Bác Hồ với tôn giáo

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú | 17/12/2021, 09:36

(TN&MT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng và đề cao tôn giáo. Người coi tôn giáo là một nguồn lực văn hóa, là nguồn tài nguyên, là tài sản tinh thần của quốc gia. Tư tưởng ấy mãi mãi là kim chỉ nam cho công tác tôn giáo nước nhà để xây dựng một nền đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững.

Ảnh tư liệu do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cung cấp, Báo QĐND can thiệp nội dung chú thích

Xuất phát từ tình thương yêu quý trọng con người nên Hồ Chí Minh rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bởi đấy cũng là một quyền tự do cơ bản của con người. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, đề cập đến những vấn đề cấp bách, Người đề nghị: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề cai trị. Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”[1]. Hai mệnh đề “Tự do” và “Đoàn kết” là linh hồn trong hoạt động tôn giáo, mang tính bản chất, đặc trưng riêng của Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh bấy giờ. Tự do để hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đúng với mục đích tốt đẹp, đồng thời làm tốt hơn, tạo nên sức mạnh trong khối đoàn kết toàn dân. Ở ngày hôm nay chiến tranh sắc tộc, tôn giáo ở một số nước chưa chấm dứt có một nguyên nhân là sự cực đoan tôn giáo thiếu một sự dung hòa, một sự đoàn kết giữa các tôn giáo, tầng lớp, đảng phái chính trị, thậm chí thiếu một sự thống nhất ngay trong chính một tôn giáo. Từ thực trạng ấy mới thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là cực kỳ sáng suốt, tỉnh táo nhưng cũng rất mực thấu hiểu, nhân ái, tôn trọng.

Văn hoá phương Đông đã thấm vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ tuổi ấu thơ vì cậu may mắn được sinh ra trong một gia đình Nho học, khoa bảng, nền nếp. Truyền thống giáo dục của người Việt là “dạy con từ thuở còn thơ”, thế nên văn hoá phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc đã được Hồ Chí Minh tiếp thu từ rất sớm. Lớn lên tiếp xúc với phương Tây, tiếp thu những nét tinh hoa, bản chất nhất của đạo Công giáo, nhờ thế mà Người có những ứng xử rất mực tinh tế.

Người khẳng định những đặc điểm tích cực cơ bản nhất của mỗi tôn giáo:

“Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái. 

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”[2].  

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu tinh hoa của các tư tưởng tiến bộ trên thế giới: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước. Khổng Tử, Giê-su, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao?! Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị”.

Người “học trò” ấy với tất cả sự khiêm tốn của mình đã tích lũy, thâu lượm, kết tinh tinh hoa các tư tưởng ấy để tạo ra một sự nghiệp riêng có tư tưởng tỏa sáng cả văn hóa nhân loại hôm nay!

Trên tinh thần thấu hiểu, tôn trọng, Hồ Chí Minh mong muốn phát huy quyền tôn giáo tự do. Người kêu gọi đoàn kết để kháng chiến giành lại hòa bình, cũng chính là giành lại sự tự do tôn giáo: “Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng là để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”[3].

Ngày nay người ta dùng khái niệm “tính thiêng” để nói về đặc trưng tôn giáo là có lý vì sự thiêng liêng ấy sẽ chi phối tình cảm, suy nghĩ, hành động của tín đồ. Người nói: “Tôn giáo: Phần lớn đồng bào tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước kháng chiến, như Công giáo ở nhiều nơi, như Cao Đài kháng chiến,... Một phần thì bị địch lợi dụng... Một số đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt, nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ. Đó là vì, địch dùng chính sách chia rẽ, song một phần cũng vì ta chưa có phương pháp thích hợp để vận động đồng bào tôn giáo. Đồng thời vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”[4].

Lời này của Bác phải là “cẩm nang” cho bất cứ cán bộ nào chuyên về công tác tôn giáo!

Đối với đồng bào Phật tử, Hồ Chí Minh quan tâm theo một cách riêng, cách của nhà Phật. Những lá thư Người gửi cho đồng bào luôn là sự phối hợp hai phong cách, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo vẫn được tác giả sử dụng. Bài học của mọi bài học trong việc thu phục nhân tâm của Bác Hồ là tình yêu thương và sự chân thành. Hãy yêu thương đến hết mình, hãy chân thành tận đáy lòng thì tình người sẽ đến với tình người, niềm tin sẽ đến với niềm tin.

