Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức.
Trong hơn 400 bài dự thi từ đoàn viên, thanh niên thuộc 54/63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước, giải quán quân đã được trao cho Trung úy Nguyễn Văn Hiển, đoàn viên Chi đoàn Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, thuộc Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên với giải pháp trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất và chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới Nậm Pồ.
Ban Tổ chức Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” trao phần thưởng tặng các thí sinh, đại diện thí sinh giành giải cao ở vòng chung kết. |
Trung úy Nguyễn Văn Hiển hiện đang là Trạm trưởng Trạm Kiếm soát Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Trao đổi với chúng tôi, anh chia sẻ: Ý tưởng tham gia cuộc thi lần này xuất hiện rất tình cờ. Khi anh cùng đồng đội xuống một số bản của xã Si Pa Phìn, nơi đây, một số hộ gia đình người Thái có nuôi tằm để lấy tơ dệt vải.
Nhận thấy quỹ đất ở Nậm Pồ còn tương đối nhiều, chủ yếu bỏ hoang để mặc cho cỏ gianh mọc. Ngay lúc này, trong đầu anh lóe lên câu hỏi: Tại sao đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây lại không nhân rộng mô hình này? Cây dâu tằm là một loại cây dễ trồng, có thể tận dụng được cả lá, dễ, quả… Ví dụ, lá dâu ngoài việc nuôi tằm còn là vị thuốc chữa cảm lạnh, tiêu đờm, rễ cây, vỏ cây cũng là vị thuốc đông y đặc biệt. Quả của cây dâu tằm vừa là vị thuốc chữa ho vừa có thể ngâm làm thức uống sirô có giá trị dinh dường cao cho ngày hè.
Đặc biệt, cây dâu tằm rất dễ sống, cây sinh trưởng được cả ở những nơi khô cằn, thiếu nước, lại tốn ít công chăm sóc với khả năng tự lực phát triển, mở rộng diện tích cao. Ngoài ra, việc trồng cây còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ đất. Chính vì vậy, việc bổ sung một số cây có điều kiện sống thích nghi với khí hậu đất đai khắc nghiệt như cây dâu tằm vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo môi trường trong sạch lành mạnh, là việc nên làm và cần nhân rộng mô hình.
Bên cạnh đó, tại Si Pa Phìn - nơi Đồn biên phòng “cắm chốt” chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc Thái, Mông sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn, lạc hậu, nghề lao động sản xuất chủ yếu là cấy lúa 1 vụ và vẫn còn tục săn, bắt, hái, lượm thô sơ. Trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định… dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, xuất hiện nhiều tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, nhiều đồng bào còn bị các đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ vi phạm pháp luật như buôn bán ma túy…
Trong khi đó, việc trồng cây dâu tằm không khó, lại gần gũi, quen thuộc với đời sống của bà con, đem lại nhiều lợi ích giúp tăng thu nhập, nâng cao dân trí, hạn chế các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân khu vực biên giới ngày càng tiến bộ, văn minh và hiện đại.
Trung úy Nguyễn Văn Hiển cho biết: Tính đổi mới của giải pháp là cải thiện môi trường sống, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Đây là giải pháp thực tế và thiết thực nhất cho người dân, vừa kết hợp sản xuất, vừa cải thiện môi trường, tạo công ăn việc làm cho bà con, từ đó sẽ tạo tính chủ động cho bà con tự chủ trong sản xuất, hạn chế sức lao động, chi phí, nguồn vốn bỏ ra.
Bên cạnh đó, trồng cây dâu tằm có tính bền vững lâu dài do chỉ mất chi phí ban đầu nên có tính bền vững cao. Việc nhân rộng trồng cây dâu tằm là vấn đề quan trọng, nếu thử nghiệm thành công, có hiệu quả, mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài về kinh tế, góp phần bảo vệ biên giới và ổn định khí hậu.
Có thể thấy, giải pháp này mang tính thực tế cao, chi phí thấp. Trung úy Hiển hy vọng, trong tương lai sẽ có những bãi dâu xanh ở khu vực biên giới để đồng bào các dân tộc thiểu số nơi anh công tác có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các sản phẩm từ dâu tằm sẽ được quảng bá trong và ngoài nước, tăng thu nhập, nâng cao dân trí, hạn chế được các tệ nạn xã hội và xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, việc xây dựng một hàng rào sinh học vừa có ý nghĩa về môi trường, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung úy Nguyễn Văn Hiển, đang công tác tại Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Năm 2019, Trung úy Hiển tốt nghiệp khoa Quản lý biên giới, Học viện Biên Phòng nhận nhiệm vụ và công tác ở tỉnh miền núi Điện Biên. Hiện nay, Trung úy Hiển đang là Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, kiểm soát lối mở cửa khẩu phụ, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và kiểm soát xuất nhập cảnh cư dân 2 bản giáp gianh giữa Việt Nam và nước bạn Lào.