Bảo vệ môi trường ở Trạm Tấu (Yên Bái): Thay đổi từ nhận thức đến hành động

Thanh Ngà | 30/09/2021, 15:27

(TN&MT) - Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã và đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương, đặc biệt đối với các huyện vùng cao với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Tỷ lệ chất thải được xử lý đạt thấp

Theo số liệu của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh tại khu vực nông thôn đều tăng theo các năm, cụ thể, trong năm 2016 là 200 tấn, năm 2020 là 255 tấn.

Hiện, việc thu gom, vận chuyển CTRSH còn nhiều hạn chế, mới chỉ tổ chức thu gom tại các điểm dân cư tập trung và các khu vực gần trung tâm xã. Người dân tập kết chất thải ra ven trục đường chính, định kỳ hợp tác xã, tổ tự quản môi trường, tổ vệ sinh đi thu gom đưa về bãi chôn lấp hoặc bãi tập kết của xã. Sau đó, các đơn vị dịch vụ môi trường dùng xe chuyên dụng đưa về bãi chôn lấp của huyện để xử lý.

Tuy nhiên, việc xử lý CTRSH ở vùng nông thôn hiện nay chủ yếu là bằng phương pháp lấp đất và đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều khu vực nông thôn vẫn chưa có bãi xử lý tập trung, CTRSH được các hộ gia đình tự thu gom và xử lý trong khuôn viên của hộ gia đình.

Huyện Trạm Tấu triển khai nhiều hoạt động cụ thể tuyên truyền cho người dân trong công tác vệ sinh môi trường

Theo thống kê năm 2019, tổng lượng CTRSH nông thôn được thu gom xử lý tập trung là 35,7 tấn/ngày, chiếm 17,6% tổng lượng CTRSH nông thôn phát sinh.

Riêng đối với huyện vùng cao Trạm Tấu, năm 2019 lượng phát sinh hàng ngày gần 9 tấn/ngày, lượng CTRSH được thu gom 0,8 tấn/ngày đạt 9,2%. Hiện, huyện mới chỉ thu gom và vận chuyển CTRSH tại khu vực thị trấn về chôn lấp tại bãi rác của huyện tại thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, còn tại các xã trên địa bàn huyện chủ yếu là các hộ dân tự thu gom và chôn lấp.

Mặc khác, Trạm Tấu là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân nơi đây có phong tục, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, nhận thức về phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt còn hạn chế.

Thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, huyện đã và đang tích cực vận động người dân chủ động phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nhà.

Thay đổi từ nhận thức 

Ông Bùi Hồng Anh - Trưởng Phòng TN&MT huyện Trạm Tấu cho biết: Công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là việc thu gom, xử lý CTRSH luôn được huyện quan tâm. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như tổ chức Ngày thứ 7 cùng dân nhằm tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh nơi mình sinh sống… Trong đó, hoạt động mua thùng rác cho các hộ gia đình đã thay đổi, nâng cao ý thức của người dân trong việc tự thu gom, phân loại rác thải ngay tại gia đình mình. 

Nhờ được tuyên truyền vận động người dân tại nhiều thôn, bản của huyện đã có ý thức thu gom, phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, hạn chế được tình trạng vứt rác bừa bãi.

Các hộ gia đình được phát thùng đựng rác để tự thu gom, phân loại rác thải ngay tại nhà

Ông Nguyễn Đăng Hường - Km14+17 xã Trạm Tấu chia sẻ: “Gia đình tôi bán hàng nên lượng rác thải ra môi trường thường nhiều hơn các hộ trong xã. Trước kia, khi chưa được xã phát thùng rác, gia đình tôi và mọi người trong thôn vẫn có thói quen tiện đâu vứt đó quanh nhà. Từ ngày được xã phát thùng rác và tuyên truyền về vệ sinh môi trường, gia đình tôi đều bỏ rác vào thùng, sau đó mang đi xử lý, chứ không vứt rác bừa bãi nữa”.

Cũng giống như gia đình ông Hường và nhiều hộ dân khác trong xã, gia đình chị Sồng Thị Dở cũng được xã phát một thùng rác để tự thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày. Chị Dở cho biết: Gia đình chị đã biết tự phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng. “Chai nhựa, đồ nhựa… có thể bán được gia đình bỏ riêng, còn thức ăn thừa hay rau cỏ thì để cho con gà, con lợn ăn chỉ có rác thải không tận dụng được mới bỏ vào thùng rác và 2 - 3 ngày sau đầy thì mang đi đốt. Từ ngày được cán bộ huyện, cán bộ xã tuyên truyền và có thùng dựng rác, gia đình tôi không còn rác thải vứt bừa bãi, nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ hơn rất nhiều” - chị Dở phấn khởi nói.

Ông Bùi Hồng Anh - Trưởng Phòng TN&MT huyện Trạm Tấu cho biết thêm, Trạm Tấu là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, tỷ lệ thu gom CTRSH còn thấp. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi ra môi trường… Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các thôn, bản tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp xây dựng mô hình tự quản thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… nhằm thực hiện và nâng cao hiệu quả việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải nói chung, CTRSH nói riêng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cá nhân, tổ chức.

Hiện tại, UBND huyện Trạm Tấu tiếp tục làm tốt công tác quản lý đất đai, công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời triển khai, thực hiện dự án lò đốt rác thải của huyện tại thôn Khấu Ly, xã bản Mù vào năm 2023 theo lộ trình của Đề án của UBND tỉnh.

Bài liên quan
  • Bình Phước: Người dân vùng sâu, vùng xa Phú Riềng đổi đời nhờ nước sạch
    (TN&MT) - Từ nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) đã đầu tư xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, qua đó góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế… nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO