Phát triển bền vững

Bá Thước (Thanh Hóa): Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Tuyết Trang 21:52 22/04/2024

Trong những năm qua, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế ở các huyện miền Núi, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2021- 2023, huyện Bá Thước có 5 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện, 30 cá nhân và 4 tập thể được Hội Nông dân khen thưởng.

Giai đoạn 2021- 2023, Hội Nông dân huyện đã phối hợp mở được 150 lớp, với gần 10.000 lượt hội viên tham gia bồi dưỡng kiến thức về canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận cho hội viên nông dân. Cung ứng trên 345 tấn phân bón trả chậm và 15.5 tấn giống các loại cho nông dân. Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho nông dân vay vốn; trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp& PTNT có 5.315 hộ ở 160 tổ vay vốn, với tổng dư nợ 576 tỷ đồng; 3.231 hộ ở 89 tổ vay Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn với tổng số dư nợ 72 tỷ đồng.

Từ nguồn Qũy Hội Nông dân cấp huyện 326 triệu đồng đã hỗ trợ cho 28 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. giúp cho hàng trăm hộ hội viên nghèo vay vốn để sản xuất kinh doanh.

anh-1(1).jpg
Hội nghị điển hình tiên tiến huyện Bá Thước

Nhờ đó, toàn huyện đã xuất hiện nhiều hộ nông dân và chi hội đưa các giống cây trồng có năng suất giá trị thu nhập cao vào sản xuất, hướng tới tạo ra các sản phẩm OCOP của địa phương. Các loại hình kinh doanh du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển bền vững; Thành lập được 7 tổ hợp tác, 3 chi hội nông dân nghề nghiệp, 22 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 45 tổ tự quản bảo vệ môi trường; có 11 gia trại chăn nuôi và nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp, mô hình kinh tế tổng hợp, doanh thu bình quân đạt 300 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ KHKT, như: Mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới, trồng bầu canh, bí đỏ, mướp khía lấy hạt, mô hình trồng lúa nếp hạt cau… Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đem lại thu nhập hàng năm từ 400-800 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động…

Trong giai đoạn 2021- 2023, hội viên Hội Nông dân đóng góp 4.232 triệu đồng, 12.431 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, làm mới và sửa chữa 28 km đường giao thông; tu sửa và làm mới 23 km mương bai, làm mới và sữa chữa 29 chiếc cầu cống…; tạo điều kiện giúp đỡ 458 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua bình xét, giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có 1 hộ đạt hộ gia đình SXKD giỏi cấp Trung ương, 12 hộ đạt hộ gia đình SXKDG tỉnh và 76 hộ đạt hộ gia đình SXKDG cấp huyện; 9 tổ chức Hội tổ chức phong trào giỏi.

Theo Báo cáo của Hội Nông dân huyện Bá Thước, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện tiếp tục có bước phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; thu hút hàng nghìn hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia. Giai đoạn 2021 -2023 toàn huyện có trên 8.750 hộ đăng ký ‎danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, tăng 1.108 hộ so với giai đoạn 2018 - 2020.

Qua đó xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng năm từ 0,5 - 1,5 tỷ đồng. Số hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh giai đoạn 2021-2023 tăng, đặc biệt có 51 hộ gia đình SXKD tiêu biểu.

anh-2(1).jpg
Sản xuất lúa nương tại khu du lịch Pù Luông

Theo bà Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tích tụ tập trung đất đai phát triển các vùng sản xuất tập trung, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; phát triển các trang trại, gia trại trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn; tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; phát triển các chi hội, tổ hội nghề nghiệp; hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình VietGap, hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với sản xuất sản phẩm an toàn với bảo vệ môi trường; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh; tổ chức cho nông dân học tập các mô hình sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Hội sẽ phấn đấu có nhiều hộ sản xuất kinh doanh thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Tổ chức tốt các phong trào hoạt động, nhất là phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch. Tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân các cấp tổ chức các phong trào, hoạt động. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cơ sở…, bà Hoa cho biết thêm.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO