Phát triển Kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hoá vùng DTTS&MN – Bài 3: Phát huy giá trị văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch

Bài và ảnh: Phạm Hoạch | 19/08/2022, 18:33

(TN&MT) - Những năm qua, huyện vùng cao Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn khai thác lợi thế văn hóa để phát triển ngành du lịch dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, từng bước phát triển kinh tế du lịch và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Quảng Ninh có thế mạnh cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc, khác biệt của đồng bào các dân tộc thiểu số với văn hóa, phong tục riêng biệt. Hiện tỉnh có 632 di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh, cùng 76 lễ hội truyền thống của hơn 20 dân tộc diễn ra thường niên đã giúp tỉnh thu hút hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm. Trong đó, nổi bật phải kể tới các lễ hội văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra hàng năm tại huyện miền núi Bình Liêu.

Nằm cách TP.Hạ Long hơn 100 km, huyện Bình Liêu có địa hình chủ yếu là đồi núi cao với những thác nước tự nhiên đẹp hùng vĩ, như: thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc. Những thửa ruộng bậc thang khi vào mùa lúa chín được ví như những “cánh đồng vàng” trên núi hòa lẫn cùng những cánh rừng hồi, quế thơm ngát trên những đỉnh núi cao. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, làm đắm say du khách mỗi khi đến với Bình Liêu.

anh-bl-01.jpg

Mùa vàng trên những cánh đồng ruộng bậc thang của huyện vùng cao Bình Liêu

Với 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Bình Liêu đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc như: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh, xã Hoành Mô, bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái, xã Vô Ngại, Sông Moóc, xã Đồng Văn, hình thành các cơ sở lưu trú, điểm du lịch cộng đồng (homestay) đặc sắc tại các xã Lục Hồn, Đồng Văn.

Chia sẻ với PV, ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu cho biết, địa phương triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch gồm bảy nhóm sản phẩm theo chuyên đề nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Tại các địa điểm du lịch sẽ khôi phục, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm các nét sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc.

Cùng với đó, huyện Bình Liêu đã bước đầu tạo dấu ấn với du khách bốn phương bằng chính những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng Cọ, lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, hội Mùa vàng... được tổ chức với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị.

Đặc biệt phải kể đến phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu đã diễn ra từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây mới chính thức đưa vào các lễ hội, các chương trình tuần văn hóa - thể thao. Chị em dân tộc Sán Chỉ mặc váy, chân đi tất, đầu quấn khăn mấn truyền thống ra sân thi đấu bóng đá đã tạo sự thu hút và khiến đông đảo du khách thích thú mỗi khi đến với Bình Liêu

Bên cạnh đó, tập quán sinh hoạt, canh tác của đồng bào DTTS và đặc trưng mùa hoa sở nở vào mùa đông gắn với tục lệ cơm mới là những nét khác biệt để huyện Bình Liêu phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Lần đầu đến với huyện miền núi biên giới Bình Liêu, chị Nguyễn Thị Tố Loan ở TP.Hạ Long chia sẻ, đến với Bình Liêu tôi được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, với thác nước trong vắt, rừng quế, hồi thơm mát và còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, thưởng thức món ăn độc đáo của đồng bào và nhất là được cổ vũ cho chị em dân tộc Sán Chỉ đá bóng, đây thực sự là những trải nghiệm thú vị, độc đáo ít nơi có được.

anh-bl-02.jpg

Mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên Bình Liêu được nhiều du khách ưa thích

Được biết, theo Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2020 - 2030, trong đó, tập trung ưu tiên phát triển văn hoá các DTTS, tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc tự bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Cụ thể, tập trung nghiên cứu di sản văn hóa 3 dân tộc điển hình trên địa bàn là Dân tộc Tày, Dao và Sán Chay. Điển hình trong bảo tồn văn hoá dân tộc Tày, bên cạnh việc bảo tồn các giá trị về văn hoá, trang phục, nhà cửa thuộc về vật thể, huyện còn tiến hành bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết, truyện cổ, dân ca, ca dao, hát Then, đàn tính.

Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Liêu, cho biết, những năm tới đây, địa phương sẽ tiếp tục triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện. Tập trung vào phát triển mô hình làng văn hoá - du lịch có sự hài hoà giữa văn hoá với không gian, các Tour du lịch tham quan toàn bộ cảnh đẹp thiên nhiên, lễ hội của địa phương.

Với hướng đi đúng đắn, hiệu quả bằng cách phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc gắn với làm du lịch là đòn bẩy đối với đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống, góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc của huyện miền núi Bình Liêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Quảng Nam: Đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn dưới 10%
Ngày 24/9, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam lần thứ IV - năm 2024.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO