(TN&MT) - Đây là nội dung đặt ra tại Hội thảo xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp Ủy ban Dân tộc đồng tổ chức trong 2 ngày 11-12/4. Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành.
Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành; Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học...
Sự cần thiết xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, bảo đảm công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền của cả nước.
Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc đã bao trùm toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS và vùng miền núi, vùng khó khăn.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, từ sau Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã ban hành hơn 90 văn bản liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị khóa VI về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc và Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Bên cạnh những chính sách dân tộc quy định tại Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua hơn 90 Luật và hơn 50 Nghị quyết liên quan đến chính sách dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành hơn 640 văn bản có quy định về dân tộc, chính sách dân tộc.
Mặc dù khối lượng chính sách, pháp luật về dân tộc lớn, tương đối toàn diện, bao trùm các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và đang liên tục được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạch định chính sách, áp dụng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, vẫn còn những vướng mắc nhất định liên quan đến các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí trong lĩnh vực dân tộc và trong phân định các vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc đang nghiên cứu để đề xuất xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Vì vậy, “Hội thảo là diễn đàn hết sức quan trọng để Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm; việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS và miền núi trong tình hình hiện nay, phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.
Xác định cụ thể một số khái niệm, thuật ngữ, nội hàm để hình thành một hệ thống tiêu chí mới
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trong phạm vi của Hội thảo, có 2 vấn đề được đặt ra, đó là: Nghiên cứu và luận giải ở góc độ khoa học một số khái niệm hiện nay đang sử dụng; Một số tiêu chí phân định đang áp dụng để thực hiện chính sách hiện nay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, Hội thảo là dịp để củng cố thêm luận cứ về cơ sở khoa học và thực tiễn. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, đặc biệt là người làm công tác dân tộc tại cơ sở… để giúp cho Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có được những thông số, thông tin đánh giá chính xác để hình thành một hệ thống tiêu chí mới, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trên tinh thần bao phủ, không bỏ sót địa bàn và đối tượng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, các viện nghiên cứu tham gia Hội thảo trao đổi thẳng thắn, nêu ra những vấn đề khó khăn, đề xuất những giải pháp hiệu quả để sau Hội thảo, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có căn cứ và có những cách làm hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận, nhiều bài nghiên cứu có giá trị, nhiều nội dung được đại biểu quan tâm với những kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý nhà nước về dân tộc, tập trung vào các nội dung chính: Cơ sở khoa học, tính thống nhất, nội hàm của các thuật ngữ, khái niệm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc,... đang được sử dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay; các tiêu chí phân định vùng DTTS, vùng miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết, từ thực tiễn triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chính sách, pháp luật về dân tộc ở địa phương, tỉnh Tuyên Quang nhận thấy, Hội thảo sẽ là cơ hội để Tuyên Quang tiếp thu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương cũng như xác định nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn công tác dân tộc nói chung và các cơ chế, chính sách đối với vùng DTTS nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tin tưởng, kết quả của hội thảo là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn quan trọng để hoàn thiện khung nghiên cứu xây dựng Luật Dân tộc bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng chuẩn bị và xây dựng các dự án luật của Quốc hội.
Trình bày tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam - Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho biết: Khi sử dụng các thuật ngữ công tác dân tộc, chính sách dân tộc, cần chỉ ra nội hàm của các khái niệm được sử dụng. Đối với thuật ngữ dân tộc theo nghĩa hẹp, cần nói rõ hoặc là thành phần dân tộc/dân tộc đa số, dân tộc thiểu số hoặc sử dụng khái niệm tộc người. "Có lẽ nên cân nhắc sử dụng thuật ngữ tộc người thay thế thuật ngữ dân tộc theo nghĩa hẹp. Trong từng tộc người với nhiều nhóm địa phương có thể sử dụng khái niệm nhóm tộc người. Nếu xây dựng văn bản pháp luật, dùng khái niệm dân tộc cũng phải tính đến đối tượng được điều chỉnh", Tiến sĩ Lâm Bá Nam nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Lê Ngọc Thắng - Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc & Thời đại, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc: Các thuật ngữ “Vùng dân tộc thiểu số”, “Vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, “Vùng miền núi, biên giới, hải đảo” thời gian qua đã được sử dụng trong Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật… phục vụ công tác quy hoạch chiến lược phát triển, quản lý nhà nước, đối nội, đối ngoại… của quốc gia.
Tuy nhiên, thời gian tới, để các thuật ngữ trên được nhận thức đúng, đầy đủ, khoa học và phát huy giá trị trong hoạch định chiến lược, chính sách phát triển đối tượng và khu vực đặc thù này, cần tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định “miền núi, vùng cao”, “vùng dân tộc thiểu số”, “vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, “vùng miền núi, biên giới, hải đảo”; xem xét các hình thức phân định khác cũng như đánh giá việc phân định các vùng trên đối với hiệu quả của các chính sách, pháp luật”.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh: Có thể thấy, trong thực tiễn xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc, nhiều thuật ngữ, khái niệm được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhưng chưa được xác định cụ thể về nội hàm hoặc chỉ được quy định chung chung, chưa rõ ràng.
Đồng thời, sự phân định giữa các khái niệm cũng còn chồng chéo về phạm vi, đối tượng, gây khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan hữu quan ở cấp Trung ương và địa phương, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của các chính sách dân tộc.
Trên cơ sở kết quả, giá trị khoa học tại Hội thảo, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoạch định chính sách sẽ có cơ sở để xác định một cách đúng đắn nội hàm của các khái niệm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Tiểu ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng Dân tộc tổng hợp đầy đủ các ý kiến, tham luận tại Hội thảo để gửi cơ quan liên quan tham khảo, khai thác trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân tộc.
Trong 2 ngày (11 - 12/4), Hội thảo đã tiếp nhận hơn 20 bản báo cáo, tham luận của các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu…
Đồng thời, tập trung thảo luận, nghe trình bày báo cáo về việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục liên quan đến vùng DTTS và miền núi theo phân định đối tượng; việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về y tế liên quan đến DTTS và miền núi; việc áp dụng các đối tượng vùng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc hiện nay…