Trong tác phẩm của Hồ Chí Minh có sự tinh tế của cái đẹp hài hòa phương Đông, có cái châm biếm thâm thúy Nho gia, có chất triết lý của ngụ ngôn triết học Trang Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, có vẻ đẹp từ bi thoát tục của đạo Phật, vẻ đẹp hàm súc thơ Đường. Thơ Hồ Chí Minh có xu hướng vươn tới một thế giới “tiên”: “Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối: một nhành mai” (Lên núi). Theo Phan Ngọc, “hai câu đầu nôm na để dẫn tới hai câu sau bất tử: một tứ thơ cách mạng hoà với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là kẻ thoát kiếp luân hồi”[5]. Nhất là trong các lá thư Người gửi đồng bào Phật tử thì càng cho thấy mạch nguồn văn hóa Phật giáo được tiếp thu rất tinh tế: “Cuối cùng tôi chúc các vị luôn luôn mạnh khoẻ, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hoà bình”[6]. Văn bản có thể coi là sự phối hợp hai phong cách ngôn ngữ, ngôn từ của Phật giáo và ngôn ngữ toàn dân. Có những từ khó hiểu đối với ngôn ngữ toàn dân nhưng lại thân thuộc với ngôn ngữ Phật giáo như “tinh tiến tu hành” vẫn được tác giả sử dụng. Căn cứ vào đối tượng tiếp nhận thì đây lại là sự cần thiết, nếu thay bằng một cụm từ của ngôn ngữ toàn dân có nghĩa tương đương thì màu sắc nhà Phật sẽ bị giảm, người đọc sẽ không tìm thấy con người họ ở trong đó, hiển nhiên tính thuyết phục cũng nhạt.

Hồ Chí Minh đã nhận định: “tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”[7] . Người nhận xét rất tinh tế là Phật giáo và dân tộc “như bóng với hình”[8], về hình thức là hai (hình và bóng) nhưng về bản chất thì là một (bóng từ hình mà có). Hồ Chí Minh không phải là Phật tử nhưng là người hướng và làm theo giáo lý đạo đức tiến bộ của nhà Phật. Trả lời nhà báo, Người thẳng thắn bày tỏ:

- “Chủ tịch ghét gì nhất? Trả lời: Điều ác.

- Chủ tịch yêu gì nhất? Trả lời: Điều thiện”.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đồng bào Công giáo. Lời thư Người gửi cho đồng bào thường có đặc điểm chung là câu thường dài, âm hưởng đều đặn, giọng điệu thường ngân nga, nếu cho phép có một so sánh thì giống như giọng một vị đức Cha giảng Kinh Thánh vậy. Mới hay sự vĩ đại, trí tuệ, tâm hồn của Hồ Chí Minh thể hiện ngay ở cách viết câu văn!

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc năm 1955 

Đặc biệt, Người đã coi tôn giáo cũng là một nguồn lực văn hóa, là nguồn tài nguyên, là tài sản tinh thần của quốc gia. Ngày 14/6/1955 Người ký Sắc lệnh 234-SL ban hành chính sách tôn giáo của Chính phủ, Điều 4 nói rõ “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác: cung điện, thành quách, cung, lăng mộ. Cấm phá hủy những bi ký, văn bằng, giấy má, sách vở có tính tôn giáo...”. Ở Điều 12 còn ghi các địa phương tạo điều kiện về ruộng đất cho các cơ sở thờ tự và “Chính phủ sẽ chiếu cố và cho đóng thuế nông nghiệp theo mức nhẹ hơn...”.

Phải có tầm nhìn đi trước thời đại mới có những suy nghĩ ấy, hành động ấy!

 PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

Bài liên quan
  • Văn hóa nước nhà Việt Nam lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở
    (TN&MT) - Đó là khẳng định trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc cách đây 75 năm, được tổ chức tại Nhà hát Lớn - Thủ đô Hà Nội. Hội nghị là một sự kiện đặc biệt ý nghĩa, hướng tới mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hóa trong kháng chiến kiến quốc để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng với đội ngũ trí thức, công tác tổ chức và đời sống văn hóa văn nghệ trong giai đoạn cách mạng mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc
Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO