Văn hóa nước nhà Việt Nam lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở

Việt Hải| 23/11/2021 15:44

(TN&MT) - Đó là khẳng định trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc cách đây 75 năm, được tổ chức tại Nhà hát Lớn - Thủ đô Hà Nội. Hội nghị là một sự kiện đặc biệt ý nghĩa, hướng tới mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hóa trong kháng chiến kiến quốc để xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng với đội ngũ trí thức, công tác tổ chức và đời sống văn hóa văn nghệ trong giai đoạn cách mạng mới.

Báo Cứu quốc ra ngày 25/11/1946 đưa tin về Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh QĐND 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh đạo tối cao Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và các Bộ trưởng dự, cùng hơn 200 vị đại biểu các nhà văn hóa toàn quốc (Bắc, Trung, Nam).

Trong Diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại, khi Người sang Pháp vào đúng dịp diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc Pháp. Các nhà văn hóa có nhã ý mời Người dự vào Đoàn chủ tịch danh dự nhưng lúc bấy giờ chưa có cuộc đón tiếp chính thức của Chính phủ nên Người không tiện nhận lời. Người chỉ viết một thư cảm ơn. Sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc Pháp bế mạc, có 12 nhà văn hóa Pháp đến thăm Người. Các nhà văn hóa Pháp ngỏ ý rằng họ rất tán thành nền độc lập của Việt Nam. Đồng thời họ nhờ Người chuyển lời chào thân ái đến các nhà văn hóa Việt Nam.

Đáp lại thiện ý, Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm tốn bày tỏ quan điểm và nguyện vọng thiết tha rằng: Nền văn hóa mới của nước nhà Việt Nam lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Tiếp theo trong bài Diễn văn, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí minh đã rất hiện đại khẳng định tại Hội nghị rằng: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt thì ta học… Lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ.

Nói thêm về mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với chính trị, Người khẳng định phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình.

Hội nghị đã đặt hoa lên đài tưởng niệm các trận vong chiến sĩ. Các đại biểu dành một phút nghiêng mình trước vong linh các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước.

Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

Đặn biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha nói với các nhà văn hóa: “Tôi tin văn hóa Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng… Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Bác Hồ với các nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Ảnh QĐND

Tiếp đó là Diễn văn của đại biểu Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc Đào Duy Anh. Ông Đào Duy Anh bày tỏ rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức là để tỏ rõ cho thế giới biết rằng, trong khi dân tộc Việt Nam hăng hái chiến đấu thì các nhà văn hóa vẫn thiết tha với công cuộc kiến thiết văn hóa, kiến thiết quốc gia. Và muốn cho văn hóa phát triển phải có những điều kiện thuận lợi để cho các nhà trí thức phát triển hết được tài năng của mình. Họ phải được giúp đỡ. Các nhà trí thức giúp đỡ lẫn nhau. Ông Đào Duy Anh đặt niềm tin rất nhiều vào tương lai văn hóa Việt Nam và khẳng định rằng Hội nghị văn hóa là một bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của các nhà văn hóa.

Nhiều đại biểu văn hóa đã tham gia thảo luận. Nhiều ý kiến tâm huyết và góp ý rất có giá trị nhằm vực lại một nền văn hóa tiên tiến sau nhiều năm bị xâm thực. Củng cố, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa nước nhà trong tình hình mới trong điều kiện gian khó do thực dân, đế quốc đang nhăm nhe cướp lại nền độc lập non trẻ của nước ta.

Hội nghị đã bầu ra một Ủy ban để điều khiển Ủy ban văn hóa toàn quốc. Gồm: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên và 5 vị dự khuyết là các ông Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.

Vì tình thế, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã bế mạc sau một ngày thảo luận. Dù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Hội nghị đã ghi một mốc son trong lịch sử nước nhà và lịch sử văn hóa Việt Nam. 75 năm đã trôi qua nhưng những giá trị của Hội nghị và quan điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, được các thế hệ mai sau gìn giữ, phát huy và ngày càng tỏa rạng ra thế giới trên tinh thần kiên định mục tiêu: Văn hóa của nước nhà Việt Nam lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa nước nhà Việt Nam lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO