Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nàng Xô Vi - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, Luật cần quy định rõ về đảm bảo có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời cần có chính sách ưu tiên, chính sách tài chính đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số về đất đai.
Theo Đại biểu Nàng Xô Vi, Dự án Luật Đất đai là một dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đại bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người sống chủ yếu dựa vào canh tác trồng trọt.
Theo thông kê, đến năm 2019 cả nước đã có khoảng 52.450 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và nhà ở, 210.400 hộ thiếu đất sản xuất và có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất, có 462.000 hộ thiếu đất sản xuất và có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Theo đại biểu, hiện nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các chủ sử dụng. Trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, diện tích đất chưa sử dụng phần lớn là đất dốc và đã qua sử dụng để canh tác nương rẫy, chất lượng đất bị suy giảm. Vì vậy, việc khai thác diện tích đất chưa sử dụng này để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Nếu thực hiện, cần mức đầu tư lớn để khai hoang, phục hóa, cải tạo đất, tuy nhiên chất lượng đất không tốt để phục vụ canh tác. Đại biểu cho rằng, theo thông tin từ các tỉnh cho thấy, nhiều địa phương cho biết quỹ đất còn rất ít và mức hỗ trợ tạo quỹ đất còn thấp, do đó khó khăn cho việc thực hiện tạo thêm quỹ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, trong thời gian qua cả nước đang tập trung triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, trong thời gian tới địa bàn vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ giảm nhiều. Bên cạnh đó, theo mục tiêu của Nghị quyết số 88, Quốc hội XIV là đến năm 2030 vùng dân tộc thiểu số miền núi không có thôn, xã đặc biệt khó khăn. Như vậy, đối tượng áp dụng chính sách được thụ hưởng sẽ bị thu hẹp rất nhiều so với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhằm thể chế hóa nội dung có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu thiếu đất sản xuất, chính sách tài chính về đất đai phù hợp với đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, đại biểu kiến nghị, thứ nhất, sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 17 dự thảo luật về trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.
Thứ hai, ngoài các chính sách hiện hành, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương vào sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý, đặc biệt là diện tích do các nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý. Vì, nếu nhà nước không nâng mức hỗ trợ phù hợp thì khó thực hiện.
Ví dụ như: diện tích đất đã thu hồi từ các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 112 của Quốc hội bàn giao về địa phương quản lý và giao cho các hộ dân người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, nhưng trong thời gian qua phần lớn diện tích này chưa thể sử dụng được vì thiếu vốn để đo vẽ bản đồ địa chính, khai hoang, do nguồn vốn thực hiện các công việc này là do ngân sách của cấp huyện đảm bảo, trong khi đó ngân sách của các huyện, của các tỉnh miền núi hiện nay rất khó khăn, 2/3 do ngân sách cấp trên hỗ trợ nên không có kinh phí để bố trí thực hiện các công việc này.