Đi từ không tới có
Huyện Vũ Quang được thành lập năm 2000 với 11 xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của 3 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh). “Ra riêng” trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, xét tổng thể thì 11 xã đều chung điểm xuất phát.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vũ Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường cùng song hành với các tiêu chí khác. Trăn trở, tìm cho mình hướng đi thích hợp nhằm cụ thể hóa khát vọng thoát nghèo, biến vùng đất nhiều tiềm năng, không ít thử thách trở thành một miền quê đáng sống.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang, cho biết: “Tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM luôn khó thực hiện. Thế nhưng, bắt đầu từ việc xây dựng mô hình mẫu, phát huy hiệu quả thì việc tiếp theo là nhân rộng mô hình trên toàn huyện”.
Ghi nhận những kết quả tốt từ việc thực hiện, phải kể đến kế hoạch thu gom, xử lý chất thải rắn đạt chuẩn ở xã Đức Hương. Ông Lê Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: “Để thực hiện “Đi từ không tới có”, Đức Hương đã đưa tiêu chí môi trường vào “quy ước”.
“Cùng với sự vào cuộc của lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động của các cơ quan đơn vị của huyện đã phát huy vai trò của người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, lấy nhân tố tích cực là người dân để tự tuyên truyền, lan tỏa trong nhân dân triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch đã đề ra”, ông Lợi nhấn mạnh.
Theo đó, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động có hiệu quả như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, phong trào “5 không, 3 sạch”, phong trào “phân loại xử lý rác tại nguồn” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường.
Giải được bài toán cho môi trường đã giúp Đức Hương hoàn thiện các tiêu chí vào năm 2016 và trở thành đơn vị dẫn đầu toàn huyện, đồng thời tạo nên “cú hích” lớn làm thay đổi toàn diện, cảnh quan, vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, môi trường ngày một xanh - sạch - đẹp.
Công trình “xóa sổ” các bãi rác tạm
Việc phân loại, xử lý rác tại nguồn được xem là biện pháp hiệu quả mà huyện Vũ Quang đang áp dụng, nhưng để đảm bảo được vấn đề môi trường trên địa bàn, phong trào xây dựng nông thôn mới được nâng cao về lâu dài cần phải xử lý tập trung. Do vậy, một dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn là việc cần phải bắt tay vào cuộc.
Sau nhiều năm dành sự quan tâm đặc biệt, ngày 9/11/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định 3780/QĐ-UBND phê duyệt đề án xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại thôn Hương Hoà, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang. Dự án được triển khai trên diện tích 34.000 m2; công suất xử lý 10 tấn rác/ngày; tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và chủ đầu tư huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, do UBND xã Đức Hương làm chủ đầu tư.
Theo quyết định 3780/QĐ- UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, công trình được khởi công vào cuối tháng 12/2020 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5/2021. Tuy nhiên quá trình thi công do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, địa hình đồi núi cách trở, đặc biệt là việc thu hoạch keo của người dân nên có thời điểm dự án bị chậm tiến độ.
Sau khi có chủ trương gia hạn thời gian thi công, chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát đã huy động tối đa nhân công, máy móc, vật liệu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Theo đại diện chủ đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc.
Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón ở hộ gia đình” tại tỉnh Thanh Hoá hiện nay cũng đang cho thấy sự hiệu quả và đang tạo ra sức lan toả ngày càng lớn đối với cộng đồng. Có thể kể đến mô hình này ở các vùng cao như xã Xuân Dương (huyện Thường Xuân), xã Vạn Thiện (Nông Cống) và thị trấn Vân Du (Thạch Thành).
Được biết, mỗi ngày toàn huyện Vũ Quang thải 14 tấn rác, ngoài số ít rác được phân loại xử lý tại nguồn thì phần lớn đang được xử lý tại bãi chôn lấp chính ở thị trấn Vũ Quang và xử lý cục bộ tại 4 trạm trung chuyển ở xã: Quang Thọ, Hương Minh, Đức Lĩnh và Ân Phú. Rác thải dồn ứ đang khiến cho các bãi tạm trước nguy cơ quá tải, ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang nhấn mạnh: Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ rác thải ở Vũ Quang, đồng thời đóng cửa các khu xử lý rác thải tạm thời, trạm trung chuyển để đảm bảo vệ sinh môi trường.