Khoảng 10 năm trước, hàng chục hộ dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn xã Ia Bă (huyện Ia Grai) đã rủ nhau lên khai hoang đất rừng ở vùng lân cận để lấy đất sản xuất. Từ đó, hàng chục ha đất lâm nghiệp đã bị bà con lấn chiếm để trồng điều và cà phê.
Anh Puih Thiu (làng Bek, xã Ia Bă) cho biết: “Trước kia, nhà mình không có đất sản xuất nên đã theo bà con trong làng lên rừng phát rẫy được 1,5 ha đất trồng điều. Nhưng đất ở đó cằn cỗi nên chỉ trồng được 100 cây. Cây chậm phát triển nên trồng 6 năm mà chỉ cho bói được rất ít. Mình biết đó là đất rừng và cũng không được cấp sổ đỏ”.
Vườn cà phê của anh Puih Thiu trồng trên đất được tỉnh Gia Lai hỗ trợ. |
Thời điểm đó, nhiều hộ dân ở làng Bek và các làng xung quanh cũng theo nhau xâm lấn đất rừng nghèo để phát nương, làm rẫy. Có những hộ xâm lấn đến 4 ha. Việc xâm lấn đất rừng cứ diễn ra theo lẽ tự nhiên vì không có đất sản xuất. Khi con cái lập gia đình, tách hộ, lại tiếp tục theo cha mẹ lên rừng, mở rộng diện tích đất sản xuất.
Ông Puih Ty – Trưởng thôn làng Bek chia sẻ, ngay cả bản thân ông cũng có 1,5 ha rẫy xâm lấn đất rừng. “Bà con dân làng thấy đất ở đó không có cây rừng nên đến khai hoang và trồng cây. Tuy nhiên, đất khai hoang có nhiều sỏi đá nên trồng cây ít phát triển. Đất ở đó nằm xa làng, đường đi khó khăn. Bà con chủ yếu là hộ nghèo, không có tiền đầu tư nên năng xuất cây trồng rất thấp”, ông Ty cho hay.
Cuối năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định thu hồi hơn 44 ha đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai để hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ dân làng Bek. Qua đó, thu hồi lại toàn bộ đất rừng mà bà con đang xâm canh để phục vụ mục đích quốc phòng.
Anh Puih Thiu phấn khởi nói: “Mình được hỗ trợ 6,2 sào đất. Mình đã trồng cà phê trên đất này và cà phê phát triển rất tốt. Năm nay, vườn cà phê cho thu bói khoảng 6 tấn. Đất được cấp ở gần nhà, màu mỡ và được cấp sổ đỏ nên nhà mình rất vui mừng”.
Cán bộ xã Ia Bă hướng dẫn người dân làng Bek chăm sóc cà phê. |
Hộ ông Puih Yok (làng Bek) là một trong hai hộ được hỗ trợ đất nhiều nhất là 2 ha. Năm 2020, ông Yok đã thu bói được 6 tấn cà phê trên diện tích 1 ha. 1 ha còn lại trồng điều và sẽ cho thu hoạch trong năm nay. “Được hỗ trợ đất sản xuất, tôi rất vui. Tôi còn được cấp sổ đỏ đất đứng tên mình nên yên tâm canh tác”, ông Yok nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Bổn - Chủ tịch UBND xã Ia Bă, trước đây, việc bà con DTTS xâm canh trên đất lâm nghiệp vừa không mang lại hiệu quả cao, vừa có thể dẫn đến phá rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Qua vận động, làng Bek có 68 hộ dân đã trả lại đất rừng và được hỗ trợ đất sản xuất.
Ngoài được hỗ trợ đất, bà con được hỗ trợ tiền để mua cây giống nên bà con rất đồng thuận. Đất được hỗ trợ vừa gần nhà, vừa màu mỡ, tạo điều kiện cho bà con thuận lợi canh tác. Bà con còn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất yên tâm sản xuất và tập trung phát triển kinh tế trên đất được giao.
“Xã Ia Bă cũng xem xét, cử cán bộ để hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, cây điều để tăng năng xuất. Trước kia, làng Bek là làng đặc biệt khó khăn của xã. Năm 2020, nhờ nỗ lực phấn đấu của xã và người dân, làng Bek đã được công nhận là làng Nông thôn mới. Đây là niềm vui lớn đối với chính quyền xã Ia Bă và người dân làng Bek”, ông Bổn chia sẻ.