Phát triển Kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hoá vùng DTTS&MN - Bài 2: Bắc Sơn (Lạng Sơn): Phát triển du lịch cộng đồng

Hoàng Nghĩa | 17/08/2022, 08:53

(TN&MT) - Với nhiều lợi thế về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên cùng nhiều địa danh, dích tích lịch sử, cách mạng, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Người Tày làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa

Thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày. Đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình từ việc xây dựng nhà cửa, phong tục, tập quán sinh hoạt, hát then đàn tính… Nhờ đó đã tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà còn nâng cao thu nhập cho người dân.

bs1.jpg

Toàn cảnh điểm DLCĐ Hoan Trung (xã Chiến Thắng, Bắc Sơn).

Hoan Trung thuận lợi để di chuyển đến điểm du lịch sinh thái Hang Hú; Điểm du lịch Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ (nơi thành lập Đội cứu quốc quân 1). Đặc biệt, thôn Hoan Trung có điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm với nguồn nước suối trong vắt chảy ra từ trong núi tạo nên một khung cảnh trữ tình, điểm nhấn là đài phun nước và các thác nước nhân tạo có các dịch vụ bơi lặn, tham quan khám phá hang Keng Tao,…

Nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cuối năm 2019, được sự hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp, ngành, xã Chiến Thắng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con bắt tay vào đầu tư xây dựng, cải tạo khu vực nhà ở, đăng ký làm du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Sau hơn một năm xây dựng và hoàn tất các hạng mục, ngày 15/9/2021, điểm DLCĐ thôn Hoan Trung đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận và chính thức đi vào hoạt động. Hiện Hoan Trung đã có 5 hộ gia đình đã được công nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch Homestay; có 1 nhà lưu trú du lịch đảm bảo theo yêu cầu.

bs-2.jpg
Khách du lịch trải nghiệm chèo bè tre, ngắm cảnh tại điểm DLCĐ Quỳnh Sơn.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ DLCĐ, ngoài việc tập trung phát triển mô hình này, đồng bào Tày ở xã Bắc Quỳnh cũng quan tâm giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc để quảng bá, giới thiệu đến du khách thập phương.

Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống của người Tày với những ngôi nhà sàn cổ nép mình dưới chân núi, các làn điệu hát ví, hát then, múa tán Đàn, múa chầu... Đặt biệt là lễ hội Lồng tồng với nghi thức cầu mùa màng và các trò chơi, trò diễn dân gian được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Tại làng DLCĐ Quỳnh Sơn cũng đã có đội văn nghệ để lưu truyền những làn điệu dân ca của dân tộc Tày và mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch với nhiều tiết mục hay và phong phú.

Là 1 trong 5 hộ gia đình đầu tiên thực hiện mô hình DLCĐ, ông Dương Công Vấn cho biết, ngoài quan tâm đầu tư về nhà cửa, chỗ ăn nghỉ, ông cũng chú trọng giới thiệu với khách du lịch về bản sắc văn hóa của địa phương, truyền thống của dân tộc Tày, cách chế biến các món ăn phù hợp với du khách, từ đó khách du lịch đã đến với gia đình ông ngày càng nhiều.

Sau hơn 10 năm triển khai, làng DLCĐ Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh) có gần 10 hộ gia đình xây dựng Homestay đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách. Trước thời điểm dịch Covid- 19 xảy ra, năm cao điểm nhất, nơi đây đã đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Từ khi có loại hình du lịch này, một bộ phận đồng bào nơi đây đã chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc đồng áng, phát triển dịch vụ, du lịch.

bs3.jpg

Đội văn nghệ DLCĐ xã Quỳnh Sơn biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Tày phục vụ du khách.

Giữ gìn bản làng xanh – sạch – đẹp

Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, huyện Bắc Sơn đã đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần tạo cảnh quan, hướng đến một nền du lịch xanh, bền vững.

Trong đó, huyện đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về BVMT cho cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là nơi có khu, điểm DLCĐ. Các điểm DLCĐ cũng như chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc để bảo đảm môi trường luôn được sạch sẽ, hấp dẫn du khách. Đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về BVMT như không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, tổ chức ra quân vệ sinh thôn bản, cụm dân cư. Cùng với đó, tại các điểm DLCĐ đã bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho khách du lịch, có bảng hướng dẫn phân loại rác, xử lý rác thải theo quy định.

bs-4.jpg

Du khách nước ngoài thích thú khi thưởng thức các món ăn của đồng bào Tày Bắc Sơn.

“Tôi xác định sẽ phát triển du lịch cộng đồng theo hình thức Homestay. Vì vậy, để thu hút, tạo dấu ấn trong lòng du khách khi đến nghỉ, tham quan, gia đình tôi đã luôn vệ sinh môi trường, trong và ngoài Homestay. Xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát và thu gom, đổ rác thải đúng quy định.” - anh Dương Thời Đều, chủ Homestay Đều Luyến, thôn Hoan Trung (xã Chiến Thắng) cho biết.

Để phát triển DLCĐ tại Hoan Trung, Quỳnh Sơn và Vũ Lăng, chính quyền các địa phương này đã tích cực tuyên truyền, vận động và người dân đã di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại các hộ gia đình hoạt động DLCĐ đều có thùng đựng rác, người dân tự thu gom, phân loại rác thải, sau đó được đơn vị thu gom vận chuyển về nơi xử lý theo quy định.

bs-5.jpg

Ra quân làm vệ sinh môi trường ở điểm DLCĐ Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, Bắc Sơn).

Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng, tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền đến người dân về giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch địa phương; Nghiên cứu, lên kế hoạch phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể đã mai một; tạo không gian văn hóa lành mạnh để các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát then, hát lượn được bảo lưu, trao truyền, phát triển; Quan tâm bảo tồn làng văn hóa dân tộc, làng làm nghề truyền thống… Đồng thời tuyên truyền sâu rộng để đồng bào nâng cao ý thức BVMT, góp phần phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vui tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc
(TN&MT) - Đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn rã trước ngày hội lớn. Trong những năm gần đây, với đa dạng các hoạt động vui đón Tết, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội của bà con dân tộc Mông, mà đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng về chung vui.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO