Bù Đốp huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 18,24%. Đồng thời, cũng là huyện có xuất phát điểm và quy mô nền kinh tế thấp hơn so với các huyện khác trong tỉnh Bình Phước. Trong thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh và chương trình xóa đói giảm nghèo trong toàn huyện luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách an sinh xã hội như: hỗ trợ tư liệu sản xuất; đầu tư điện, nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, đầu tư hệ thống thủy lơi... được triển khai đồng bộ và gặt hái được nhiều thành công, mang lại hiệu quả tốt.
Nhờ được hỗ trợ sinh kế từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển kinh tế, gia gia đình ông Quang đã vươn lên thoát nghèo. |
Nếu năm 2016 toàn huyện có 1.814 hộ nghèo, (chiếm 9,0l%) thì đến nay đã giảm được 1.080 hộ nghèo, trong đó có 400 hộ là người đồng bào DTTS. Riêng trong năm 2020, huyện Bù Đốp đã giảm được 290 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo toàn huyện từ 734 hộ xuống còn 444 hộ, chiếm tỷ lệ 2,72% và giảm từ 823 hộ cận nghèo xuống còn 538 hộ, chiếm tỷ lệ 3,3% so với tổng số hộ toàn huyện.
Gia đình ông Mông Văn Quang là một trong những hộ khó khăn nhất của ấp 4, xã Hưng Phước trong nhiều năm nay, gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 4 sào điều. Giữa năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo nhờ được chính quyền địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế như: xây nhà tình nghĩa trị giá 80 triệu đồng, hỗ trợ kéo điện, đầu tư hệ thống nước tưới… Cũng giống như gia đình ông Quang, được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau, hai vợ chồng anh Kim Dương, ấp 6 xã Hưng Phước đã có căn nhà khang trang. Ngoài ra, gia đình anh còn được ngân hàng chính sách xã hội cho vay tiền để chăm sóc 5 sào cao su, 3 sào tiêu và đầu tư nước sạch vệ sinh môi trường…
Các hệ thống thủy lợi dẫn nước đã giúp cho ruộng lúa của người dân huyện Bù Đốp đạt năng suất cao. |
Theo chị Đoàn Thị Tấm - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phước, ở Hưng Phước nói riêng và huyện Bù Đốp nói chung, người nghèo họ thiếu thốn đủ thứ, từ nhà ở cho đến tư liệu sản xuất. Do đó, để thoát nghèo cho bà con thì đòi hỏi phải hỗ trợ đa dạng hóa nguồn sinh kế, từ cây, con giống cho đến nhà cửa, nguồn nước sản xuất, nguồn nước sinh hoạt… từ đó bà con mới có thể yên tâm lao động sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo. Ngoài việc hỗ trợ sinh kế, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con không trông chờ ỉ lại, nâng cao ý thức chịu khó làm ăn.