Bà con vùng đồng bào DTTS huyện Ba Chẽ sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Phạm Hoạch | 05/10/2021, 11:22

(TN&MT) - Huyện miền núi vùng cao Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước nhân rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Qua đó tạo nền tảng phát triển lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Phát huy thế mạnh đất rừng

Hiện nay trên địa bàn huyện Ba Chẽ có 9 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 80% dân số của huyện. Những năm qua, Ba Chẽ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều phong trào thi đua sản xuất  như, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, hay phong trào “5 không 3 sạch” gìn giữ môi trường, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, huyện đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng lợi thế về đất rừng để phát triển ngành lâm nghiệp gắn với phát triển vùng trồng cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao.

Lãnh đạo xã Nam Sơn trao đổi với bà con DTTS về hiệu quả trồng rừng gỗ lớn

Huyện Ba Chẽ hiện có 16.400ha rừng sản xuất, chiếm 1/3 diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh Quảng Ninhtỷ lệ che phủ rừng đạt 72%. Từ năm 2018, huyện xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã khuyến khích, hỗ trợ người dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS trồng các loài cây bản địa, cây có chu kỳ kinh doanh dài, như lim, lát, thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, ưu tiên vốn hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại các khu vực rừng đầu nguồn sông suối, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt để duy trì nguồn sinh thủy, phòng chống sạt lở, lũ quét.

Ông Triệu Cắm Thành, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, một trong những hộ chuyển từ 3ha keo sang trồng cây gỗ lớn, chia sẻ, trước đây, gia đình tôi trồng keo lấy gỗ, nhưng vào mùa mưa bão, cây keo hay bị đổ gãy, nên từ khi được xã vận động, gia đình đã chuyển dần sang trồng cây sa mộc, quế, về lâu dài, giá trị cây quế cao gấp nhiều lần so với trồng keo. Dự kiến sau khi thu hoạch xong lứa keo, gia đình tôi sẽ chuyển sang trồng cây quế.

Người dân xã Đồn Đạc chuyển dần từ trồng keo sang trồng cây quế cho giá trị kinh tế cao.

Trao đổi với PV, ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết, những năm gần đây, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp từ đất nương rẫy trồng cây hàng năm có giá trị sản xuất thấp sang đất trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Với việc mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn không những hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và bà con vùng DTTS mà còn đóng góp rất lớn bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Đến nay, huyện Ba Chẽ đã trồng mới 956ha rừng gỗ lớn, hơn 300 ha vùng dược liệu là cây trà hoa vàng và cây ba kích tím, giúp người dân khai thác bền vững đất lâm nghiệp, kết hợp lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là bảo vệ rừng đầu nguồn.

Xây dựng vùng dược liệu xanh

Nhằm phát huy thế mạnh về đất rừng, những năm qua, huyện Ba Chẽ luôn xác định, sản xuất lâm nghiệp là ngành mũi nhọn, đã và đang phát huy có hiệu quả mang lại thu nhập chủ yếu cho người dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS. Trong giai đoạn từ năm 2010- 2020, bình quân mỗi năm toàn huyện Ba Chẽ trồng được 3.239 ha rừng, trong đó chủ yếu là cây keo tai tượng, sa mộc, quế, thông. Rừng trồng được chăm sóc, bảo vệ tốt, lượng tăng trưởng nhanh, rừng keo sau 7 năm khai thác có sản lượng 60-70 m3/ha.

Bên cạnh đó, huyện Ba Chẽ đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh, huyện, nhằm tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển rừng gỗ lớn, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp nâng cao giá trị gia tăng, nhiều hộ đã có thu nhập cao từ trồng rừng. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích nhân dân và bà con vùng đồng bào DTTS chuyển đổi diện tích đất trồng cây cho năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao về mặt y dược và kinh tế như trà hoa vàng, ba kích.

Sản phẩm trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ tại hội chợ OCOP Quảng Ninh được nhiều người mua quan tâm.

Cùng với việc triển khai mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, huyện Ba Chẽ đang đẩy mạnh Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Theo Đề án, trung bình mỗi năm huyện phấn đấu trồng mới trên 100ha các loài dược liệu. Đến năm 2025 diện tích cây dược liệu toàn huyện sẽ đạt 517ha. Trong đó bao gồm: 236ha cây ba kích; 230ha cây trà hoa vàng và 51ha các loài dược liệu khác.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết, để đạt được kết quả như Đề án đề ra, huyện Ba Chẽ cần giải bài toán về chi phí đầu tư ban đầu trồng cây dược liệu tương đối lớn, yêu cầu cao về quy trình kỹ thuật và phương án bảo vệ thực vật một cách bài bản, nên đòi hỏi người trồng phải có vốn đầu tư và có tư duy làm ăn kinh tế.

Để khắc phục những khó khăn kể trên, cũng như đưa cây dược liệu thành thế mạnh kinh tế, huyện Ba Chẽ tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực của địa phương như trà hoa vàng, ba kích tím, đẳng sâm, cát sâm. Đồng thời, xây dựng các vùng trồng cây dược liệu lâu dài, tạo sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến, tiêu thụ, đảm bảo phát triển cây dược liệu bền vững và hiệu quả.

Thời gian tới, để nhân rộng diện tích rừng gỗ lớn và vùng dược liệu, huyện Ba Chẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của người dân và bà con vùng đồng bào DTTS về mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế của trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu để không những hoàn thành mục tiêu mà Đề án đề ra mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Phạm Hoạch

Bài liên quan
  • An Lão (Bình Định): Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Từ chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của người dân, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện An Lão (tỉnh Bình Định) thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO