Tin tức thời sự

Vui tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc

Nguyễn Nga 01/09/2024 22:46

(TN&MT) - Đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn rã trước ngày hội lớn. Trong những năm gần đây, với đa dạng các hoạt động vui đón Tết, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội của bà con dân tộc Mông, mà đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng về chung vui.

Sắc màu vùng cao Thuận Châu

Theo phong tục tổ tiên, đồng bào Mông chỉ ăn Tết một lần vào cuối năm dương lịch. Nhưng từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là ngày Tết Độc lập của dân tộc.

Vào dịp này, các gia đình người Mông treo cờ Tổ quốc, gác lại mọi công việc, từ bản gần đến bản xa nô nức rủ nhau xuống phố huyện vui Tết. Trên khắp các nẻo đường của các huyện, thành phố, rất dễ bắt gặp những chàng trai dân tộc Mông quần áo bảnh bao, khăn vuông quấn cổ, khèn vác ngang vai… Những cô gái Mông tay cầm đàn môi, ngồi trên lưng ngựa, nếp váy thổ cẩm rực rỡ phủ xòa trên lưng ngựa thồ đủng đỉnh gõ móng trên đường. Khi tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai vang lên, những điệu múa hát đầy duyên dáng, tự nhiên của các chàng trai, cô gái trên đường phố là những nét văn hóa độc đáo mà ít nơi có được.

20d.jpg
Phiên chợ vùng cao Co Mạ thu hút đông đảo bà con xuống tham quan, mua sắm.

Đông vui nhất trong ngày Tết Độc lập có lẽ là đêm 1/9. Hôm ấy, những chàng trai, cô gái mới lớn sẽ thông qua lời ca, tiếng hát để làm quen, trò chuyện, trao gửi lời yêu, nên duyên đôi lứa. Còn với người Mông lớn tuổi, đây là dịp để họ tìm gặp lại người thân, bạn cũ, nếu từng yêu nhau mà không nên duyên thì cũng mong gặp lại nhau nơi phiên chợ, để thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống.

Chưa từng quen biết, nhưng đã đến đây thì mọi người đều là bạn, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, khoảng cách xa gần. Trên mỗi góc phố, bà con quây quần bên nhau, cùng sẻ chia chén rượu ngọt bùi, cùng tâm sự chuyện gia đình, làng xóm, trao đổi cách làm hay, kỹ thuật canh tác hiệu quả…; cùng nhau vui chơi trong không gian chan hòa, thân thiện và gần gũi của tình đoàn kết.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tổ chức chuỗi các hoạt động cho bà con vui Tết Độc lập. Năm nay, lần đầu tiên huyện Thuận Châu tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại vùng cao quy mô cấp huyện.

Diễn ra từ ngày 26/8 đến hết 2/9, Tuần văn hóa bao gồm các hoạt động: Giải thể thao các xã vùng cao mở rộng; phiên chợ vùng cao Co Mạ; thi trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông; hội thi giã bánh dày; hái quả sơn tra; thi trình bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc; trưng bày không gian văn hóa dân tộc Mông. Và đặc biệt, tái hiện trích đoạn nghi lễ “Cây thần thiêng” dân tộc Mông - một nghi lễ đã có từ lâu đời, được duy trì đến ngày nay nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…

20c.jpg

Hòa trong dòng người tấp nập đón Tết Độc lập, anh Thào A Chớ, xã Co Mạ chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đến ngày này là cả nhà mình sẽ gác lại công việc, xuống chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ người thân, chia sẻ những câu chuyện về sản xuất. Rồi là thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, tham gia các trò chơi cùng nhau. Vui và phấn khởi lắm”.

Còn tại huyện vùng cao Bắc Yên, đồng bào dân tộc Mông sinh sống chủ yếu trên các xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hồng Ngài… Vượt hàng chục km đường đồi núi, đèo dốc, từng tốp chàng trai, thiếu nữ Mông xúng xính váy áo rực rỡ với hoa văn đặc trưng, đa sắc màu xuống chợ chơi Tết.

Những bộ quần áo này được dệt lên bởi chính những bàn tay của những cô gái dân tộc Mông, cần mẫn, tỉ mỉ, chăm chút thêu từng hoa văn. Trang phục của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, với những nét độc đáo về kiểu dáng, màu sắc hoa văn, làm nổi bật vẻ xinh đẹp, duyên dáng, sự khéo léo của người con gái dân tộc Mông.

Chị Thào Thị Dua, xã Hang Chú vui vẻ: “Bộ quần áo này mình tỉ mỉ chuẩn bị mất gần 8 tháng đấy. Năm nay, nhà mình xuống phố chợ vui Tết từ ngày 30/8 để mua sắm quần áo cho con chuẩn bị vào năm học mới. Rồi cả nhà cùng nhau đi ăn những món ăn ưa thích, đón ngày Tết thật vui, để ngày mai lại tiếp tục tích cực lao động, sản xuất”.

20f.jpg

Tiếng gọi mùa yêu trên cao nguyên xanh

Mộc Châu những ngày này, khắp các tuyến đường trên địa bàn huyện đang khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ cờ hoa. Năm nay, Tuần Văn hóa, du lịch Mộc Châu được tổ chức từ ngày 30/8 đến hết ngày 5/9, với chủ đề “Mộc Châu - Tiếng gọi mùa yêu”.

Với chuỗi các hoạt động gồm: Trại văn hóa các dân tộc; không gian văn hóa dân tộc Mông; giới thiệu nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa; chợ thổ cẩm, ẩm thực dân tộc Mông; giao lưu văn hóa dân gian dân tộc Mông. Thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và văn hóa cộng đồng với chủ đề Bảo tồn Di sản - Tinh hoa bản sắc; các hoạt động cộng đồng đường phố dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường.

Và điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Đắm say đêm hò hẹn” vào tối 1/9 tại quảng trường 8/5 trung tâm huyện. Với nội dung công bố đô thị loại IV; công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho 3 di sản: “Lễ hội Cầu mưa” của người Thái Trắng, xã Mường Sang; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của Người Dao Tiền; Nghi lễ Mo Mường của Dân tộc Mường; giới thiệu Mộc Châu - điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới qua các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông…

20b.jpg
Trình diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Mông.

Cùng với đó, tại khu du lịch Mộc Châu Island sẽ diễn ra phiên chợ “Tiếng khèn gọi bạn”, với màn múa dân gian tái hiện hoạt cảnh kéo vợ, múa truyền thống Thái tái hiện đám cưới dân gian, trình diễn nhạc phẩm theo chủ đề.

Xúng xính váy áo xuống phố, chị Vàng Trà My, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu hào hứng: “Nghe nói năm nay có nhiều hoạt động mới lạ, độc đáo nên chúng em đã hẹn nhau xuống sớm để đi tham quan cầu kính, rừng thông bản Áng và được tham gia trải nghiệm các hoạt động”.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Tuần Văn hoá, du lịch Mộc Châu năm 2024 được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của du lịch Mộc Châu. Trên cơ sở đó, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, xây dựng Mộc Châu thành khu du lịch hàng đầu vùng Tây Bắc, điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Để đảm bảo cho Tuần văn hóa diễn ra thành công, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến kế hoạch đến các bản, tiểu khu và nhân dân cùng tham gia các hoạt động. Bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, tránh ách tắc giao thông trong thời gian diễn ra các hoạt động. Dọn vệ sinh, bố trí đặt các thùng rác, phun thuốc khử trùng, phòng dịch, cắt tỉa cây xanh, trang trí đường phố; tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống…

Mỗi địa phương có một cách vui đón Tết khác nhau, song với bà con, Tết Độc lập là ngày hội lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc. Mừng Tết Độc lập chính là cách người Mông dạy cho con cháu mình đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo niềm tin sắt son một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

Sau những ngày vui đón Tết, họ quay trở lại với nhịp sống thường ngày với cây lúa, nương ngô... Giây phút chia tay cũng là lúc trao đi lời hẹn ước sẽ gặp lại trong ngày hội năm sau, để cùng sẻ chia vui buồn, cùng nâng chén rượu cay nồng, giữa tiếng khèn reo vui bay bổng trên rẻo cao Tây Bắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vui tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc
(TN&MT) - Đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn rã trước ngày hội lớn. Trong những năm gần đây, với đa dạng các hoạt động vui đón Tết, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội của bà con dân tộc Mông, mà đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng về chung vui.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO