Thanh Hóa: Chủ động cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó với sạt lở đất

Thanh Tâm | 15/09/2021, 08:45

(TN&MT) - Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu bao gồm tác động đến đời sống, sinh kế, tài nguyên thiên nhiên. Đặc điểm miền núi Thanh Hóa có địa hình dốc, đồi núi cao xen kẽ giữa sông, suối, hồ đập, là những vùng thường xuyên xảy ra những trận mưa lớn trong một thời đoạn ngắn nên dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã sớm chủ động cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó với sạt lở đất.

Chủ động cảnh báo lũ quét và sạt lở đất

Trong năm 2020 tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 27 trận thiên tai, 7 đập thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở; đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới bị sạt lở, đường giao thông liên thôn, xã bị hư hỏng tại 379 vị trí với khối lượng khoảng 100.270 m3 và nhiều tài sản khác; ước tính giá trị thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.

Nhận thức rõ được những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã sớm xây dựng phương án ứng phó và cảnh báo những vùng có nguy cơ cao.

Thanh Hóa chủ động cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó với sạt lở đất để hạn chế tối đa thiệt hại

Trong đó, yêu cầu chính quyền các cấp kiểm tra, rà soát hiện trạng các vùng dân cư, lập quy hoạch phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Trước mùa lũ hàng năm, phải rà soát, phổ biến lại phương án ứng phó, sơ tán dân đối với lũ quét cho cộng đồng.

Chỉ đạo, kiểm tra ngăn chặn việc xây mới và có kế hoạch để từng bước di chuyển dân ra khỏi vùng bãi bồi ven sông, suối, vùng sườn đồi, núi, vùng ven taluy đường giao thông có nguy cơ sạt lở. Nghiêm cấm việc san lấp sông, suối và đổ chất thải rắn làm ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ.

Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát khả năng tiêu thoát lũ của các cầu, cống; kiểm tra cao độ các ngầm qua sông, suối để đảm bảo thoát lũ. Kiểm tra kết quả thực hiện việc bảo đảm an toàn cho dân ở vùng ven sông, suối, vùng hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ bị sạt lở.

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.

Đầu tư các dự án làm đường giao thông vào đến các thôn, bản đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt khi có mưa, lũ. Đầu tư hệ thống cảnh báo, biển cảnh báo đối với vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt thiết bị quan trắc, thiết bị báo động để chủ động phòng tránh, sơ tán dân.

Bên cạnh đó, yêu cầu chính quyền các cấp bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực khi xuất hiện mưa lớn để xử lý các tình huống đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tăng cường cán bộ trực tiếp đến các điểm xảy ra sự cố để chỉ đạo, xử lý, khắc phục hậu quả. Giữ thông tin liên lạc thông suốt, báo cáo kịp thời, thường xuyên về diễn biến của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và các sự cố công trình đến các cấp có thẩm quyền để chỉ đạo.  Sẵn sàng nguồn lực để hỗ trợ các địa bàn lân cận khi có yêu cầu.

Chủ động xây dựng phương án ứng phó

Xác định Thanh Hóa là một trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là ở khu vực miền núi tình hình lũ quét, sạt lở đất thường có diễn biến bất thường; ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng phương án ứng phó trong tình huống xảy ra theo từng cấp độ.

Cụ thể, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện phương án đối phó với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất theo phương châm 4 tại chỗ. Chỉ đạo thực hiện các phương án sơ tán dân, phương án xử lý đảm bảo an toàn hồ đập. Chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố do lũ quét và sạt lở đất gây ra.

Đồng thời, cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực cấm người, phương tiện qua lại ở các ngầm, tràn qua sông, suối. Tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường do lũ, lụt gây ra.

Thanh Hóa là một tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng bởi sạt lở đất.

Ông Trịnh Khôi Nguyên - Phòng Phòng chống thiên tai (Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Thanh Hóa) cho biết: Theo thống kê, năm 2021, có 8.503 hộ/35.765 người sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Các huyện miền núi là những vùng thường xuyên xảy ra những trận mưa lớn trong một thời đoạn ngắn nên dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã sớm chủ động cảnh báo và xây dựng phương án ứng phó với sạt lở đất nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất gây ra.

Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình những nơi không an toàn, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khuyến cáo như: đồi dốc, chân vách núi, bờ bãi thấp ven sông, suối, trên đường đi của dòng chảy lũ, các chân taluy dễ bị sạt lở. Tham gia việc trồng và bảo vệ rừng. Chủ động khơi thông lòng sông, suối chảy qua khu vực sinh sống. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.

Chủ động sơ tán ở vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn, có báo động hoặc có lệnh của chính quyền địa phương. Không đi qua sông, suối, ngầm tràn khi có lũ hoặc thấy không an toàn. Báo cáo ngay với chính quyền địa phương khi phát hiện các sự cố do lũ quét và sạt lở đất gây ra. Tham gia và chấp hành chỉ đạo của chính quyền trong việc huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng cứu, cứu hộ. Chủ động cho con em nghỉ học khi thấy không an toàn. Chủ động tham gia công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh do lũ quét và sạt lở đất gây ra.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 8 trạm đo khí tượng, 18 trạm thủy văn, 94 trạm đo mưa tự động, 27 trạm đo mưa chuyên dùng. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, bao gồm 15 trạm đo mưa tự động thu thập các số liệu tại 15 xã thuộc 3 huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa để truyền về trung tâm xử lý, tính toán các khả năng gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, phục vụ công tác cảnh báo sớm, tham mưu cho việc chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO