Dân tộc thiểu số

Xử lý tai biến địa chất, trượt sạt lở đất đá – Nhìn từ vùng Tây Nguyên

Lan Chi 14:01 27/09/2023

(TN&MT) - Từ cuối tháng 6/2023 đến nay, trên cả nước, đặc biệt tại địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã xảy ra nhiều đợt trượt, sạt lở đất đá gây thiệt hại về người và tài sản; phá hủy nhiều công trình xây dựng, giao thông, môi trường và dân sinh. Các chuyên gia địa chất Cục Địa chất Việt Nam đã có mặt và khẩn trương xác định nguyên nhân sụt lún, trượt, sạt lở đất đá từ đó đề xuất giải pháp khắc phục trên địa bàn 2 tỉnh trên.

anh-1-sat-lo-tai-deo-bao-loc-1-.jpg
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai), tỉnh Lâm Đồng

Đánh giá nhanh hiện trạng trượt lở đất đá và nguy cơ xảy ra tiếp theo

Tính từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8/2023, trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã xảy ra nhiều đợt trượt lở đất đá. Tại Lâm Đồng, từ ngày 25/6 đến ngày 31/7 đã xảy ra 4 thảm họa gồm: các vết nứt xuất hiện tại hồ thủy lợi Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà); vụ sạt lở đất tại thành phố Đà Lạt; sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại Trạm Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai; sạt lở đường tránh QL20, TP. Bảo Lộc.

Còn tại Đắk Nông, xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, nứt gãy đất tại phường Nghĩa Thành (thành phố Gia Nghĩa); xã Nhân Cơ, xã Kiến Thành, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’Lấp). Ngoài ra, xuất hiện cung nứt trượt lở đất ở thôn Bon Bu Krăk, xã Quảng Trực; cung nứt trượt lở đất ở Tổ 1, xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức); nứt trượt đất tại trường Lý Tự Trọng, thôn Đắk Snao 2, xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong); sự cố sụt lún, sạt trượt tại hồ thủy lợi Đắk N'Ting.

Liên quan đến sự việc sạt lở, sụt lún thời gian qua, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho rằng về giải pháp lâu dài, cần có sự đánh giá của đội ngũ chuyên gia. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Văn Minh chia sẻ: “Việc các chuyên gia địa chất đến Đắk Nông có thể giúp cho địa phương tìm được nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng. Từ đó, các chuyên gia sẽ giúp tỉnh có giải pháp khắc phục tình trạng này”.

anh-2-sut-lun-tren-duong-ho-chi-minh-qua-tp.-gia-nghia-1-.jpg
Sụt lún trên đường Hồ Chí Minh qua TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông)

Trước hàng loạt vụ sạt lở trên, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Cục Địa chất Việt Nam đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổng hợp các tài liệu điều tra địa chất, lập các đoàn khảo sát thực địa kiểm tra hiện trạng nứt đất, trượt lở đất đá tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.

Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam, đơn vị địa chất trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, đã tiến hành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 7-11/8/2023; đợt 2 từ ngày 17-20/8/2023) kiểm tra, khảo sát, đo đạc thực tế, đánh giá nhanh hiện trạng trượt lở đất đá và nguy cơ xảy ra tiếp theo tại các khu vực: Bon Bu Krăk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức; đập hồ chứa Đắk N’ting, xã Quảng Sơn, Đắk Glong; Điểm trượt lở tại QL 14 đoạn qua Phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa; Trượt lở đất tại Tổ 1, Xã Quảng Tâm, Huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông; Trượt lở đất đá tại đập thủy lợi Đông Thanh, Lâm Hà; Sạt lở đường tránh QL20, TP. Bảo Lộc; Điểm trượt lở Đèo Bảo Lộc.

Xác định rõ nguyên nhân để đề xuất giải pháp khắc phục

Kết quả các đợt kiểm tra cho thấy nguyên nhân của các vụ sụt lún, nứt, trượt sạt lở đất đá ở Đắk Nông và Lâm Đồng bao gồm tổ hợp nhiều yếu tố, chủ yếu do: khu vực có vỏ phong hóa dày phân bố trên diện rộng (tỉnh Đắk Nông phần lớn phát triển vỏ phong hoá trên đá basalt dày tới vài chục mét, chiếm diện tích trên 60% diện tích tỉnh); vỏ phong hóa có cấu trúc phức tạp, không đồng nhất về thành phần, nhất là có đới phong hóa dở dang (saprolit); thành phần đá phong hóa dở dang xen lẫn bột, sét không đồng nhất, kết cấu yếu, có khả năng dẫn và chứa nước; tại các vị trí trượt lở có sự biến đổi về địa hình địa mạo, sườn dốc và nhiều nơi nằm trên cung trượt cổ (đã từng xảy ra trượt lở đất đá). Một số nơi có biểu hiện hoạt động tân kiến tạo. Trong suốt giai đoạn tháng 6, tháng 7, tại 2 tỉnh đã xảy ra mưa lớn kéo dài, kích hoạt các khối địa chất kém ổn định gây ra hiện tượng trượt lở diện rộng với quy mô lớn.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc gia tăng các hiện tượng sạt, trượt lở đất đá là sự hội tụ của tổ hợp các yếu tố cần (sự bất ổn địa chất, địa mạo, vận động nội sinh, thảm thực vật,…) và các yếu tố đủ (mưa kéo dài, hoạt động nhân sinh,…) trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.

Bên cạnh các nguyên nhân tự nhiên mà con người rất khó can thiệp thì sự thiếu hụt các công trình điều tra cơ bản địa chất để cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra tai biến địa chất trước khi phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông hay các công trình thủy lợi qui mô lớn (hồ chứa nước và đập có dung tích lớn) là nguyên nhân rất đáng tiếc. Trượt lở đất đá tại 2 hồ chứa nước của 2 tỉnh là một ví dụ điển hình; hay như trượt lở đất đá tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) hoặc ở Tổ 1, xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) là những khu vực có thể cảnh báo được trước.

Trong các ví dụ vừa nêu, một số vị trí nằm trên cung hoặc thân trượt cổ, có biểu hiện hoạt động tân kiến tạo (nội lực, đứt gãy), thậm chí các thân trượt này còn đang hoạt động. Một số vị trí do xây dựng các công trình không hợp lý như trên sườn dốc, mật độ cao, cơi nới về phía taluy âm nơi đất yếu, hệ thống thoát nước kém, xây công trình tạo vách chắn thoát nước, nước thấm xuống dưới đất dễ gây trượt cả khối lớn; tiếp theo đó là hoạt động đào, khoét, cắt xén chân khối trượt gây mất cân bằng tự nhiên làm gia tăng khả năng trượt.

Đặc biệt, mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước thấm xuống tầng chứa nước và trong đất làm gia tăng tải trọng, giảm ma sát giữa các lớp và “mềm hóa” khi nước thấm lên lớp sét bên trên dẫn tới đất đá trở nên bở rời, dính kết kém, tạo mặt trượt lớn gây ra nhiều thảm họa đáng tiếc.

Cục Địa chất Việt Nam kiến nghị việc cấp bách là khắc phục hậu quả do trượt lở đất đá gây ra; đồng thời khẩn trương triển khai điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, trọng tâm là trượt lở đất đá và lũ quét tại 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch phòng tránh thiên tai, đặc biệt là xây dựng cơ sở khoa học để quy hoạch sử dụng đất hợp lý thích ứng với thiên tai, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội bền vững các tỉnh Tây Nguyên.

Đồng thời, các tỉnh cần sớm có đánh giá mức độ an toàn của các hồ, đập đang có trên địa bàn tỉnh, cũng như cần có các bước chuẩn bị tổng thể, khoa học trong việc xây dựng các công trình hồ, đập mới.

Cục Địa chất Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm triển khai Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” để tổng hợp toàn bộ các hiện tượng tai biến địa chất, nứt đất, trượt lở đất đá, lũ quét tại các địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng phục vụ cập nhật, xử lý thông tin, xác định, đánh giá rủi ro, phân vùng rủi ro tai biến địa chất; theo dõi, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, địa chất môi trường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện điều tra địa chất đô thị trước khi Quy hoạch xây dựng đô thị, trong đó chú trọng điều tra điều kiện địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa chất môi trường, các giải pháp thoát nước, xử lý nước thải; tránh hiện tượng quá tải dẫn đến các hậu quả không khắc phục được.

Cùng với đó, sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật về điều tra địa chất, tai biến địa chất, địa chất môi trường, tài nguyên địa chất nơi xây dựng công trình hồ, đập, đường giao thông tại các khu vực miền núi và trung du. Căn cứ vào cấu trúc địa chất mà khu vực điều tra địa chất cần được mở rộng (từ mực xâm thực địa phương đến đường phân thủy gần nhất) nơi có công trình xây dựng nêu trên.

Công trình thủy lợi - hồ Đông Thanh đang trong giai đoạn thi công, rất cần đánh giá bổ sung đầy đủ, đúng mức về đặc điểm địa chất, tai biến địa chất; quan trắc động thái khối trượt và nước ngầm trong thân khối trượt, đánh giá khả năng động đất kích thích, trượt sạt lở kích thích nhằm cung cấp cơ sở khoa học để lựa chọn giải pháp khắc phục hiệu quả, lâu dài; giảm thiểu tối đa rủi ro đầu tư, và tác động không mong muốn khác...
Khối trượt tại bờ vai phải của hồ thuỷ lợi Đắk N’ Ting vẫn đang hoạt động và khoan ngang trên cùng đồng mức có thể kích hoạt trượt lở đột ngột thay vì trượt chậm, do thay đổi ứng suất vỏ đất nội tại chân khối trượt, do đó cần lưu ý, cảnh giác; đồng thời, phải khẩn trương tiến hành điều tra đặc điểm địa chất, tai biến địa chất bổ sung, quan trắc động thái khối trượt và nước ngầm trong thân khối trượt để có chương trình khắc phục hiệu quả".

Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Lê Quốc Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Bát Xát (Lào Cai): Khai mạc Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi
(TN&MT) - Ngày 19/12, tại chợ trung tâm thị trấn, UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chợ phía Bắc tổ chức “Phiên chợ văn hóa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, Ngày hội hướng nghiệp và giới thiệu việc làm; công bố các sản phẩm OCOP năm 2024 và khánh thành chợ trung tâm thị trấn Bát Xát.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO