Đổi thay những bản làng
Là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, Nho Quan có 7 xã được công nhận là vùng đồng bảo DTTS và miền núi với 28.861 người là người DTTS; trong đó, dân tộc Mường chiếm 97,18%. Khi mới tái lập tỉnh, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc ở Nho Quan vô cùng khó khăn. Kinh tế tự cung, tự cấp là chủ yếu, sản xuất hàng hóa hầu như không đáng kể, sản lượng lương thực bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau 30 năm, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đời sống của đồng bào đã được nâng lên đáng kể.
Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước như: Chương trình 327; Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... người dân các xã vùng cao của Nho Quan đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa những cây trồng, con nuôi đặc sản vào để phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó đã từng bước nâng cao đời sống. Đến nay, mức thu bình quân đầu người trên địa bàn các xã vùng cao đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc. Đến nay, đời sống đồng bào DTTS ở Nho Quan có nhiều khởi sắc.
Ông Bùi Văn Tăng, Phó trưởng phòng Dân tộc, huyện Nho Quan cho biết, song song với việc nâng cao đời sống của đồng bào DTTS là gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống. Những năm qua, cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của đồng bào DTTS nói chung, di sản văn hoá phi vật thể nói riêng.
Hàng năm, Nho Quan tiến hành hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hoá của vùng đồng bào DTTS tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hoá dân tộc mình, có ý thức giữ gìn và phát huy.
Các phong trào thi đua “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa lan tỏa mạnh mẽ đã cổ vũ, khuyến khích, thay đổi nhận thức của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ.
Đặc biệt, để bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường, huyện đã xây dựng Đề án “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường”; Đề án “Bảo tồn văn hoá cồng chiêng dân tộc Mường”. Từ năm 2017, huyện đã tổ chức Ngày hội văn hoá, thể thao các dân tộc. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, phát huy mô hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tạo sự lan toả để tuyên truyền, quảng bá gắn với bảo tồn các nét đẹp văn hoá của đồng bào DTTS trên địa bàn, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch.
Công tác xây dựng đời sống văn hoá cho đồng bào vùng DTTS được tích cực triển khai. Hạ tầng thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng. Cụ thể: huyện đã đầu tư xây dựng 2 nhà sản là không gian sinh hoạt văn hoá cho đồng bào dân tộc Mường ở bản Xanh (xã Kỳ Phú), bản Đồng Trung (xã Quảng Lạc); sửa chữa, phục dựng lại nhà sàn truyền thống, đưa vào sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Nga II, thôn Đồng Bót (xã Cúc Phương)…
Kỳ vọng giai đoạn phát triển mới
Theo ông Bùi Văn Tăng, hiện nay công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá DTTS còn gặp không ít khó khăn, thách thức do nguồn lực đầu tư còn hạn chế; công tác giáo dục, vận động quần chúng chưa thường xuyên và sâu rộng; đa số nghệ nhân tuổi đã cao, việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hoá truyền thống chưa được bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng…
Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, trong thời gian tới, Nho Quan sẽ tập trung huy động nguồn lực tài chính, nhất là nguồn xã hội hoá, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn”.
Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hoá, nhất là cán bộ người DTTS, tiếp tục đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các DTTS…
Hiện, trên 80% người dân tộc Mường ở Nho Quan (Ninh Bình) sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Huyện Nho Quan đã thành lập 7 CLB văn hoá, văn nghệ dân tộc Mường như: CLB hát Sắc Búa, CLB hát Giao duyên tiếng Mường, CLB hát Đúm văn hoá dân tộc Mường. Các lễ hội truyền thống được duy trì hàng năm như: Lễ hội đầu xuân, Lễ Khai hạ…
Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện công tác dân tộc, tin tưởng, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đời sống gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.