Có dịp lên Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào ngày lễ, Tết hay mừng lúa mới, du khách sẽ được nghe tiếng chiêng ba vang vọng khắp núi rừng. Âm thanh băng qua khe suối, vọng lên núi đồi, khi trầm hùng, khi rạo rực, thổn thức… như đời người nơi làng quê đi qua những mùa bão tố rồi mùa xuân yên vui, như vòng đời của đồng bào dân tộc từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành…
Âm thanh đại ngàn
Tháng chín, mới đầu mùa mưa, dòng sông Liêng nước vẫn cạn. Con đường từ quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên thuộc địa bàn xã Ba Thành về thôn Phan Vinh (xã Ba Vinh - vùng căn cứ xưa của Đội du kích Ba Tơ anh hùng) phủ một màu xanh của núi rừng. Tôi gặp cụ Phạm Thị Sỹ (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) – nghệ nhân tấu chiêng đã ngoài 82 tuổi, sức yếu. Khi chúng tôi hỏi chuyện về chiêng ba, bà Sỹ vội nói con trai là Phạm Văn Rôm đem bộ chiêng gồm ba chiếc: chiêng Tum (còn gọi là chiêng cha), chiêng Vông (còn gọi là chiêng mẹ) và chiêng Túc (còn gọi là chiêng con).
Màu thời gian đọng đầy trên từng chiếc chiêng với sống chiêng đen láng và hồng tâm lấp lánh ánh đồng. Dưới những nắm tay hằn đầy vết thời gian nhưng vung lên, hạ xuống đầy dứt khoát, tiếng chiêng Vông của bà Phạm Thị Sỹ hòa nhịp cùng tiếng chiêng Túc, chiêng Tum của Phạm Văn Rôm và người hàng xóm là Phạm Văn Nhót. Bộ chiêng ba có đủ 3 người chơi phát ra những âm thanh trầm bổng, ngân vang giữa núi rừng.
Chiêng ba là nhạc cụ phổ biến nhất và mang tính đặc trưng tiêu biểu của của người H’re ở huyện Ba Tơ. Theo dân làng, gọi là chiêng ba bởi lẽ bộ chiêng này có 3 chiếc. Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêng Túc treo trên dây. Chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu. Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chiêng Túc, dẫn dàn chiêng diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chiêng 3 chiếc, người đánh chiêng ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển.
Bà Sỹ nhớ như in, ngay từ nhỏ đã thuộc lòng nhiều làn điệu ta lêu, ca choi của người H’re, cứ mỗi dịp lễ hội, đám cưới…, hòa cùng tiếng chiêng ba và các nhạc cụ khác, dân làng lại cùng nhau ca múa. Giữa bóng tối, người làng tập trung bên bếp lửa bập bùng trước sân nhà sàn, trai tráng có cơ bắp khỏe mạnh đánh chiêng ba, các cô gái hát múa ta lêu, ca choi. Người làng cũng thả hồn theo tiếng chiêng ngân. Tập tục của đồng bào H’re là ăn Tết theo làng, theo xóm. Hôm nay có thể làng này, ngày mai làng khác. Tiếng chiêng theo đó cũng rộn vang khắp núi đồi.
“Chiêng ba có từ rất lâu rồi, từ lúc sinh ra tôi đã thấy. Chiêng ba là độc nhất vô nhị của người H’re là vì nó đắt tiền. Nó đổi được bằng tiền, bạc, trâu, bò. Chiêng được dùng trong dịp tết, cúng, dịp lễ tết, nói chung là ngày vui. Cha mẹ tôi đều biết đánh chiêng. Khi cha mất có để lại cho 5 anh em mỗi người mỗi bộ chiêng, trai hay gái đều có. Con gái nếu không chơi thì để lại cho chồng, con, không được bán”- ông Phạm Văn Rôm kể.
Ngoài bà Sỹ, còn một số phụ nữ khác ở Ba Tơ cũng biết đánh chiêng là bà Phạm Thị Đệ (xã Ba Thành). Bà Sỹ kể, những đêm trăng sáng khi tiếng chiêng cất lên, bà lại hát điệu ca choi. Lời hát là tấm lòng của người con gái vừa trong lành vừa tha thiết, để những chàng trai rung động, ngỏ lời yêu.
Để chiêng ba ngân mãi
Người H’re ở Quảng Ngãi sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Tuy nhiên, chỉ có người H’re ở huyện Ba Tơ mới biết trình diễn chiêng ba và trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống. Tuyệt đại đa số chiêng của người H’re là dàn chiêng ba chiếc được các gia đình lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác như báu vật của gia đình. Trải qua hàng trăm năm, tiếng chiêng ba trở thành âm thanh quen thuộc và gắn bó với lớp lớp người H’re.
Chiêng ba của người H’re ở Ba Tơ có âm thanh hoang sơ rất lạ, rất riêng. Từ tiết tấu, nhịp điệu đến sự phối âm, phối bè, sử dụng công phu tài tình, tinh tế của người đánh chiêng, có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc, khi trầm hùng khi náo nức khi rạo rực thổn thức, lúc cao trào mạnh mẽ, dồn dập, thôi thúc. Ngày xưa, những bộ chiêng ba quý hiếm có giá trị hàng chục con trâu, tiếng không chỉ thanh mà còn trầm ấm, tạo nên âm thanh nghe sang trọng, mạnh mẽ, náo nức lòng người.
Tấu chiêng ba hấp dẫn và khiến nhiều người say mê đến vậy, nhưng rồi, cũng như các loại hình văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi trên cả nước, hoạt động này đã gặp nhiều thách thức bởi sự hòa nhập giữa văn hóa vùng cao với vùng đồng bằng.
“Phần lớn người đánh chiêng là đàn ông, còn đàn bà biết đánh chiêng đều đã lớn tuổi. Mẹ tôi cũng biết, nhưng ít chơi. Bây giờ lớp trẻ ít người biết lắm, như tôi cũng chỉ biết sơ sơ thôi”, chị Phạm Thị Sung (xã Ba Thành) chia sẻ.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi và giữ gìn văn hóa của người H’re, trong đó có trình diễn chiêng ba. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện Ba Tơ đều duy trì được nghệ thuật trình diễn chiêng ba, tiêu biểu nhất là ở xã Ba Vinh.
Theo ông Lê Cao Đỉnh - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người H’re không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
“Thường ngày, họ bận rộn với ruộng đồng, nương rẫy cùng bao việc mưu sinh, nhưng sẵn lòng tham gia khi nghe lời mời đánh chiêng, tham dự các hội diễn văn nghệ quần chúng quảng bá chiêng ba. Sự thích thú của người trẻ làm ấm lòng người già, bởi lâu rồi bà con lo ngại sự mai một của nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật tấu chiêng.” - ông Đỉnh chia sẻ.
Ngày trước, đồng bào dân tộc H’re chỉ tấu chiêng trong những dịp Tết, hay cúng mừng lúa mới, giờ đây trong chương trình về nguồn, tham quan di tích lịch sử ở Ba Tơ, du khách cũng có thể được xem biểu diễn chiêng ba. Giữa mênh mông núi rừng, âm thanh rộn rang của tiêng chiêng ba, tiếng hát ta lêu (điệu hát của người H're) nức nở, càng hiểu thêm sức sống tự ngàn đời của đồng bào dân tộc H’re giàu bản sắc. Tôi tin rằng, những bộ môn nghệ thuật của đồng bào như dòng sông Liêng, sông Re có khi vơi, khi đầy, nhưng sẽ chảy mãi trong lòng dân.
Hiện trên địa bàn huyện Ba Tơ có khoảng 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng Ba và 740 người biết sử dụng. Năm 2021, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người H’re ở Ba Tơ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.