Những chuyển biến tích cực
Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Trong đó, Sơn La là tỉnh có số xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN nhiều nhất cả nước, với 202 xã.
Tổng hợp báo cáo của 49 tỉnh vùng DTTS&MN trên cả nước, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến tích cực, đúng hướng; an sinh xã hội được đảm bảo. Việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được nhiều kết quả ý nghĩa, nhất là xây dựng lòng tin trong đồng bào đối với các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và đặc biệt các ca nhiễm tăng cao, lan nhanh ở hầu khắp các tỉnh/thành vùng DTTS&MN trong quý I/2022, nhưng tình hình kinh tế, đời sống của đồng bào 6 tháng qua cơ bản được ổn định. Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát từ đầu quý II/2022, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường và kinh tế dần được mở cửa, hoạt động sản xuất kinh doanh bà con được hồi phục.
Hàng loạt các đề án như: “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa”; “Đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh Hòa Bình”; “Miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer tại TP Hồ Chí Minh”; “Lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, chính sách dân tộc cho các xã đồng đồng bào dân tộc Mông sinh sống”... đã góp phần kịp thời chăm lo, hỗ trợ đồng bào DTTS&MN các địa phương nâng cao đời sống.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, giá một số loại nông sản không ổn định, có lúc giảm mạnh, khó tiêu thụ (như thanh long, dưa hấu, mít...). Nhiều hàng hóa nông sản không xuất khẩu được sang Trung Quốc do chính sách siết chặt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 làm ứ đọng nông sản trong nước tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ VHTT&DL ban hành tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn văn hóa, lồng ghép các dự án bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
Ở các địa phương đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc rất ít người như Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La… do chính các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ được triển khai trong tại các địa phương cho kết quả tốt.
Bên cạnh đó, thiên tai, thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN. Tại miền Bắc, rét đậm, rét hại đã làm chết 6.389 con gia súc; đầu quý II/2022 lại xảy ra hiện tượng mưa lớn kèo dài, sạt lở tại một số nơi, gây thiệt hại về người, hoa màu và tài sản. Ở các tỉnh Tây Nguyên, thời tiết diễn biến phức tạp, khô hanh, nắng nóng kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng tại một số địa bàn. Các tỉnh Nam bộ bắt đầu bị xâm thực mặn, mưa trái mùa, giá một số loại nông sản chưa ổn định ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS.
Ước tính thiệt hại do thiên tai trong 6 tháng đầu năm 2022 đối với vùng DTTS&MN khoảng trên 200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thiệt hại của các hộ gia đình vùng DTTS&MN.
Mặc dù vậy, các hoạt động văn hóa, lễ hội và du lịch vẫn diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia, tạo không khí phấn khởi, vui tươi. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chú trọng bảo tồn bản sắc văn hoá
Kể từ năm 2021, các chính sách dân tộc hầu hết được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Trong thực tế, các Dự án, Tiểu dự án và Nội dung thành phần của Chương trình đều có tính liên kết chặt chẽ với định hướng rõ ràng trong việc tạo sinh kế, tạo việc làm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng. Điều này được thể hiện khá rõ trong từng dự án, tiểu dự án của chương trình.
Chẳng hạn như ở Dự án 6 của Chương trình - “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, trong khuôn khổ Chương trình MTQG lần này, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS không chỉ có mục tiêu bảo tồn nói chung. Trong khuôn khổ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, để đạt được sự bền vững của các nội dung đầu tư, mục tiêu bảo tồn được gắn với mục tiêu phát triển du lịch.
Cụ thể hơn là các nội dung đầu tư đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhìn chung, chính sách có thể đa dạng, nội dung chính sách cần phải tập trung giải quyết nhiều mặt của đời sống KT-XH của cộng đồng các DTTS. Tuy nhiên, chính sách nào cũng phải hướng đến việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu này cũng chính là định hướng quan trọng để góp phần phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới.