Về Cao Bằng đi Lễ hội Nàng Hai

Việt Hải | 15/02/2021, 20:49

(TN&MT) - Đầu mùa xuân, sau Tết Nguyên đán, người Tày Cao Bằng mở hội mời Mẹ Trăng, gọi là Lễ hội Nàng Hai. Đây là hội cầu mùa, cầu sức khỏe cho mọi người và là dịp người dân trong bản tổ chức vui chơi. Một không khí pha trộn giữa hiện thực và ước mơ huyền ảo.

Hiện thực và ước mơ huyền ảo là nét đặc trưng của Lễ hội (Ảnh: Internet)

Buổi sáng mồng một Tết, trong lễ cúng Thổ công, một thiếu nữ trong bản được cử ra xin phép thần cho mở hội Hai và lượn Hai (hát mời Trăng). Sau khi xin phép thần rồi, cô gái mời người già trong bản chọn ngày tốt để mở hội. Tiếp theo là khâu chọn người và phân công công việc tổ chức hội.

Trước hết, những người khéo tay trong bản lo sửa soạn diễn trường. Họ chọn một khu đất trống, bằng phẳng trong bản, rồi lấy vắn, chặt tre, đan phên, dựng dàn cúng. Sàn cao tới ngực, xung quanh có phên vây kín. Đó là nơi đặt mâm hương, bày lễ vật. Bên cạnh sàn là một giàn hoa (trạm bjooc), nơi Mẹ Trăng và thần nam, nữ xuống hái hoa.

Một nhóm khác lo hương, hoa, chè, rượu, bánh trái, gạo, thịt… Quan trọng hơn cả là nhưng người được chọn lựa để đóng các vai trong lễ hội. Họ vừa phải đẹp người, đẹp nết, giỏi hát, múa. Sau khi được phân công, số người này tự đo trang phục, ôn tập các bài hát, tìm đến những bà mế giỏi văn nghệ thường gọi là Mế Cốc để học thêm những bài lượn Hai.

Lễ hội mang mục đích cầu Mẹ Trăng ban điều lành, điều tốt cho dân bản, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, không bị dịch bệnh vv… Hai Mẹ Trăng tượng trưng cho "người ở thượng giới" là những nhân vật đẹp, mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người.

Hội bắt đầu bằng lễ dâng hoa, rồi đến lượn Hai (tức là ca hát) để tiễn hồn đoàn người trần gian lên cung trăng, đón mời Mẹ Trăng xuống đất.

Nghi thức đón Mẹ Trăng (Ảnh: Internet)

Các vai chính trong cuộc diễu hành lễ gồm: Hai phụ nữ trạc tuổi trung niên có vóc dáng đẹp đóng vai hai Mẹ Trăng (được gọi là Cường Hai để hồn Mẹ Trăng nhập vào) hát đối đáp với người trần. Hai phụ nữ khác đóng vai mụ Khỏa (còn gọi là thiếp Slở, làm nhiệm vụ dâng hoa và cầu nguyện. Giúp việc cho hai bà, có một số thiếu nữ tham gia múa hát. Hai thanh niên cầm 2 cây nêu bằng trúc, đứng bảo vệ trước nhà Mẹ Trăng. Tất cả các nhân vật nói trên đều hóa trang đẹp, trong đó Mẹ Trăng rực rỡ nhất.

Hành trình lên cung trăng đi qua hai chặng: Chặng thứ nhất qua "thế giới cõi người" gồm đường trong bản, vườn rau, vườn cây ăn quả, miếu Thổ công, giếng nước, cánh đồng lúa, bãi dâu, phủ Thành Lâm, đình Tiên, đồng Quạ, núi Vượn, thế giới ong, ve, qua cầu Tam Quang. Chặng thứ hai, "đi" vào không gian của những người chết yểu, chợ Trai - Gái, chợ Tam Quang, mường Tổ Tiên..., cuối cùng đến cung Trăng.

Đoàn rước khi về đến hạ giới, có thêm hai Mẹ Trăng và 14 vị thần nam nữ khác. Khi đoàn về tới mặt đất, mọi người hân hoan reo hò, hát ca, làm lễ dâng hoa. Sau những đoạn hát chào hỏi, hát chúc tụng là những lời cầu nguyện xin lúa giống, xin nước tưới đủ đều, ngăn thú rừng không cho về phá hoại mùa màng, ngô lúa bội thu.

Mẹ Trăng e ấp giấu khuôn mặt xinh đẹp sau chiếc quạt (Ảnh Internet)

Mẹ Trăng cũng tham gia hát đối đáp với "người trần gian" đi dự hội về mọi chuyện, từ việc sinh sống, làm ăn, mùa màng, sức khỏe, trừ tình yêu. Khi múa hát, Mẹ Trăng thường che mặt.

Cứ như thế, hội vui kéo dài ngày lại ngày, có khi tới hai tuần. Cũng trong thời gian đó, người ta tổ chức xem kẽ các trò chơi như chọi gà, đánh yến (cầu lông), đánh quay… Cho tới một hôm mọi người trong bản thấy cuộc vui đã đủ, câu hát đã cạn, lời cầu đã xong, thì làm lễ kết thúc hội.

Lễ kết thúc gọi là "Slống Hai", tức lễ tiễn Trăng về trời, là ngày đông vui nhất của hội, có nhân dân trong bản, bà con thân thuộc, khách mời các bản lân cận. Lúc này, người ta phải dựng thêm một sàn cúng ở ngoài đồng rộng hơn. Dân chúng tập trung từ sàn cúng trong bản rồi cùng kéo ra đồng. Hai thanh niên cầm nêu đi song song dẫn đầu. Đoàn người đi theo mang các vật tượng trưng như hình mặt trăng, thuyền, hoa, mâm xôi…

Nghi thức tiễn Mẹ Trăng về trời (Ảnh Internet)

Tại nơi sàn cúng ngoài đồng sẽ diễn ra một cuộc hát lượn mới mang nội dung chia tay tạm biệt giữa người trần gian và người thượng giới. Suốt bao nhiêu ngày lễ hội, các nhân vật (được thay đổi danh nghĩa) đã sống chan hòa cùng nhau, thông cảm nhau sâu sắc, nay chia tay không khỏi bùi ngùi. Bài hát lượn lúc này nặng tình, nặng nghĩa, lưu luyến tiễn đưa như chẳng muốn rời. Mẹ Trăng giờ đây không còn là "người Trời" xa lạ mà đã trở thành bạn thân của người. Họ ôm nhau khóc sướt mướt trước giờ tạm biệt và hẹn sang năm sẽ gặp lại nhau.

Câu kết thúc cuối cùng của bài hát "Suốt năm không còn thấy ta nữa bạn ơi!" cũng là lúc Mẹ Trăng rời cõi trần. Lúc này, Mế Cốc phải làm động tác thu hồn hai người đóng vai Mẹ Trăng, còn hai người này sẽ ngất trong khoảnh khắc, rồi tỉnh lại, để trở thành người dân bản thường ngày.

Hội kết thúc, các gia đình tập hợp nhau lại, tổ chức ăn uống mừng hội, mừng xuân tốt đẹp, vui vẻ với niềm hy vọng mọi sự tốt lành, yên vui năm nay sẽ đế với bản làng. Những khách mời từ các bản khác cũng dự cơm vui hội với các gia đình theo tục hiếu khách truyền thống lâu đời của đồng bào nơi đây.

Cao Bằng có 2 di sản văn hóa của dân tộc Tày được công nhận cấp quốc gia, đó là Nghi lễ Then của dân tộc Tày Cao Bằng và Lễ hội Nàng Hai của người Tày xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa). Lễ hội Nàng Hai là lễ hội cổ truyền vừa mang tính tâm linh vừa mang tính khoa học lịch sử, bởi nó vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi.
Mặt khác, Lễ hội cũng gắn liền với quá trình phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam như: nhà Lê, nhà Mạc. Từ năm 1945 trở về trước, Lễ hội Nàng Hai được tổ chức theo định kỳ 3 năm/lần. Sau đó, do nhiều nguyên nhân, Lễ hội bị mai một dần, không còn được tổ chức thường xuyên. Khi đất nước thống nhất, Lễ hội Nàng Hai được khôi phục, phục dựng công phu với nhiều chi tiết theo nguyên bản và được tổ chức ở xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa vào các năm 1977, 1997, 2004; năm 2012, với tinh thần “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa là trách nhiệm của các cấp, ngành và của mọi người dân; Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tiên Thành có 3 xóm gìn giữ và phát huy được khá nguyên bản lễ hội. Lễ hội Nàng Hai bắt đầu từ lễ đón trăng, lễ cầu trăng và lễ tiễn trăng. Đặc biệt, nghi lễ cuối cùng là lễ tiễn trăng thu hút nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận tới dự.
Bài liên quan
  • “Âm vang Đại ngàn”- Bản hùng ca trong ngày Hội lớn
    (TN&MT) - Ngay trong Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần II năm 2020” vừa diễn ra sáng nay 4/12, các đại biểu đã được đắm mình trong không gian của chương trình nghệ thuật chào mừng mang tên “Âm vang đại ngàn”

(0) Bình luận
Nổi bật
Quảng Ngãi: Phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 23/11, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với báo Văn Hóa tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO