Bảo Lâm là huyện vùng cao, biên giới, nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Nơi đây có địa hình ptương đối phức tạp với độ dốc lớn, chia cắt nhiều, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ trên 98%. Những năm gần đây, tình hình lũ quét, sạt lở đất, đá… trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp.
Cuối năm 2019, ông Chảo Phụ Nhàn, dân tộc Dao, ở xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm đã dồn hết vốn liếng có được để mua đất và xây nhà mới. Gia đình ông Nhàn có 5 người, nhưng tất cả chỉ sống dựa vào thu nhập từ việc làm thuê và lên nương rẫy.
Tuy nhiên, hiện nhà ông Nhàn được xác định đang nằm trên mái ta luy dương của quốc lộ (QL) 34, vị trí đang có nguy cơ sụt trượt, cần phải khẩn trương di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn. Vị trí sụt trượt chỉ còn cách mép ta luy khoảng 2m. Các cấp chính quyền huyện Bảo Lâm đã nhiều lần đến tuyên truyền, vận động gia đình nhanh chóng tìm nơi ở mới để di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo cuộc sống an toàn và lâu dài.
“Nhà tôi ở đây mỗi khi có mưa to, đất trên đồi trôi xuống nhiều lắm. Cán bộ ở thị trấn, ở huyện cũng xuống vận động gia đình tìm nơi ở mới cho an toàn rồi. Tôi cũng hiểu và nhất trí di dời, nhưng mức kinh phí hỗ trợ cho mỗi hộ dân di dời hiện nay là 20 triệu đồng, gia đình tôi không còn tiền để đối ứng xây nhà ở nơi mới, an toàn hơn, nên đành phải sống ở đây thôi” - Ông Nhàn trăn trở.
Căn nhà mới xây của gia đình ông Chảo Phụ Nhàn được xác định đang nằm trên vị trí có nguy cơ sụt trượt cao. |
Những năm gần đây, tại thị trấn Pác Miầu, tình hình lũ quét, sạt lở đất đá vào mùa mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Chỉ tính riêng năm 2020, ảnh hưởng của thiên tai đã gây thiệt hại về hoa màu và nhà cửa của nhân dân ước khoảng hơn 350 triệu đồng. Khi mùa mưa lũ đến, việc bố trí, sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở luôn là nhiệm vụ cấp bách được UBND thị trấn Pác Miầu chủ động thực hiện. Tuy nhiên, việc di chuyển những hộ dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm hiện đang gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu kiểm tra, rà soát, hiện trên địa bàn thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm còn khoảng 2 - 3 điểm có nguy cơ cao về sạt lở. Ông Mông Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Pác Miầu cho biết, trước mùa mưa bão, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở còn tiếp tục xảy ra, chính quyền địa phương đã chủ động hơn đến công tác dự báo, cảnh báo, đảm bảo an toàn cho các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở, triển khai tốt phương trâm “4 tại chỗ” khi mưa lũ xảy ra.
Hàng năm, UBND thị trấn Pác Miầu kiện toàn Ban Chỉ đạo và trực tiếp xuống cơ sở rà soát, tuyên truyền, vận động các hộ dân đang sinh sống tại các vùng có nguy cơ sạt lở cần phải khẩn trương di dời.
Trận mưa lớn khiến khối lượng lớn đất, đá từ trên núi cao sạt lở xuống, vùi lấp nhiều tuyến đường (Ảnh chụp năm 2020) |
Bảo Lâm là huyện có địa hình nhiều đồi dốc cao, lòng suối hẹp, nước chảy xiết nên trên địa bàn thường có nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét và hiện tượng sạt lở ở hai bờ sông suối, các triền đồi núi và nhất là trên các tuyến đường giao thông xung yếu như: QL34, QL4C, đường tỉnh (ĐT) 220 (Bảo Lâm - Hà Giang), ĐT.215 (Bảo Lâm - Bắc Kạn), các tuyến đường liên xã nội huyện.
Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, xác định công tác phòng, chống thiên tai là một nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và xuyên suốt, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác này phải được triển khai với tinh thần chủ động, thường xuyên, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phòng tránh, ứng phó và thích nghi với thiên tai ở các khu vực xung yếu, vùng thường xuyên, nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai; tổ chức huấn luyện, diễn tập thực hành phòng chống lũ, bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, rà soát, kịp thời bổ sung phương án ứng phó với hạn hán, phòng chống lũ quét và siêu bão trong mùa mưa lũ. Quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống lũ quét, ngập lụt, sạt lở; công trình thủy lợi, giao thông để bảo vệ dân cư, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trận mưa lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tới hoa màu của người dân huyện Bảo Lâm. (Ảnh chụp năm 2020) |
Năm 2020, huyện Bảo Lâm đã xảy ra 3 đợt gió lốc, 6 đợt mưa to gây ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về người, tài sản, nhà cửa, hoa màu và các công trình hạ tầng giao thông, tổng thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện di dời 25 hộ dân ở vùng thiên tai, vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đá đến nơi an toàn; thực hiện khắc phục sạt lở 6 tuyến giao thông tại các xã: Đức Hạnh, Vĩnh Phong, Nam Cao, Thạch Lâm; cải tạo sửa chữa 3 công trình giao thông, 2 công trình trường học; tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng.
“Mặc dù chính quyền địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai các phương án, giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Song, với huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm trên 67%, thì kinh phí để hỗ trợ cho các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân vùng đồng bào DTTS ít người di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao, đến nơi ở mới an toàn đang là vấn đề khó khăn, nan giải đối với Bảo Lâm” - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cho biết thêm.
Dự báo tình hình thời tiết năm nay sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với sự quyết liệt, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai của các cấp, ngành huyện Bảo Lâm, thì người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS cần nâng cao hơn nữa nhận thức, hiểu biết kiến thức và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn là hết sức quan trọng. Qua đó góp phần hạn chế tối thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, đảm bảo cho người dân yên tâm lao động, sản xuất.