An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, Trung tâm huyện cách Quốc lộ 1A 32km và cách thành phố Quy Nhơn 120km. Tổng diện tích tự nhiên 69.202ha, dân số 31.000 người gồm 3 dân tộc chính: Kinh, Hre và Bana. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn với 57 thôn, trong đó 40 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống theo tập tục du canh, du cư, điều kiện hạ tầng, giao thông của An Lão còn nhiều khó khăn. Mặt khác, công tác bảo vệ môi trường tại địa phương còn hạn chế... gây ảnh hưởng đến việc giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra nhiều thách thức để huyện phát triển bền vững.
Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường |
Tuy vậy, từ khi thực hiện Nghị quyết 03 ngày 7/4/2017 của Tỉnh ủy Bình Định về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường cùng với sự nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân được nâng lên. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại huyện An Lão từng bước chuyển biến rõ rệt.
Với quan điểm, bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của toàn xã hội, cấp ủy Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân đã cùng nhau chung sức phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc. |
Nhờ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Định, huyện An Lão đã duy trì mở rộng tuyến tổ chức thu gom rác thải bằng xe cơ giới tại các xã An Hòa, An Tân và thị trấn An Lão; vận chuyển, xử lý tại 2 bãi chôn lấp rác thải ở xã An Hòa và thị trấn An Lão.
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể đã triển khai thực hiện tốt mô hình tuyến đường tự quản; Hội Phụ nữ với mô hình 5 không, 3 sạch; đoàn viên thanh niên tổ chức dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác tại các điểm nóng về ô nhiễm ở các đầu cầu, đê sông; các xã, thị trấn đã vận động người dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang hành lang các tuyến đường, thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng xử lý đúng nơi quy định.
Thanh niên An Lão hưởng ứng phong trào trồng một triệu cây xanh. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão cho biết: Ðể mô hình “Ðoạn đường tự quản” đi vào cuộc sống, chúng tôi luôn xác định, đầu tiên phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng hội viên, người dân. Để đạt hiệu quả cao, hướng tới phát triển bền vững, cần phải nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, khiến cho đồng bào hiểu rõ “làm tất cả những chuyện này là vì lợi ích chính mình, nếu mình không làm thì không ai khác làm thay cho mình”.
Rồi từ đó, xóm thi đua với xóm, thôn thi đua với thôn, sao cho người dân thôn này thấy đường tự quản ở thôn khác đẹp hơn sẽ tìm hiểu để tìm cách vượt lên. Đến nay, trong toàn bộ 10 xã, thị trấn đã có tuyến đường tự quản, nhiều nơi thực hiện rất tốt phong trào như xã An Tân, An Hòa, An Quang và thị trấn An Lão.
Bên cạnh đó, huyện An Lão đã phối hợp với huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng xác súc vật chết và rác thải thả trôi nổi trên sông An Lão và sông Lại Giang. UBND huyện hướng dẫn, chấn chỉnh người dân thực hiện nghiêm việc không vứt rác thải, xác súc vật chết trên sông và ven sông mà phải đem xử lý đúng quy định (chôn lấp, sử dụng hóa chất, chế phẩm vi sinh phân hủy rác và xử lý mùi hôi) đảm bảo vệ sinh môi trường. Kiểm tra, hướng dẫn công tác xử lý chất thải tại các hộ, cơ sở chăn nuôi không để phát sinh chất thải trực tiếp vào môi trường. Đồng thời, thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.
Cùng đó, huyện An Lão đã tăng cường quản lý rác thải sinh hoạt trên các lưu vực sông, khu du lịch; vừa tăng tần suất thu gom, xử lý rác thải gắn với phòng, chống dịch Covid-19 vừa phòng chống dịch bệnh trên gia súc. Chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện thu gom, đổ rác thải đúng quy định và chôn lấp, tiêu hủy heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sông An Lão không còn tình trạng xác súc vật chết và rác thải thả trôi nổi. |
Liên quan tới công tác bảo vệ môi trường thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm chia sẻ: Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công tác bảo vệ môi trường, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường quản lý Nhà nước theo phân cấp trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.
Mặt khác, huyện sẽ xúc tiến xây dựng hệ thống lò đốt rác thải tại xã An Hòa, tiếp tục triển khai thu gom, xử lý ô nhiễm tại hai bãi chôn lấp rác thải; lắp đặt, quản lý, sử dụng có hiệu quả các thùng thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, phát động phong trào trồng một triệu cây xanh trên các tuyến đường, trồng hoa nơi công sở, nhà văn hóa thôn và đường làng, ngõ xóm để tạo dựng môi trường xanh - sạch - đẹp tiến tới xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.