Xác định rõ mục tiêu cụ thể trong công tác truyền thông ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngọc Trâm | 10/12/2021, 15:12

(TN&MT) - Sáng 10/12, Hội thảo khoa học “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” do Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) tổ chức đã mở ra nhiều ý kiến đóng góp, phương thức tiếp cận mới của các cơ quan báo chí, viện nghiên cứu…; hứa hẹn những phương hướng thông tin tuyên truyền hiệu quả hơn, góp phần phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nâng cao đời sống đồng bào để hướng tới mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Đánh giá về hiệu quả công tác truyền thông về công tác dân tộc thời gian qua, ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền chính sách dân tộc đến với đồng bào. Tuy nhiên, đến nay chưa có đề tài tổng thể đánh giá công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, do đó Hội thảo khoa học “Thực trạng công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông” nhằm lấy ý kiến của các cơ quan truyền thông, viện nghiên cứu về vấn đề này để tiếp tục hoàn thiện, định hướng phương thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thời gian tới.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc phát biểu định hướng nội dung Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, đối tượng thụ hưởng kết quả tuyên truyền - truyền thông là cộng đồng các DTTS có những đặc thù về văn hóa, dân trí, ngôn ngữ, tập quán, địa bàn cư trú... nên kết quả nội dung truyền thông về pháp luật, chính sách có những hạn chế, đặc thù, khó khăn nhất định. Đây là vấn đề chi phối việc định hướng cụ thể hóa nội dung và phương pháp truyền thông.

Do vậy, trong công tác tuyên truyền vùng DTTS và miền núi, cần tìm giải pháp khắc phục về tập quán văn hóa, rào cản ngôn ngữ; Giải pháp khắc phục hạn chế về khả năng tiếp thu thông tin; Giải pháp khắc phục về đặc điểm địa hình, kết cấu hạ tầng, điều kiện vật chất... đề triển khai kịp thời hiệu quả. Từ những vấn đề trên sẽ cần đi đến có một Giải pháp truyền thông phù hợp với Đối tượng thụ hưởng - Cộng đồng các DTTS, cán bộ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội... đạt kết quả cao nhất.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Theo PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, tới các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, những yếu tố như địa bàn, giao thông, ngôn ngữ… là rào rản lớn trong quá trình triển khai công tác dân tộc. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, chuyển tải thông tin, chính sách… tới đồng bào. 19 đầu Báo, Tạp chí theo Quyết định số 45/QĐ-TTg đã “phủ sóng” khá toàn diện cho các thành phần dân cư, dân tộc cũng như chính quyền, các tổ chức chính trị cấp cơ sở... vùng DTTS và miền núi, biên giới vùng đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, kênh truyền thông theo 19 đầu Báo, Tạp chí chủ yếu là “ấn phẩm", cần có đánh giá tính ưu điểm và hạn chế của kênh truyền thông này để có giải pháp đạt kết quả cao và bền vững cho giai đoạn tới.

“Cần đặt “kênh truyền thông ấn phẩm” trong bối cảnh phát triển của các loại hình truyền thông hiện nay như truyền thông qua “báo nói”, “báo hình”, “báo mạng”... để có giải pháp phát huy tính ưu việt của “kênh truyền thông qua ấn phẩm” đối với đồng bào các DTTS và miền núi” - PGS.TS. Lê Ngọc Thắng nhấn mạnh.

TS. Võ Thị Mai Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, chủ thể hoạt động tuyên truyền cính sách pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi là các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị ở địa phương cấp tỉnh, huyện và xã thuộc vùng biên giới có đồng bào dân tộc sinh sống, đây là những công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cùng các lực lượng vũ trang như công an, bộ đội, bộ đội biên biên phòng, cán bộ hải quan, giáo viên...; Các cá nhân thông tin, tuyên truyền bao gồm các già làng, trưởng bản người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, thầy lang, thầy mo…; Các hướng dẫn viên du lịch, những người làm dịch vụ du lịch, phục vụ nhà hàng, khách sạn, quán ăn,… Đội ngũ này đóng vai trò quyết định đến hiệu quả của tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, lực lượng tuyên truyền ở cơ sở còn mỏng, thiếu nhân lực, kỹ năng tuyên truyền chưa cao, bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, phụ cấp còn hạn chế.

TS. Võ Thị Mai Phương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đánh giá về các phương thức tuyên truyền vùng đồng bào DTTS và miền núi, TS. Võ Thị Mai Phương nhận định, các Báo, Tạp chí đã có sự phong phú, đa dạng, nhiều chiều, dễ nhớ, dễ hiểu hơn. Theo một nghiên cứu năm 2020 của nhóm tác giả Học viện Báo chí - Tuyên truyền, truyền hình là phương tiện được đồng bào DTTS sử dụng phổ biến nhất hiện nay bởi tính sinh động, hấp dẫn. Còn với phương thức tuyên truyền qua Báo điện tử, nhờ tính đa phương tiện, báo điện tử phù hợp với hầu hết các tình huống cần chuyển tải thông tin, nhưng do diện phủ sóng internet đến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên đây vẫn là loại hình báo chí chưa tiếp cận được đại đa số công chúng DTTS. Vì vậy, trong đánh giá hiệu quả thông tin, tuyên truyền cần có sự thống nhất giữa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, giữa mục tiêu cụ thể với mục tiêu tổng quát, giữa nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng tác động tuyên truyền.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về công tác tuyên truyền chính sách dân tộc trên các phương tiện truyền thông; đồng thời chia sẻ những khó khăn, hạn chế, đưa ra các giải pháp, mô hình để kết nối, tuyên truyền thông tin hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tới.

Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan báo chí, viện nghiện cứu... tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền chính sách dân tộc

Tham luận tại Hội thảo, Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách Chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi của Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết, Báo TN&MT đã định hướng cho phóng viên trong việc tiếp cận, khai thác thông tin, xây dựng tuyến bài để đảm bảo tính trung thực, khách quan nhưng phải trên tinh thần xây dựng và hướng đến những giá trị ngày càng tốt đẹp hơn cho đồng bào. Đồng thời, Báo TN&MT đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; làm mới giao diện sản phẩm với đa dạng hình thức như xây dựng các Inforgraphic với nội dung bắt mắt, dễ đọc, dễ hiểu đến tay đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hiện nay, có những bài viết về vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là các bài viết về điểm nóng, tệ nạn xã hội, vùng đặc biệt khó khăn… còn mang tính một chiều, chưa quan sát đa chiều ở các lăng kính, góc độ. Theo đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc, các cơ quan, ban, ngành, các Báo, tạp chí và các nhà khoa học trực tiếp làm công tác tuyên truyền về công tác dân tộc nhằm chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm, triển khai hiệu quả hơn công tác tuyên truyền vùng đồng bào DTTS và miền núi.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng đánh giá cao các tham luận của các Báo, Tạp chí tại Hội thảo đã có những đóng góp nhằm thay đổi mới phương pháp, cách tiếp cận để thực hiện các hoạt động truyền thông đạt hiệu quả theo các mục tiêu đề ra mang tính bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng DTTS và miền núi.

Ghi nhận đóng góp tham luận của các Báo, Tạp chí, thời gian tới, Vụ Tuyên truyền của Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường tổ chức các buổi tập huấn giao lưu nhằm trao đổi, rà soát, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các Báo, Tạp chí, tạo điều kiện nâng cao kiến thức, năng lực đội ngũ biên tập viên, phóng viên tham gia sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền tới vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời, tìm ra những giải pháp đột phá chuyển tại nội dung, hình thức trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng có nhiều đặc thù về dân trí, tập quán, ngôn ngữ, địa bàn, điều kiện hoạt động trong và ngoài hệ thống chính trị; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bài liên quan
  • Nhiều đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin cho vùng đồng bào DTTS
    (TN&MT) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghệ CMC, trao đổi về Chiến lược chuyển đổi số cho Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Các chuyên gia của CMC đã giới thiệu nhiều đề xuất về giải pháp số hóa, chuyển đổi số phù hợp với Chương trình MTQG và ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào đời sống của đồng bào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Sở TN&MT Gia Lai: Làm tốt công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, trong năm 2024, Sở TN&MT đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kết nghĩa với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO