e-magazinelangnu(1).jpg

Làng Nủ - là cái tên mà trong những ngày qua, hầu như bất kỳ ai, đã là con dân của đất Việt hầu như đều đau đáu trông về. Làng Nủ - là nơi mà gần như bất kỳ con tim người Việt trên mảnh đất hình chữ S đều hướng về. Làng Nủ là nơi bàn chân của con Lạc, cháu Hồng đều muốn đến... Và dù là ai, ở cương vị nào, ở công việc nào, tất cả đều hối hả, thần tốc để có thể bù đắp, để có thể sẻ chia, đồng hành và tất cả đều cùng vì mục tiêu - vì ngày mai Làng Nủ.

lu(1).jpg
Những hình ảnh tang thương không bao giờ quên với người dân Làng Nủ

Làng Nủ trước và trong ngày 21/9. Video: Trần Văn
1(4).jpg

Theo báo cáo, tính đến 14h ngày 11/9 trận lũ quét tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã làm chết 30 người và 65 người mất tích... Ngay sau khi nhận tin dữ, Ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai; Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo và cùng toàn bộ các lực lượng nhằm chạy đua với thời gian, thần tốc tìm kiếm các nạn nhân còn lại...

lnu-1-thu-tuong-den-hien-truong-chi-dao-cong-tac-tim-kiem-o-lang-nu.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đến Làng Nủ chỉ đạo cứu hộ. Ảnh: chinhphu.vn
lnu2-thu-tuong-hop-khan-o-lang-nu.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Ảnh: chinhphu.vn

Và ngay chiều 12/9, ngay sau khi đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới Lào Cai để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. Điểm đầu tiên Thủ tướng tới thị sát là hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ.

Và cũng khẩn trương không kém là tinh thần của người đứng đầu Chính phủ ngay trong cuộc làm việc tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ. Tại đây Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các bộ, cơ quan, lực lượng liên quan tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm trong khắc phục hậu quả vụ sạt lở.

Và vẫn theo tinh thần khẩn trương đó, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa, chăm sóc y tế những người bị thương, bị bệnh; dọn dẹp vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh; khôi phục lại giao thông với tinh thần Trung ương lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ; nhanh chóng khôi phục trường lớp để các cháu trở lại trường sớm nhất có thể; khôi phục sản xuất kinh doanh, việc làm sinh kế cho người dân, nắm chắc tình hình, những khó khăn của người dân để giải quyết.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ. “Làm sao để bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành, tỉnh Lào Cai chủ trì triển khai, nếu thiếu gì thì báo cáo Chính phủ; vận dụng cơ chế trong trường hợp đặc biệt để xử lý các vấn đề liên quan, như huy động lực lượng công binh xây dựng lại bản làng...” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

a2(1).jpg
2(4).jpg

Làm gì để bù đắp phần nào cho người dân làng Nủ ngay lúc đó? Không gì khác đó là phải khẩn trương và thần tốc. Trên tinh thần đó, từ Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo cao nhất của tỉnh Lào Cai và các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu trợ ở Làng Nủ đều chung suy nghĩ. Đó là việc, ngoài thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, tâm lý của một bộ phận người dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp.

a1(1).jpg
Hàng cứu trợ đến với Làng Nủ. Ảnh: Hữu Huỳnh
tien-den-tay-nguoi-dan.jpg
Những sự hỗ trợ kịp thời ở Làng Nủ. Ảnh: Hữu Huỳnh

Không nằm ngoài chỉ đạo của Thủ tướng, cùng với công tác tìm kiếm cứu nạn, công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có thân nhân thiệt mạng tại thôn Làng Nủ đã được tiến hành chặt chẽ. Bước đầu, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ các gia đình 25 triệu đồng/người thiệt mạng và 5 triệu đồng/người bị thương. Đến nay, tỉnh đã chi tổng số tiền hỗ trợ là 385,2 triệu đồng và thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng. Quân khu 2 hỗ trợ gần 100 triệu đồng cùng một số nhu yếu phẩm tặng các hộ gia đình có thân nhân bị nạn và triển khai các hoạt động hỗ trợ vật chất tiếp theo.

Hướng về Làng Nủ còn có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đang ủng hộ thông qua cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các địa phương. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng chung tay giúp đỡ bà con Làng Nủ. Mỗi ngày có hàng chục xe cứu trợ, chở nhiều hàng hóa như gạo, sách vở, đồ dùng học sinh, đồ dùng sinh hoạt gia đình… được người dân khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến giúp người dân huyện Bảo Yên, đặc biệt là bà con thôn Làng Nủ, ổn định cuộc sống.

Hối hả, hối hả và khẩn trương, không quản ngày, chẳng quản đêm, không sợ mưa, không sợ nắng, ngày tiếp ngày các đoàn xe, đoàn người thần tốc nối đuôi nhau vào Làng Nủ.

Hơn lúc nào hết, tinh thần hoạn nạn có nhau, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói, bằng một gói khi no... của truyền thống muôn đời của người dân đất Việt đã được đồng bào ở khắp mọi miền và cả kiều bào ở nước ngoài hướng về Làng Nủ. Ai cũng mong, cũng muốn góp phần giúp những người ở lại tại Làng Nủ thêm ấm lòng, phần nào vơi đi nỗi đau mất mát, mong ngóng người thân...

a3(2).jpg
3(4).jpg

Người ở lại được chăm lo và chăm lo hơn cả là làm sao để tìm kiếm, cứu nạn với những người còn hy vọng. Và đặc biệt, nếu đồng bào mình không còn, thì làm sao để có thể sớm nhất đón họ lên từ đống bùn đất lạnh lẽo kia. Cậy là tổng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn là các anh bộ đội của Sư đoàn 316; các anh bộ đội Trường Trung cấp 24 Biên phòng và đội chó nghiệp vụ; Lực lượng công an, dân quân tự vệ; Đội tìm kiếm cứu hộ của TP.HCM và các tỉnh bạn... tất cả đều dồn sức người, sức phương tiện và cả sức của lực lượng đặc biệt: Quân Khuyển.

Các cán bộ, chiến sỹ và Quân Khuyển thực hiện cứu hộ tại Làng Nủ. Video: Trường Trung cấp 24 Biên phòng cung cấp

Các “chiến sỹ” đặc biệt của lực lượng Bội đội Biên phòng là lực lượng nhận được sự “tin tưởng” tuyệt đối của các lực lượng và nhất là đồng bào ở Làng Nủ - những người ngày đêm mong ngóng người thân của mình trở về từ lòng đất mẹ trong suốt những ngày qua.

Trò chuyện với PV Báo Tài nguyên và Môi trường tại hiện trường tìm kiếm chiều 22/9, Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết. Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã triển khai đội chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn tại “điểm nóng” Làng Nủ. Tại đây, lực lượng Quân Khuyển - “vũ khí đặc biệt” này đã phát huy xuất sắc vai trò trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Còn huấn luyện viên dạn dày kinh nghiệm đã từng tham gia nhiều chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đặc biệt trong nước và quốc tế, Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi được tin tưởng giao nhiệm vụ Đội trưởng trong chuyến công tác tìm kiếm cứu nạn lần này.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, sạt lở đã kéo theo một khối lượng bùn, đất đá khổng lồ trùm lên toàn bộ khu vực cộng thêm điều kiện mưa nhiều ngày khiến công việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình Làng Nủ còn bị chia cắt bởi khe suối. Với tinh thần "còn người còn hy vọng", cán bộ chiến sĩ Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã chạy đua với thời gian, thời tiết, tranh thủ từng giây phút quý báu tích cực tìm kiếm nạn nhân...

Để nhanh chóng khắc phục những khó khăn và đẩy nhanh công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích, ngay từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, Nhà trường đã trao đổi, đề xuất với lực lượng tìm kiếm cứu nạn Quân khu 2 và các lực lượng chức năng thay đổi phương pháp tìm kiếm, trong đó tập trung vào việc phân bổ lực lượng, thành lập các tổ tìm kiếm, đảm bảo vừa có chó nghiệp vụ, lực lượng bộ binh và các thiết bị hỗ trợ, đặc biệt cần triệt để tận dụng mọi trang bị, phương tiện máy móc, công cụ hỗ trợ tại chỗ và các biện pháp thủ công để thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao tối đa hiệu quả công tác tìm kiếm.

Tính đến ngày 20/9, huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của nhà trường đã cùng các lực lượng chức năng phát hiện, tìm kiếm được 53/66 nạn nhân tại Làng Nủ; 14/18 nạn nhân tại Nậm Tông, cùng nhiều phần thi thể người. Hiện, Nhà trường đang tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp về nghiệp vụ nhằm sớm tìm kiếm các nạn nhân còn lại.

dai-ta-nq-thuyen.jpg
Đại tá Nguyễn Quang Thuyên (bìa trái) chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường. Ảnh: Trường Trung cấp 24 Biên phòng cung cấp

Cùng tinh thần khẩn trương đó, Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết: với nhận thức sâu sắc công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, là nhiệm vụ chính trị quan trọng - nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của Quân đội, Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

“Bất cứ nơi đâu xảy ra vụ việc, thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, đất đá vùi lấp, lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của nhà trường luôn sẵn sàng cơ động lên đường thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần “ở đâu nhân dân gặp khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội..” - Đại tá Nguyễn Quang Thuyên nhấn mạnh.

4(2).jpg

Không chỉ thần tốc trong cứu hộ, cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn, công tác xây dựng và tái thiết làng Nủ cũng hết sức quan trọng và nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tỉnh Lào Cai và sự quan tâm của cả các tấm lòng vàng.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh làng tạm cư vừa được Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) vừa được bàn giao chiều 21/9 cho người dân Làng Nủ. Ảnh: Trần Văn
11.png
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong chứng kiến đại diện Quỹ Thiện Tâm trao biểu trưng hỗ trợ người dân Làng Nủ
Làng tạm cư trong mơ. Video: Trần Văn - Việt Hải

Và như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, chiều qua 21/9/2024, ngay sau khi thực hiện nghi lễ khởi công khu tái định cư thôn Làng Nủ mới, chính quyền địa phương đã bàn giao khu nhà tạm tại thôn Làng Nủ cho 23 hộ dân sinh sống tạm thời trong thời gian chờ khu tái định cư hoàn thành.

Như vậy, chỉ sau đúng 7 ngày, điều kỳ diệu đã hiện ra ở Làng Nủ. Khu tạm cư mới gồm 23 ngôi nhà cho các hộ dân làng Nủ đã chính thức hoàn thành trong sự đón chờ của dân làng và nhân dân đồng bào cả nước

Có được kết quả thần tốc này, phải kể tới những nỗ lực không quản ngày đêm của cả hệ thống chính quyền địa phương, lực lượng xây dựng, quân đội, dân phòng, thanh niên… cùng sự vào cuộc kịp thời của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) để có ngay nơi ở ổn định cho bà con trong lúc chờ khu tái định cư mới.

Khu tạm cư được xây dựng trên diện tích 2.000m2, cách nơi ở cũ 1,5km. Khu gồm 4 dãy với 25 căn nhà được xây bằng khung thép chắc chắn, đảm bảo an toàn. Trong mỗi căn nhà tạm đã được trang bị sẵn các vật dụng cần thiết để phục vụ sinh hoạt gia đình.

Toàn bộ kinh phí xây dựng 2 tỷ đồng do Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup tài trợ. Ngoài ra, Quỹ Thiện Tâm còn hỗ trợ ngay 200 triệu đồng cho mỗi gia đình có người tử vong tại Làng Nủ để động viên tinh thần cho bà con và hỗ trợ những người ở lại trang trải cuộc sống, sinh hoạt và tái sản xuất, kinh doanh.

Chỉ trong 7 ngày, Quỹ Thiện Tâm đã hoàn thành nhà tạm cho các hộ dân. Quỹ đã thành lập ngay 8 đội phản ứng nhanh, liên tục trong những ngày qua và cả những ngày tới, các đội phản ứng nhanh của Quỹ cũng toả đi khắp các địa bàn của tỉnh Lào Cai để trực tiếp đến thăm hỏi, thu thập thông tin các gia đình có người tử vong và mất hoàn toàn nhà ở để hỗ trợ kịp thời.

Vào ở trong ngôi nhà tạm cư mới, anh Hoàng Văn Voi xúc động chia sẻ: Trong nỗi đau mất vợ mất con, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí trên tỉnh trên huyện về động viên giúp tôi vượt lên mất mát, cùng chính quyền, bộ đội, công, dân quân tự vệ tìm kiếm nạn nhân. “Và đặc biệt là và nhất là “cán bộ, nhân viên của Quỹ Thiện Tâm” đã xây nhà nhanh không tưởng. Trong đời tôi chưa bao giờ chứng kiến có một sự kiện xây dựng nào nhanh như thế. Sự giúp đỡ này đã giúp tôi và các gia đình dịu bớt phần nào nỗi đau, đứng dậy làm lại cuộc đời" anh Hoàng Văn Voi xúc động nói.

khoi-cong.jpg
Toàn cảnh Lễ khởi công Làng Nủ mới. Ảnh: Trần Văn

Còn ông Phạm Năng Chung - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện Bảo Yên và chỉ đạo các đơn vị của ngành khẩn trương khắc phục môi trường, đặc biệt, tạo mọi điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai 2 dự án trên tinh thần an toàn về địa hình, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, sản xuất và đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân.

a3a.jpg
5(2).jpg

Người dân thì vào ngôi nhà mới, còn các lực lượng khác, họ lại hối hả, thần tốc thực hiện công việc của mình. Đêm qua 21/9, hàng đoàn xe chở hàng cứu trợ vẫn hối hả miệt mài lăn bánh trên mọi ngả đường hướng về Làng Nủ. Những chuyến xe chở nhu cầu thiết yếu cho đồng bào nơi đây từ tay trắng sớm khôi phục lại cuộc sống bình thường sau bão lũ. Xe còn chở nặng tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

pv.jpg
Nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường trở lại tác nghiệp ở Làng Nủ trong 2 ngày 21-22/9/2024. Ảnh: Văn Tùng

Và hôm nay, mới 5 giờ sáng 22/9 nhưng Thượng tá Hoàng Ngọc Sáng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã huy động đội quân tìm kiếm và chó nghiệp vụ ra hiện trường từ lâu. Hôm nay sẽ là một ngày nắng, phải tranh thủ từng phút từng giây trước khi nắng đổ xuống gay gắt ảnh hướng đến sức khỏe của quân nhân và các chú chó - những chiến sĩ đặc biệt vốn sinh ra đã mang một phần dòng máu của chó xứ lạnh.

Hôm nay ông trời đổ mưa. Nước trên thượng nguồn đổ xuống khiến lưu lượng các dòng chảy tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc, vì vậy, các lực lượng đã tranh thủ thời tiết ảnh hưởng đến địa chất, khẩn trương, tăng tốc tìm kiếm và sáng nay 22/9 đã tìm thấy thêm một nạn nhân. Các chiến sỹ, chúng tôi và những người chứng kiến thấy vui vì tìm thấy em nhưng không thể không cầm lòng khi nhìn gia đình đón nhận em. Nỗi tiếng thương nghẹn nghào không nói lên lời. Người dân Làng Nủ hình như cạn khô, họ khóc mà nước mắt chẳng còn để giỏ xuống.

jacqueline-thompson-2-.png
Người dân Làng Nủ dọn đồ vào nơi ở mới
nha-moi.jpg
Trong ngôi nhà mới của người dân Làng Nủ

Khi chúng tôi, những người làm báo của Báo TN&MT đang khép lại bài viết này thì 23 hộ dân Làng Nủ đã chuẩn bị có đêm thứ hai được ở trong căn nhà mới. Không biết những ai đã ngủ ngon, những ai còn thao thức, và anh Sầm Văn Bóng có còn tự bấm vào tay xem mình mơ hay thực như hôm qua nữa hay không.

Và sáng mai, ánh mặt trời sẽ lại xiên qua cửa chính cửa sổ đã tràn vào 23 căn hộ Khu Nhà tạm cư. Ánh sáng ngày mới dồn dập gõ cửa gọi những chủ nhân trong căn nhà vừa dựng lên hôm qua bước ra khỏi nhà, khẩn trương đến Nhà văn hóa thôn để nghe phân công công việc trong ngày mới. Ai cũng phải nhanh hơn mọt chút, tích cực hơn nhiều chút, để "Công trình tái thiết Làng Nủ" sớm hoàn thành.

Đau buồn rồi sẽ qua. Thời gian cũng không dừng lại đợi chờ ai cả. Người dân Làng Nủ hiểu trời, hiểu đất, hiểu mình nên không ai bảo ai sẽ cùng với các lực lượng chạy đua với thời gian để sớm đưa cuộc sống trở về bình thường.

Cả nước đang chung tay, thần tốc tái thiết hồi sinh Làng Nủ, Làng Nủ cũng guồng chân chạy đua cùng người dân cả nước.

Thần tốc vì cuộc sống hôm nay, vì tương lai ngày mai Làng Nủ.

Ngày mai trời lại sáng, tương lai Làng Nủ đang bắt đầu từ hôm nay…

6.jpg

Ghi nhanh của: VIỆT HẢI - BÍCH HỢP - HỒNG KỲ
Ảnh, video: TRẦN VĂN - NGỌC TRÂM
Trình bày:
TÙNG QUÂN

footer(1).jpg
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Quảng Nam: Đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn dưới 10%
Ngày 24/9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO