Cần nhiều hơn các dự án như tại huyện Nghĩa Đàn
Nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Đàn nằm tọa lạc tại xóm Bình Hải, xã Nghĩa Bình, huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An), nằm cách xa khu dân cư, nhà máy có quy mô 3,1ha, công suất xử lý rác thải từ 75 đến 100 tấn/ngày, với tổng số vốn đầu tư trên 68 tỷ đồng. Xây dựng từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, chỉ qua 7 tháng, nhà máy đã đi vào hoạt động.
Sản phẩm Lò đốt rác “Made in Vietnam” do T-TECH sản xuất được đội ngũ chuyên gia dày công nghiên cứu, thiết kế cầu kỳ. Tích hợp nhiều nguyên lý khoa học một cách bài bản, tạo thành một chu trình công nghệ khép kín và tối ưu, từ khâu: Sấy rác - Đốt rác - Đốt tro - Đốt khí - Tản nhiệt - Bẫy bụi và Xử lý khí độc. Giúp cho Lò đốt rác T-TECH có thể đốt kiệt rác mà không tạo ra ô nhiễm thứ cấp, khí thải đầu ra luôn đạt theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN: 61-MT:2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, với công nghệ này, rác thải sinh hoạt sau khi được được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết. Sau đó đưa đến khu vực xử lý, rồi đánh tơi, xé bao bằng máy nghiền và xé bao tự động, giúp cho quá trình phân loại và nhận diện chủng loại chất thải được hiệu quả hơn.
Rác sau khi phân loại, túi nilon, nhựa được đưa vào dây chuyền sản xuất hạt nhựa; bên cạnh đó, phần tro xỉ sau khi đốt rác cũng được sử dụng sản xuất gạch không nung. Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác của CNC, lượng rác đốt tiêu hủy triệt để đến 95%.
Như vậy, một quy trình khép kín của hệ thống xử lý rác thải tại mỗi công đoạn của nhà máy xử lý rác Nghĩa Đàn đã cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư là Công ty T-Tech.
Có thể nói, Nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Đàn đã đưa lại những thành quả đáng được ghi nhận trong việc giải quyết vấn nạn rác thải gây ô nhiễm, góp phần xây dựng bảo vệ môi trường. Đồng thời là mô hình điểm trong việc xử lý chất thải ở vùng nông thôn nói chung và vùng cao nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền Trung.
Những người trong cuộc nói gì?
Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị được xếp vào vùng miền núi, trong đó có 6 huyện vùng cao gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.
Tại huyện biên giới Quế Phong, đầu năm 2013, công trình bãi rác thải tập trung được khởi công xây dựng tại bản Bon, xã Tiền Phong (bản Bon được sáp nhập vào thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) vào tháng 5/2020). Theo thiết kế, bãi rác này có 4 ô chôn lấp với tổng diện tích gần 20.000m2. Tuy nhiên, hiện dự án mới được cấp hơn 14/56 tỷ đồng và đang dừng thi công từ năm 2015 cho đến nay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, ước muốn của huyện đương nhiên là có một Nhà máy xử lý rác thải đạt chuẩn để "xua" đi nỗi lo ô nhiễm cho người dân. Thế nhưng, do nguồn vốn bố trí trước đây là ngân sách từ nguồn vượt thu của tỉnh nhưng khi đó chưa được bố trí hết nên việc xây dựng bãi rác phải dừng lại từ nhiều năm nay. Huyện Quế Phong sẽ cố gắng tiếp tục huy động vốn từ những nguồn hợp pháp khác để hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên, cho đến nay mọi việc vẫn chưa có tiến triển là bao.
Tương tự, các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương hay Con Cuông tình trạng khó khăn trong quy hoạch, xây dựng bãi xử lý rác thải tập trung đang là bài toán hết sức khó khăn. Ngoài khó khăn về quỹ đất thì những vấn đề liên quan đến nguồn vốn, công nghệ xử lý…cũng đang khiến cho các địa phương loay hoay và đang gặp khá nhiều trở ngại, bế tắc.
Cũng như một số địa phương lân cận, đối với các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa, việc thu gom rác phụ thuộc lớn vào công tác tuyên truyền, ý thức của từng hộ gia đình. Các hộ dân tự đào hố rác gần nhà, xử lý bằng cách chôn, đốt, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ dân chưa có hố rác gia đình, rác thải sinh hoạt xả trực tiếp ra ngoài tự nhiên, nên việc thu gom rác tại nông thôn đã khó càng thêm khó. Trong khi đó rác thải sinh hoạt hầu hết là túi nilon, chai nhựa, kim loại rất khó phân hủy. Hầu hết rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như chất thải chăn nuôi, phụ phẩm sau khi thu hoạch cũng xả trực tiếp ra môi trường...
Theo lãnh đạo phòng TN&MT huyện Cẩm Thủy, hiện nay trên địa bàn huyện có một bãi rác lớn nằm ở thị trấn Cẩm Thủy, phục vụ xử lý rác của người dân các xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Thủy và các bãi rác nhỏ tập kết của 10 xã về để xử lý. Huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn báo cáo thực trạng, khối lượng rác để huyện cấp kinh phí mua chế phẩm sinh học, thuê nhân công để xử lý rác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, huyện mong các doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng các lò đốt rác theo tiêu chuẩn quốc gia.
Còn theo Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu gom và xử lý rác thải nông thôn, miền núi chưa triệt để, nhưng chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh chưa cao. Về khách quan, khu vực miền núi còn nhiều khó khăn trong xây dựng hạ tầng, bãi rác tập trung chưa có hoặc ở cách quá xa khu dân cư, phương tiện thu gom rác chưa được đầu tư trong khi nhu cầu xử lý rác thải ngày càng cao.
“Để xử lý có hiệu quả rác thải trên địa bàn miền núi trong thời gian tới, Sở sẽ điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xử lý chất thải bằng các công nghệ hiện đại như tái chế, sản xuất điện năng, phân bón từ rác thải, giảm các khu xử lý rác có công suất nhỏ. Sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn; đồng thời phát động các phong trào quần chúng giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn” - Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá cho biết.