Yên Bái tỉnh miền núi, đầu nguồn của chi lưu sông Hồng, sông Chảy, sông Ðà, thuận lợi cho việc tích nước làm hồ thủy lợi và làm thủy điện vừa và nhỏ. Hiện, tỉnh Yên Bái có 186 công trình hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, nhiều hồ lớn như: Hồ Từ Hiếu, Ðầm Hậu, Chóp Dù… có diện tích mặt nước lớn, bảo đảm tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất lúa 2 vụ.
Tỉnh Yên Bái đầu tư hơn 20 tỷ đồng nâng cấp hồ chứa |
Các hồ chứa thủy lợi sau chuyển đổi mô hình quản lý, đến nay được giao các công ty TNHH một thành viên quản lý vận hành theo Luật Thủy lợi. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, những năm qua, việc duy tu bảo dưỡng các hồ chứa chưa được chú trọng trong bối cảnh lượng mưa lớn tập trung vào một vùng, dẫn đến tình trạng một số thân đập hồ đắp bằng đất bị vỡ, gây thiệt hại về tài sản.
Ðặc biệt, hồ Thái Lão, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ có diện tích mặt nước hơn 2,6 ha, đã bị vỡ đến hai lần. Năm 2020, tỉnh Yên Bái quyết định đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây mới hồ thủy lợi Thái Lão, bảo đảm an toàn cho khu dân cư phía sau hồ mỗi khi mùa mưa bão đến.
Cùng với đó, các hồ chứa lớn như: Ðầm Hậu, Từ Hiếu các đơn vị lập phương án phòng, chống lũ lụt hạ du riêng. Đối với hồ nhỏ hơn các đơn vị lập phương án nằm trong phương án chung phòng, chống thiên tai được cấp trên phê duyệt. Theo kế hoạch giai đoạn 2019 - 2030, nhằm bảo đảm an toàn cho 133 hồ có nguy cơ cao, Yên Bái đã lập kế hoạch chi hơn 22 tỷ đồng phục vụ nâng cao năng lực an toàn hồ, đập chứa nước an toàn.
Năm 2020 đập Khe Chinh đã được đầu tư trên 19 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục |
Những năm trước đây, Đập Khe Chinh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên được xem là một trong những đập yếu nhất trên địa bàn huyện. Mỗi khi mùa mưa bão đến, đơn vị quản lý phải thường xuyên gia cố đập đất, đặc biệt phải xả tràn dưới mực nước dâng 4 mét do hồ chứa không thể tích đầy nước, nguy cơ vỡ đập cao.
Năm 2020, từ nguồn vốn sửa chữa và nâng cao an toàn đập của tỉnh Yên Bái, đập Khe Chinh đã được đầu tư trên 19 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục đập chính, tràn xả lũ, đường quản lý vận hành lên đập… Nhờ đó, mùa mưa bão năm nay, người dân sinh sống gần đập đã phấn khởi, yên tâm hơn. Đồng thời, cũng nâng cao nhận thức, trách nhiệm với nhiều hoạt động chung tay bảo vệ an toàn hồ, đập.
Ông Trần Công Bằng - xã An Thịnh, huyện Văn Yên cho biết: Trước hết khi bờ đập đã được kiên cố, người dân chúng tôi nhắc nhở nhau không nên làm gì ảnh hưởng đến hồ đập. Nguồn nước ở các khe suối vận động bà con nhân dân trồng thêm cây ở đầu nguồn nhằm đảm bảo giữ được nguồn nước cho hồ chứa, để phục vụ tưới tiêu cho cho đồng ruộng của bà con.
Để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đơn vị quản lý, vận hành đã tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền bảo vệ an toàn đập, hồ tại các địa phương. Các cán bộ thủy nông thường xuyên theo dõi sát tình hình thời tiết, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, trực 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hư hỏng, sự cố ngay từ thời điểm đầu tiên.
Người dân sinh sống gần hồ thủy lợi yên tâm trước mùa mưa lũ |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có 4 đập, hồ chứa vừa dung tích từ 200.000 m3 đến dưới 3 triệu m3, 30 đập, hồ chứa nhỏ dung tích dưới 200.000 m3.
Để bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, huyện Văn Yên, đơn vị được giao quản lý hồ, đập đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du đập, phương án bảo vệ công trình.
Đơn vị quản lý đã kiểm tra thường xuyên thông qua phân tích, đánh giá đo đạc, quan trắc đập và trực quan hiện trường. Chủ động phòng, chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”, kiểm tra phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình để xử lý kịp thời….
Từ nguồn vốn “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” tỉnh Yên Bái, thời gian qua, huyện Văn Yên đã có 8 công trình đập, hồ chứa được sửa chữa nâng cấp với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng.
Bà Tô Phương Dung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Lợi, huyện Văn Yên cho biết: Hiện Công ty đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên theo dõi diễn biến khí hậu, lưu lượng nước đến trong hồ cũng như mực nước trong hồ để có phương án đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ.
Với sự đầu tư của Nhà nước trong việc sửa chữa, nâng cao an toàn đập cùng với sự giám sát chặt chẽ của đơn vị quản lý vận hành. Mùa mưa bão năm 2021, các hệ thống đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện được đảm bảo an toàn sẽ giúp hệ thống thủy lợi trên địa bàn vận hành và hoạt động hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra đối với tài sản, tính mạng của người dân.