Nam Trà My (Quảng Nam): Giữ rừng để trồng, giữ nguồn gen sâm quý

Võ Hà | 19/09/2021, 14:47

(TN&MT) - Vùng núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) bây giờ đã thật sự là thủ phủ của loại sâm quý xếp hàng đầu thế giới. Cũng nhờ giá trị của sâm Ngọc Linh, người dân ở đây đã thay nhau quản lý và bảo vệ rừng để loại sâm quý ngày càng sinh sôi phát triển. 

Lập chốt giữ rừng

Sâm Ngọc Linh đã và đang là sản phẩm giúp thay đổi cuộc sống người dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), đặc biệt khi mà giá trị sâm củ không ngừng tăng cao. Trong các phiên chợ sâm gần đây, mỗi ký sâm có giá từ 80 - 200 triệu đồng. Nhờ cây sâm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không chỉ thoát nghèo mà đã trở nên khá giả. Cây sâm nhờ rừng tồn tại. Nhờ thế, những cánh rừng được đồng bào Xê Đăng khoanh nuôi để trồng sâm đều xanh tươi.

Người dân địa phương bên loại sâm quý hàng đầu thế giới.

“Bao đời nay người dân bản địa chúng tôi đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Chúng tôi sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại. Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu” - ông Nguyễn Cao Bằng, thôn Tắk Lang, xã Trà Linh chia sẻ.

Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là sống dưới tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ giao động ở mức 20oC trở xuống. Vì lẽ đó mà muốn trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng. Phong trào lập chốt giữ rừng để trồng sân và ngăn người lạ vào khai thác gỗ, dược liệu ở Trà Linh cũng vì lẽ đó mà đã lan tỏa đến rất nhiều làng từ Tắk Lang, Măng Lùng tới Kon Pin, Tắc Ngo... Tại các vườn sâm, chủ vườn thường dùng lưới B40 và dây thép gai rào xung quanh, lắp camera giám sát. Họ dựng lán trại, thuê nhân công ăn ngủ giữa rừng để chăm sóc, bảo vệ quanh năm, bất kể mưa hay nắng. Với cách thức bảo vệ hết sức nghiêm ngặt như vậy, nhiều năm nay, tại những địa phương trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My tuyệt nhiên không xảy ra phá rừng.

Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam sử dụng toàn bộ đất đai, tài nguyên rừng ở huyện Nam Trà My.

 Ông Nguyễn Văn Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My kể, Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất của huyện, bao đời nay người dân chủ yếu phát nương làm rẫy để mưu sinh, rừng già vì thế cứ thu hẹp dần, thay vào đó là những nương ngô, rẫy lúa.  Kể từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016, cây sâm Ngọc Linh đã làm giàu cho bà con Xê Đăng. Từ đó bà con nhận thấy giá trị từ rừng già và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. 

Giữ rừng cho tương lai

Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam sử dụng toàn bộ đất đai, tài nguyên rừng ở huyện Nam Trà My với tổng diện tích hơn 15 nghìn héc-ta. Tuy nhiên, để vùng lõi duy trì được các điều kiện như trên, cần có vùng rừng đệm bảo vệ bên ngoài.

Trên cơ sở tình trạng đất rừng, tỉnh Quảng Nam đề ra các giải pháp nâng cao độ che phủ của rừng ở vùng đệm. Ðối với vùng lõi, yêu cầu bảo đảm đủ điều kiện thích nghi phát triển cho cây sâm về trạng thái rừng, độ che phủ, điều kiện đất đai, khí hậu và nhất là phải được bảo toàn nguyên vẹn, quản lý nghiêm ngặt. Trong vùng lõi chỉ được trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại các vị trí phù hợp đã được xác định, thực hiện các giải pháp nâng cao độ che phủ của rừng.

Những trại sâm nằm sâu trong rừng, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Bà con cũng sẽ được quyền khai thác các loại lâm sản phụ như mây, đót, hạt ươi, nấm rừng, mật ong... Đặc biệt hơn, từ diện tích rừng tự nhiên được giao khoán, bảo vệ, các nhóm hộ tổ chức trồng sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình. Với phương pháp gắn quyền lợi với trách nhiệm đã phát huy tốt ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đến nay huyện Nam Trà My đã giao hơn 12 nghìn hécta rừng tự nhiên, hơn 6 nghìn hécta rừng phòng hộ và gần 15 nghìn hécta rừng đặc dụng cho cộng đồng quản lý bảo vệ. Độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt hơn 52%, dự kiến đến năm năm 2025 đạt 80%.

Nam Trà My đang phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm 2.000 ha sâm, những năm tiếp theo sẽ trồng hết diện tích quy hoạch, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam. Hàng ngàn hecta rừng Ngọc Linh đang được đồng bào Xê Đăng gìn giữ. Đối với họ rừng như một vị thần che chở, ban tặng cho dân làng Xê Đăng dưới đỉnh Ngọc Linh cuộc sống no ấm giàu sang, vì vậy, sống nhờ rừng thì phải giữ rừng bền vững cho tương lai.

Trong các phiên chợ sâm, mỗi ký sâm có giá từ 80 - 200 triệu đồng.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước trong thời gian tới, cũng như khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có đề xuất về Chương trình phát triển cây sâm Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Quảng Nam kỳ vọng phát triển cây sâm Ngọc Linh thành một ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm sâm của quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây sâm Việt Nam. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO