Dân tộc thiểu số

Những nhà địa chất đồng hành cùng bà con miền núi chống chọi với sạt lở

Mai Anh 14:02 27/09/2023

(TN&MT) - Trượt lở đất đá là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi nước ta, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định đời sống cho bà con, các nhà địa chất đã thực hiện khoah vùng cảnh báo những khu vực có nguy cơ cao.

Ông Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, từ năm 2012, Bộ TN&MT thực hiện Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". Đến nay, Đề án đã điều tra, lập bản đồ nhằm tạo dựng bức tranh về nguy cơ trượt lở đất đá ở 28/37 tỉnh miền núi.

thumbnail_anh-1-a-son.jpg
Ông Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

PV: Sau những trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng ở Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Nam… gây thiệt hại lớn về người và cửa, năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ xây dựng và triển khai đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”. Khi đó, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ thực hiện được những mục tiêu nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Sơn: Để thực hiện đề án, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã lập hệ thống bản đồ về các yếu tố địa hình, cấu trúc địa chất - kiến tạo, đới phá hủy; địa chất thủy văn - địa chất công trình, thảm phủ, phân bố mưa... Viện mong muốn đây là dữ liệu đầu vào, phục vụ công tác đánh giá và thành lập các bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá cho các khu vực đã điều tra trong phạm vi Đề án. Ngoài ra nó cũng có thể được sử dụng để phục vụ cho nhiều đề tài, đề án, dự án khác trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Viện cũng kỳ vọng đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, các cơ quan ban hành lập pháp, các bản đồ thành phần này góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc soạn thảo và ban hành các điều luật, quy định nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của các điều kiện gây nguy cơ trượt lở đất đá và các tai biến địa chất khác có liên quan.

anh-2-ban-giao-san-pham-1-.jpg
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chuyển giao sản phẩm của Đề án cho xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên)

Dựa trên các kết quả được thể hiện trên bộ Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá, các cấp chính quyền địa phương có thể nắm bắt được toàn cảnh thực trạng ở địa phương mình, chi tiết tới từng điểm trượt đã được khảo sát. Các địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ thiên tai và có phương án chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ (tái) xuất hiện trượt lở đất đá trong các mùa mưa bão.

Còn các kết quả của công tác thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá được sử dụng làm số liệu đầu vào cho các bài toán, mô hình phân vùng hiểm họa, tính dễ bị tổn thương và rủi ro do trượt lở đất đá, làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, hoặc áp dụng các biện pháp công trình, phi công trình phù hợp để phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra.

PV: Thưa ông, với những kỳ vọng trên, đề án đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Ông Phạm Văn Sơn: Trong tổng số 37 tỉnh miền núi Việt Nam, Đề án đã điều tra, lập bản đồ nhằm tạo dựng bức tranh về nguy cơ trượt lở đất đá ở 28 tỉnh.

Cụ thể, đến hết năm 2020, đã có 15 tỉnh có cả 2 loại bản đồ tỷ lệ 1:50.000 là bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá. Đó là: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình.

Các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000. Ngoài ra, tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đề án cũng đã hoàn thành công tác thành lập một số bản đồ thành phần ở tỷ lệ 1:50.000.

Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cung cấp thông tin chi tiết về các vị trí đã từng xảy ra trượt lở đến thời điểm được điều tra, và các khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá trên cơ sở đánh giá các kết quả khảo sát.

Kết quả điều tra cho thấy, trên địa bàn miền núi khu vực 25 tỉnh miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ, các đơn vị điều tra trong Đề án xác định được 12.099 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá từ giải đoán ảnh viễn thám và phân tích địa hình trên mô hình lập thể số, và 14.726 vị trí đã xảy ra trượt lở đất đá từ khảo sát thực địa. Đáng chú ý, số lượng điểm trượt xác định từ khảo sát thực địa được ghi nhận nhiều nhất tại các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Yên Bái..., song mật độ phân bố của chúng theo diện tích tự nhiên lại được ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La,...

Đặc biệt, sau khi thị sát hiện trường vụ trượt lở đất đã ở xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, các xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, ngập úng trên diện rộng tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ TN&MT khi ấy là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo khẩn cấp đề án thực hiện điều tra hiện trạng tại 5 xã trọng điểm thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

PV: Để đạt được những kết quả trên, ông cùng các cộng sự đã vượt qua những khó khăn nào, xin ông chia sẻ?

Ông Phạm Văn Sơn: Khi mới bắt đầu triển khai đề án, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và nhân lực. Do lúc đó chưa thành lập được bộ quy định kỹ thuật để phục vụ điều tra hiện trạng trượt lở đất đá nên Viện cần sự phối hợp thực hiện đồng bộ cho tất cả các tỉnh theo kế hoạch. Đồng thời, phạm vi thực hiện điều tra hiện trạng trên 37 tỉnh miền núi Việt Nam, vì vậy sẽ cần khối lượng nhân lực rất lớn, phải phối hợp với nhiều đơn vị để cùng triển khai. Để từng bước khắc phục những khó khăn này, năm 2012, khi bắt đầu triển khai tại 2 tỉnh đầu tiên là Nghệ An và Thanh Hóa, Viện đã phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam).

Ngoài ra, nhiệm vụ khảo sát thực địa chủ yếu thực hiện tại các khu vực miền núi, nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá rất cao. Đây là các khu vực có nhiều yếu tố liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của trượt lở đất đá như độ dốc địa hình lớn, đất đá phong hóa nứt nẻ, bở rời, dễ bị mất ổn định sườn dốc do nước mặt, nước ngầm làm giảm độ gắn kết của đất đá. Chưa kể, một số khu vực chịu tác động của yếu tố dân sinh, dân cư sinh sống có nguy cơ chịu ảnh hưởng do trượt lở đất đá gây nên.

Vượt qua những khó khăn trên, Viện đã thực hiện thành công Đề án. Tôi cùng các cán bộ địa chất của Viện và các đơn vị phối hợp đã đưa ra được quy định kỹ thuật chung để triển khai, đồng bộ số liệu khảo sát, tổ chức các buổi hướng dẫn khảo sát, cử người phối hợp hướng dẫn thi công tới các đơn vị ngoài thực địa, hoàn thành khối lượng đặt ra đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của Đề án.

Bên cạnh những khó khăn, chúng tôi cũng may mắn khi nhận được sự hợp tác, phối hợp từ các cấp chính quyền địa phương trong suốt quá trình điều tra, khảo sát. Khi biết đoàn đến khảo sát để ghi nhận thông tin về trượt lở đất đá, chính quyền và người dân địa phương đều mong muốn có được bộ cơ sở dữ liệu, số liệu về trượt lở đất đá tại khu vực của họ, làm cơ sở để cảnh báo, phòng chống thiên tai và quy hoạch, bố trí dân cư. Những nhà dân đang bị ảnh hưởng của trượt lở đất đá đều muốn thông qua kết quả khảo sát, các cấp chính quyền có kế hoạch giúp đỡ, phòng chống nguy cơ trượt lở đất đá gây nguy hiểm đến người, tài sản hoặc được chính quyền hỗ trợ di dời nếu khu vực gia đình họ sinh sống có nguy cơ bị tác động của trượt lở đất đá.

PV: Đáp lại những mong mỏi của bà con, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã đưa những số liệu về trượt lở đất đá đến với bà con như thế nào, xin ông cho biết?

Ông Phạm Văn Sơn: Các cán bộ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các đơn vị phối hợp thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn sử dụng và chuyển giao sản phẩm của Đề án là bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho 15 tỉnh và bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cho 21 tỉnh đến các cấp chính quyền địa phương, người dân.

Viện mong muốn chính quyền và người dân có thể sử dụng những bản đồ này để phục vụ tại địa phương trong công tác lập kế hoạch phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, quy hoạch và phát triển dân cư theo từng cấp quản lý, đảm bảo phát triển ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. Điều đáng mừng là nhiều khu vực dân cư, nhà dân được ghi nhận trong quá trình khảo sát bị ảnh hưởng, thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra đã được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ di chuyển, bố trí tái định cư để phát triển ổn định, lâu dài.

anh-3-vach-truot-o-hoang-su-phi-1-.jpg
Vách trượt ở Tổ 5 thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

Việc bàn giao các bộ bản đồ quý giá trên được triển khai theo từng giai đoạn. Trong các năm 2014-2021, Viện đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành Trung ương và địa phương để chuyển giao và hướng dẫn quản lý, sử dụng các sản phẩm đã hoàn thành trong các năm 2012-2018 cho các địa phương tại 3 đợt Hội nghị cấp Trung ương, 6 Hội nghị cấp tỉnh và 59 Hội nghị cấp xã.

Tại các hội nghị trên, bên cạnh công tác bàn giao các kết quả đã hoàn thành của các năm trước đó, Viện cùng các đơn vị liên quan đã hướng dẫn quản lý, sử dụng cho tất cả các cán bộ được giao trực tiếp quản lý, sử dụng các sản phẩm của Đề án, hỗ trợ các địa phương sử dụng hiệu quả các bộ bản đồ đã được chuyển giao, nâng cao khả năng cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trượt lở đất đá gây ra trong các mùa mưa bão. Các sản phẩm đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi tích cực nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, phù hợp với người sử dụng.

Bên cạnh việc bàn giao sản phẩm là những bộ bản đồ trên, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản còn đồng hành cùng địa phương trong suốt quá trình sử dụng. Điều đó thể hiện thông qua việc khi địa phương sử dụng bản đồ, có bất kỳ vấn đề gì về kỹ thuật đều nhận được sự trợ giúp nhiệt tình từ Viện.

Kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2020, Đề án đã đạt được nhiều kết quả chi tiết đánh giá mức độ nguy cơ trượt lở đất đá tại nhiều địa phương, tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục triển khai những công việc tiếp theo trong giai đoạn 2. Những kết quả tích cực này cũng khiến nhiều địa phương được bàn giao sản phẩm mong mỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng các bản đồ ở cấp xã và chi tiết các điểm sạt lở để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong việc phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Bá Thước (Thanh Hóa): Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế ở các huyện miền Núi, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2021- 2023, huyện Bá Thước có 5 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện, 30 cá nhân và 4 tập thể được Hội Nông dân khen thưởng.
Đừng bỏ lỡ
  • Nỗi niềm người gieo chữ trên vùng đất đỏ
    “Hôm nay em phải ở nhà coi em để bố mẹ đi hái cà phê thuê cô ạ !”. Làm giáo viên ở những vùng bản làng xa xôi của Đắk Nông, việc nghe những câu nói như vậy không phải hiếm nhưng sao chua xót...
  • Dạy tiếng dân tộc, giữ gìn văn hóa bản địa
    Việc dạy tiếng dân tộc trong trường tiểu học mang lại hiệu quả giáo dục to lớn đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh đã tích cực triển khai tại hệ thống trường phổ thông.
  • Hiến đất làm trường gieo mầm tương lai
    (TN&MT) - Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của con em mình khi không biết chữ, nhiều hộ dân tại thôn Bản Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tình nguyện hiến gần 12.000 m2 đất để xây dựng trường học. Những tấm lòng thơm thảo ấy đã đang thầm lặng gieo những “mầm xanh” cho tương lai.
  • Những bữa cơm tiếp sức cho trẻ vùng cao tới trường
    (TN&MT) - Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách nhân văn hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú tại các trường vùng cao của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để các em có điều kiện đến trường học tập.
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
    Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (TN&MT) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
  • Nhọc nhằn “cõng” chữ lên non
    (TN&MT) - Đường lên bản Sân Bay mùa này rất khó đi. Đất đá lởm chởm vì những con dốc đang được hạ độ cao và những khúc cua tay áo được nắn thẳng. Xe chúng tôi đang vượt dốc lao lên bỗng khựng lại vì phía trước mặt, một chiếc xe tải chở vật liệu rú ga khiến bột đất đỏ au tung lên mịt mù. Đó là con đường duy nhất đến ngôi trường thầy Lù Văn Thủy đã gắn bó, suốt 20 năm nhọc nhằn “cõng” con chữ lên non.
  • Chuyển biến chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 94% học sinh là người dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục đang dần được nâng lên nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị địa phương, sự tận tụy của các thầy cô và nỗ lực của chính các em.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO