Bảo Lạc (Cao Bằng): Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Nguyễn Hùng | 29/04/2021, 01:23

(TN&MT) - Bảo Lạc là một huyện biên giới, vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Bảo Lạc chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Vì vậy, những năm qua, huyện Bảo Lạc đã quan tâm, chỉ đạo việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Đám cưới của người dân tộc Sán Chỉ, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) với rất nhiều nghi lễ quan trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trên địa bàn huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) có các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đặc trưng văn hóa riêng, do đó đã tạo nên giá trị văn hóa tinh thần thêm phong phú, đa dạng. Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, những năm qua, huyện Bảo Lạc đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa các dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Bên cạnh đó, các xã còn duy trì tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian vào các dịp lễ, tết phù hợp với đặc thù địa phương. Phòng tham mưu cho UBND huyện khôi phục các nghề thủ công truyền thống, những làn điệu dân ca của địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Nhằm bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc tại địa phương đã thành lập được 17 chi hội bảo tồn dân ca tại 17 xã, thị trấn của huyện Bảo Lạc.

Chợ phiên Bảo Lạc là nơi đồng bào các dân tộc đến mua sắm nhiều loại hàng hóa và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Việc lưu giữ, khôi phục các lễ hội truyền thống được tổ chức theo phong tục, tập quán địa phương, hiện nay trên địa bàn huyện Bảo Lạc có các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tồng tổ chức vào ngày 9 tháng giêng hằng năm; khôi phục Chợ tình Phong lưu (Háng toán) ngày 15/8 âm lịch; ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô… Tại các lễ hội, ngoài tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương, huyện Bảo Lạc còn trưng bày các sản vật, đặc sản, các món ăn, vật dụng truyền thống trong sinh hoạt, lao động sản xuất và các trang phục đặc trưng mỗi dân tộc.

Bên cạnh đó, huyện Bảo Lạc tổ chức Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc vào thứ 7 hằng tuần đã mang lại hiệu quả bước đầu. Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc là nơi giới thiệu, quảng bá văn hóa, các sản phẩm, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện Bảo Lạc. Ngoài các hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, những điệu hát then, si lượn, nàng ới làm say đắm lòng người, còn có các hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian. Ban tổ chức trưng bày các gian hàng quảng bá sản phẩm đặc sản và không gian văn hóa đặc trưng của từng xã. Đến với Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, du khách sẽ được thăm quan, khám phá những nét văn hóa đặc sắc và thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc nơi đây.

Hương, giấy bản được đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc làm từ những nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Để duy trì, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương, huyện Bảo Lạc đã nghiên cứu, sưu tầm trình UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng Dự án “Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng, trong đó bảo tồn kiến trúc làng, bản và các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Lô Lô.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) Nguyễn Minh Châu cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc góp phần tạo nên tính bền vững của các giá trị văn hóa, tạo nên bản sắc riêng cho mỗi dân tộc. Thời gian tới, huyện Bảo Lạc tiếp tục phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm; tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục của một số DTTS có nguy cơ mai một, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Lạc.

Bài liên quan
  • Về Cao Bằng đi Lễ hội Nàng Hai
    (TN&MT) - Đầu mùa xuân, sau Tết Nguyên đán, người Tày Cao Bằng mở hội mời Mẹ Trăng, gọi là Lễ hội Nàng Hai. Đây là hội cầu mùa, cầu sức khỏe cho mọi người và là dịp người dân trong bản tổ chức vui chơi. Một không khí pha trộn giữa hiện thực và ước mơ huyền ảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO