Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Khánh Hòa quyết liệt triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với kỳ vọng đổi thay diện mạo vùng miền núi còn nhiều khó khăn.
Tỉnh Khánh Hoà hiện có 35 dân tộc thiểu số cùng sinh sống (với trên 72 nghìn người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh). Theo đó, tỉnh có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chủ yếu thuộc 2 huyện miền núi là Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, một số xã thuộc các huyện, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh.
Những năm qua, dù đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai huy động nhiều nguồn lực và thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, chính sách để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình đồi núi rộng lớn, dân cư thưa thớt và sinh sống không tập trung, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, trình độ lao động sản xuất còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN còn thiếu, chưa đáp ứng và tạo động lực cho phát triển; đời sống của đa số đồng bào DTTS.
Bởi thế, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được triển khai vừa là động lực, vừa là cơ hội để nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh vươn lên ổn định nơi ở, có việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
7 Nghị quyết, 12 kế hoạch và 13 quyết định
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Căn cứ vào nội dung Chương trình, trọng tâm là các dự án và tiểu dự án thành phần, Tỉnh uỷ Khánh Hòa đã ban hành 01 nghị quyết chuyên đề, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 06 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 12 kế hoạch, 13 quyết định và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, các địa phương đã xây dựng và bố trí nguồn lực triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn và hằng năm.
Viêc triển khai thực hiện Chương trình đã được các cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể các cấp quyết liệt triển khai thực hiện, với quyết tâm chính trị cao nhất và được nhân dân đồng tình hưởng ứng...
Công tác tuyên truyền về Chương trình luôn các địa phương quan tâm, chỉ đạo. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua nhiều phương tiện; thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền các chính sách dân tộc và Chương trình thông qua các hội nghị tuyên truyền, lớp tập huấn… để nhân dân, cộng đồng biết và chủ động, tích cực, sáng tạo, tạo động lực cùng chung tay thực hiện, đồng thời tự kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.
Năm 2023: Tập trung 7 mục tiêu
Theo Kế hoạch số 2204/KH-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 10/3/2023 về thực hiện Chương trình, năm 2023, tỉnh xác định 7 mục tiêu quan trọng, bao gồm: tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS đạt 5%. 100% xã, thôn đặc biệt khó khăn được hỗ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh và lưu thông hàng hóa. Trên 98% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. 100% lao động trong độ tuổi có nhu cầu trong năm 2023 được hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS &MN. Phấn đấu 50% cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào DTTS&MN được bồi dưỡng kiến thức dân tộc. 100% người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN được bồi dưỡng kiến thức an ninh, quốc phòng…
Trọng tâm ưu tiên của tỉnh đối với việc triển khai Chương trình trong năm 2023 là: giải quyết nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa thể thao và hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS.
Tỉnh Khánh Hòa phấn đấu trong năm nay sẽ hỗ trợ nhà ở cho 147 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 266 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 535 hộ. Về nước sinh hoạt tập trung: đầu tư xây dựng 02 công trình cho vùng đồng bào DTTS&MN tại huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Cùng đó, hỗ trợ khoán bảo vệ diện tích trên 21.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng tự nhiên… nhà nước giao cho các ban quản lý rừng, UBND cấp xã quản lý theo quy định, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Vừa qua, báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chương trình, UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, Chương trình đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc gia khác, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS&MN được cải thiện.
Sau 03 năm thực hiện (tính đến thời điểm 31/5/2023), tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình giai đoạn 2021-2023 của tỉnh Khánh Hòa đạt cao hơn so với bình quân các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên và bình quân của cả nước (18.28%). Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS &MN của Khánh Hòa đạt 6%, vượt chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 3%) và vượt kế hoạch UBND tỉnh đặt ra năm 2023. Những kết quả đạt được cho thấy Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh Khánh Hòa có thể vượt xa kỳ vọng.
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, Hội Nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai giai đoạn 2026-2030 của 17 tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho thấy sự quyết tâm, trách nhiệm rất cao và kịp thời của các cơ quan trung ương, nhằm đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chương trình, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, kinh nghiệm của các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình. Quan trọng hơn cả, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, mỗi địa phương cần nghiêm túc đánh giá, phân tích những khó khăn, vướng mắc mang tính nền tảng, đặc thù tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, các cấp, các ngành phải xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, cấp bách và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện.