năm 2023, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2015 đến năm 2020 và giai đoạn 2 từ năm 2020 đến năm 2023.

Bài liên quan
  • Bình Thuận: Sử dụng ảnh viễn thám để bảo vệ rừng
    (TN&MT) - Để hạn chế việc cảnh báo mất rừng sai do ghi nhận hình ảnh rừng không chính xác, tỉnh Bình Thuận đã ứng dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh trong giám sát rừng để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát rừng. Theo các chuyên gia, độ chính xác của ứng dụng này đáng tin cậy trong việc phân biệt rừng thay lá theo mùa với tình trạng mất rừng do bị chặt phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO