Dân tộc thiểu số

Quảng Nam: Đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn dưới 10%

Lan Anh 18:49 24/09/2024

Ngày 24/9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ IV là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

daihoi1.jpg
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024.

Đây là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Báo cáo tại Đại hội cho biết, trong giai đoạn 2021- 2025, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam có 58 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 9 xã khu vực I với 230 thôn đặc biệt khó khăn. Các dân tộc sinh sống theo từng làng, nóc, nghề nghiệp chủ yếu là chăn nuôi, làm nương rẫy, lúa nước, trồng cây công nghiệp và dược liệu.

daihoi3.jpg
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024.

Từ năm 2019 đến năm 2024, tỉnh Quảng Nam triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí đầu tư gần 12.780 tỷ đồng. Đáng chú ý, Nghị quyết số 12/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam tập trung các nhóm dự án: Bảo vệ, phát triển kinh tế rừng; sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai; phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch kết hợp bảo tồn văn hóa vùng đồng bào DTTS. Từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS.

daihoi.jpg
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Y Thông phát biểu tại Đại hội

Tỉnh đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình hạ tầng khác. Cả tỉnh đã chuyển đổi nghề; hỗ trợ đất ở cho 1000 hộ; thực hiện hỗ trợ xoá nhà tạm, sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 1.000 hộ dân.

Các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi được nâng cao. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS giảm nghèo bình quân là 6,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại khu vực đồng bào DTTS và miền núi là 24 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2019.

daihoi6.jpg
Những năm qua, đời sống đồng bào được chăm lo, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể

Phát biểu tại Đại hội, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, trong giai đoạn hiện nay, nhiều chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã được ban hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên dành nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với vùng đồng bào DTTS. Qua đó, đã từng bước làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ông Y Thông khẳng định, đồng bào các DTTS Quảng Nam có tính cộng đồng cao, mỗi dân tộc có phong tục tập quán và nét đặc trưng văn hóa riêng, đa số có chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình; có niềm tin son sắt với Đảng, Nhà nước, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khắc phục thiên tai và xây dựng đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đồng bào các dân tộc cần tiếp tục quán triệt, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài.

daihoi7.jpg
Nhiều bà con đã mạnh dạn vươn lên kinh doanh, giảm nghèo bền vững.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam. Do đó, phải củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo quyền lợi, phong tục, tập quán của đồng bào DTTS.

Song song với đó, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm chăm lo, cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống đồng bào các DTTS.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu đến 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm xuống còn dưới 10%, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 1,5 lần so với năm 2020; có 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, tất cả trẻ em đúng tuổi đi học đến trường, không có học sinh bỏ học vì lý do kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu quan tâm đầy đủ, có trách nhiệm hơn đến vấn đề văn hóa, giáo dục chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, phát huy nội lực, tinh thần vượt khó vươn lên, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO