Quảng Nam: Người Cơ Tu ở Tây Giang trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu

Lan Anh | 18/09/2021, 06:40

(TN&MT) - Rừng Tây Giang như báu vật thiên nhiên che chở và bảo vệ cuộc sống của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam. Bởi thế, không chỉ bảo vệ rừng, người dân nơi đây vẫn đang ngày ngày lặng lẽ trồng rừng, giữ lá phổi xanh của núi rừng Trường Sơn.

Trồng rừng để giữ làng

Từ ngàn đời xưa đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã có ý thức rất cao về công tác bảo vệ môi trường sống của mình, nhất là cánh rừng già, rừng đầu nguồn, khe sông, ke suối.... Trong quan niệm của đồng bào Cơ Tu các khu rừng đều có thần rừng cai quản, nếu xâm hại rừng phạm pháp, rừng sẽ làm dân làng ốm đau, không sinh con đẻ cái được, làng dịch bệnh, thiên tai lũ lụt rình rập.....và nặng hơn là chịu các hình phạt của làng, đẩy ra khỏi làng nếu không chấp hành tốt.

Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang tham gia trồng rừng bảo vệ rừng đầu nguồn, chống xói lở.

Già làng Cơ lâu Nâm, ở bản Pơ Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang cho biết, trong văn hoá chọn đất lập làng của người Cơ Tu, họ luôn quan niệm ở đâu có rừng, có dòng sông, khe suối ở đó làng mới tồn tại và phát triển vững bền được. “Với người Cơ tu rừng không chỉ đơn thuần là môi trường sống, là cây cỏ, là động-thực vật cho họ sự sống, rừng còn là cội nguồn văn hoá của họ, rừng còn là thần linh che chở và bảo vệ họ khỏi thú giữ, kẻ thù, thiên tai.” –già làng cho hay.

Bà con đã được hướng dẫn kỹ về cách trồng, cách đào hố, lấp hố…

Do vậy, không chỉ bảo vệ rừng, bà con Cơ Tu còn tự nguyện, hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, tự bỏ tiền làm đường giao thông nông thôn để tiện đi lại, hướng cuộc sống ra ngoài, hướng về miền xuôi, bớt phụ thuộc vào rừng sâu. Đây cũng là cách bảo vệ rừng hữu hiệu, tiến tới có thể làm du lịch cộng đồng, sống nhờ vẻ đẹp của rừng, nhưng biến rừng thành tài nguyên phục vụ con người.

Trong năm 2020, sạt lở, lũ quét diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cướp đi tính mạng của nhiều người, làm hư hại công trình hạ tầng, nhà ở, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trước thực trạng đó, huyện Tây Giang đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, phát triển rừng bền vững và trồng dược liệu dưới tán rừng để tăng khả năng phòng hộ, giữ đất, giữ nước. Và đây cũng là cách tốt nhất để người dân vừa sản xuất vừa giữ rừng.

8 tháng đầu năm 2021, bà con huyện Tây Giang đã trồng mới được gần 300 ha rừng.

Chị Zơ râm Thị Lành, ở thôn Ganil, xã Axan, huyện Tây Giang chia sẻ: “Được cán bộ hướng dẫn, chúng tôi đã xử lý thực bì, cõng cây, đào hố để trồng rừng. Sau khi trồng cây, tôi sẽ thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện sâu bệnh, trồng dặm ngay đối với cây bị chết, cây yếu, để cây sống tốt, phát triển rừng với mục đích góp phần vào công tác bảo vệ rừng, chống xói mòn, sạt lở đất trên địa bàn.”

“Phủ xanh” vùng biên giới

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Giang cho biết: Là đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng, Ban quản lý đã vận động, tuyên truyền bà con tích cực tham gia công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, giữ cho màu xanh của những cánh rừng luôn phủ khắp các bản làng nơi đây. Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, Ban Quản lý đã cử cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng cho bà con và thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng rừng trồng.

Cây trồng chủ yếu là lim xanh, giổi xanh phù hợp với đặc hữu tự nhiên của vùng đất Quảng Nam, vừa mang lại giá trị kinh tế và có giá trị phòng hộ.

Tại với các xã Xã Avương, A nông, Bhalêê, Atiêng … bà con chủ yếu trồng rừng gỗ lớn với cây keo tai tượng. Còn với rừng phòng hộ và rừng trồng thay thế, chủ yếu trồng loại cây có khả năng chống chịu gió bão, sạt lở, giữ đất như lim xanh, giổi xanh… Đây là những loại cây trồng phù hợp với đặc hữu tự nhiên của vùng đất Quảng Nam, vừa mang lại giá trị kinh tế và có giá trị phòng hộ. Phần lớn cây giống trồng rừng được mua có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con do cơ quan quản lý nhà nước cấp, đảm bảo tiêu chuẩn cây con trồng rừng. Hầu hết diện tích rừng trồng được thực hiện đảm bảo theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt như công tác xử lý thực bì, mật độ trồng, loài cây, đào hố, bón phân.

Từ đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương trồng rừng lấy gỗ làm nhà của tỉnh, đến nay các địa phương trồng được 12.901 cây rừng phòng hộ, đặc dụng; 39.600 cây trồng rừng sản xuất; hơn 1,2 triệu cây phân tán. Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam lên kế hoạch trồng 51,6 triệu cây xanh. Trong đó, sẽ trồng hơn 3,3 triệu cây xanh phục vụ chức năng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất.

Kết quả, đến thời điểm 8 tháng đầu năm 2021, huyện Tây Giang đã trồng được 177,71 ha rừng gỗ lớn, 62 ha rừng thay thế và 17 ha rừng phòng hộ. Qua đó vừa góp phần tạo việc làm tại chỗ cho người dân vừa thể hiện trách nhiệm của người dân với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

“Thông qua công tác tuyên truyền, vân động bà con ở Tây Giang đã hiểu biết về quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng, từ đó tạo sức hút trong công tác phát triển rừng trên địa bàn. Các hộ dân tham gia đăng ký trồng rừng đã nghiêm túc trong việc trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng mình quản lý. Việc trồng rừng thay thế nếu được thực hiện tốt, thì sau 10 năm chúng ta sẽ có được những cánh rừng lớn, góp phần đảm bảo nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn”, ông Sinh cho hay.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Chủ động cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó với sạt lở đất
    (TN&MT) - Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu bao gồm tác động đến đời sống, sinh kế, tài nguyên thiên nhiên. Đặc điểm miền núi Thanh Hóa có địa hình dốc, đồi núi cao xen kẽ giữa sông, suối, hồ đập, là những vùng thường xuyên xảy ra những trận mưa lớn trong một thời đoạn ngắn nên dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã sớm chủ động cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó với sạt lở đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO