(TN&MT) - Lãnh đạo tỉnh Bình Định đánh giá, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, làm cho bộ mặt miền núi không ngừng thay da, đổi thịt.
Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện
Báo cáo của tỉnh Bình Định cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện; diện tích tự nhiên chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của tỉnh. Có 39 dân tộc thiểu số, đến cuối năm 2023 có 11.446 hộ/47.784 người, chiếm khoảng 2,99% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, Hrê. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (so với số hộ đồng bào dân tộc thiểu) đến cuối năm 2023 là 4.603 hộ/11.446 người, chiếm 40,21%, giảm 23,79% và 2.291 hộ so với cuối năm 2018. Đồng bào có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, tương thân, tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; có lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, kinh tế - xã hội của đồng bào có bước khởi sắc mạnh mẽ. Đến nay, đường giao thông, điện, nước cho sản xuất, sinh hoạt và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà rông… đã được xây dựng đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, làng được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. 100% tỷ lệ dân cư nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó 45,6% tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia;…
Phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ IV- năm 2024 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, trong những năm gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư hoàn thiện đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 4,76%/năm, vượt kế hoạch từ 1,5%-2%/năm và đã có 2 huyện thoát nghèo là Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tiếp tục được bảo tồn, phát huy; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng được quan tâm hơn.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng khẳng định, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cho bộ mặt miền núi không ngừng thay da, đổi thịt. Diện mạo đô thị, nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại. Khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được củng cố và tăng cường.
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hoá
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Đó là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa bền vững; trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp còn khá lạc hậu, chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng tính đồng bộ chưa cao; số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt chuẩn nông thôn mới còn nhiều (21/22 xã); tỷ lệ hộ nghèo vùng bồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với bình quân chung của tỉnh; tư tưởng trông chờ, ỷ lại ở một số nơi vẫn còn, chậm được khắc phục…
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2029, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 3 - 4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III ) và 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực III so với hiện nay. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Duy trì 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế…
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội với miền xuôi, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của các dân tộc anh em trong sản xuất và đời sống; tăng cường vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng thôn, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cùng với đó, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về đào tạo nghề, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và canh tác; giảm nghèo bền vững, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, địa phương, các dân tộc trong tỉnh. Tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vận động đồng bào giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quan tâm nghiên cứu, cử cán bộ bám sát địa bàn, nắm chắc mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó tham mưu có hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là các chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất và nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời đổi mới nội dung, phương thức triển khai thực hiện công tác dân tộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.