Dân tộc thiểu số

Rừng mãi xanh nhờ… hương ước

Trần Hương 10:37 25/09/2023

(TN&MT) - Trong quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, rừng là sinh mệnh, là nơi thần linh ngự trị. Bởi lẽ đó mà người Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) yêu rừng như yêu bản.

* “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Gần 10 năm nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên được người dân đặc biệt quan tâm, giữ rừng như báu vật của bản. Trong quãng thời gian đó, trên địa bàn này không xảy ra phá rừng là bởi người dân đã phần nào hiểu được giá trị của rừng qua những ngày mưa dông, nắng hạn. Mùa khô rừng giữ nước, mùa mưa rừng chắn lũ… Nhìn vào những bài học của việc mất rừng ở một số bản người Mông, người Thái… họ đã biết rằng rừng là mạch sống của người dân. Mất rừng, bản Lả Chà sẽ mất đi nhiều thứ. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” là thế!

Thực tế, bản Lả Chà đã từng mất đi nhiều thứ vì mất rừng. Ông Trưởng bản Lù Văn Hán kể, những năm 2000 rừng của bản Lả Chà đã từng bị xâm hại. Nhiều cây gỗ to bị người dân trong bản và cả nơi khác đến chặt mang về xẻ gỗ dựng nhà. Nhà này làm được thì nhà khác cũng làm được, người người đua nhau làm. Trong rừng bản Lả Chà, đi đâu cũng ngửi thấy mùi nhựa cây tươi hăng hăng sống mũi. Thế rồi năm 2006, một trận mưa lũ thật to dội về, người dân bản Chả Là nếm mùi vị của sự mất mát, bất lực trước thiên nhiên. Nhiều nhà bị nước lũ dội bất ngờ chỉ kịp bỏ nhà chạy lấy người đi ẩn náu. Tháng 10 năm đó lại xảy ra đợt hạn hán, những con suối đầu bản xưa nước dẫn về trong xanh, mát mẻ, nay cạn trơ đáy. Từng đoàn người vác can đi tìm nước…

a1(1).jpg
Những cánh rừng ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) được bà con bảo vệ xanh tốt.

Rồi những năm sau đó tình trạng khan hiếm nước cũng vẫn xảy ra. Những người già trong bản rỉ tai nhau “rừng đang trừng phạt người bản Cống mình rồi”. Và đến năm 2019 hương ước giữ rừng của bản được đề ra. Khi con người nếm trải qua những mất mát và tổn thất, ắt sẽ nhận ra việc giữ rừng là cần thiết. Người già, trẻ con, trung niên, trụ cột gia đình đều đồng lòng nhất trí làm nên hương ước của bản.

Hương ước được xây dựng trên cơ sở những quy định về bảo vệ cây rừng, thú rừng từ ngàn đời của dân tộc Cống, cùng với việc cập nhật các quy định của Luật Lâm nghiệp, sự tham gia góp ý của chính quyền xã và kiểm lâm địa bàn. Hương ước quy ước quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên tổ bảo vệ rừng của bản; trách nhiệm tham gia tuần tra, bảo vệ, tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, quy định các hành vi nghiêm cấm chăn thả gia súc trong rừng, chặt cây, đốt nương, đến các quy định về việc xử phạt các hành vi phá rừng.

Rừng trả ơn công lao người… yêu mến

Người Cống ở bản Lả Chà cò có 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Bản được giao quản lý, bảo vệ là hơn 1.700ha. Gần 10 năm qua, người Cống giữ rừng nhưng người thân yêu của mình và họ đã nhận lại những gì xứng đáng với tình cảm, công lao ấy.

Hiện nay, bản Lả Chà có diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng đạt 1.833,192ha, với số tiền được chi trả gần 2 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân của bản Lả Chà được chi trả khoảng 25 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đó là số tiền không nhỏ đối với đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chả.

Trong ý thức bảo vệ rừng của người Cống không chỉ đơn thuần xuất phát từ câu chuyện lợi ích từ việc nhận tiền khoán khoanh nuôi bảo vệ mà bắt nguồn từ một ý nghĩa nhân sinh, núi có thần núi, sông có thần sông và rừng có thần rừng… Thần rừng sẽ che chở cho đồng bào mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, người trong bản biết yêu thương đùm bọc lấy nhau… Họ tin rằng: có thần rừng che chở những việc xấu không vào bản, sẽ bị đẩy lùi. Lẽ đó, mà những cánh rừng của bản người Cống được bảo vệ xanh tốt, đời sống ấm no thay đổi từng ngày.

a3(1).jpg
Trung bình mỗi hộ dân ở bản Lả Chà được hưởng lợi khoảng 25 triệu đồng/năm từ dịch vụ chi trả môi trường rừng

Trưởng bản Hán cho biết thêm, việc thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời nên bà con tin tưởng tuyệt đối vào các chính sách, chế độ của Đảng Nhà nước, vì thế đời sống được ấm no, nhà nào cũng có ti vi, xe máy, thiết bị phục vụ cuộc sống. Hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp cho người dân có thêm thu nhập, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Trưởng bản Lù Văn Hán cho biết, bản Lả Chà thành lập 4 đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội gồm 20 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tháng, mùa hanh khô thực hiện 2-3 lần/tháng. Theo quy ước, nếu ai chặt gỗ, phá rừng làm nương sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ; tiền phạt vi phạm về rừng sẽ được thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, lực lượng của bản cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên hơn chục năm nay, bản chưa phải xử lý trường hợp nào vi phạm quy định về bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, để cả bản cùng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện đúng với hương ước của bản, tạo được sự đồng thuận của người dân trong bản. Cả bản cùng đồng thuận bảo vệ rừng, không phá rừng và cũng không để ai xâm hại, không ai được tùy tiện vào rừng của cộng đồng bản Lả Chà khai thác lâm sản và nguồn lợi trong rừng khi chưa được bản cho phép.

206.jpg
Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại bản Lả Chà, xã Pa Tần

Có hương ước, quy ước bảo vệ và giữ rừng, không chỉ góp phần giúp người dân có sinh kế, tăng thu nhập từ rừng mà ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều năm qua, bản Lả Chả không xảy ra cháy rừng; không còn hiện tượng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Đời sống của nhân dân trong bản cũng ngày càng được nâng lên, người dân yên tâm sống bên cạnh những cánh rừng xanh tốt. Và họ cũng tin rằng thần rừng đang bảo vệ, chở che.

Ông Poòng Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, chia sẻ: Pa Tần là xã có diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng lớn nhất huyện, với tổng diện tích là 9.292,610ha. Ðể nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, hàng năm, xã chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các bản. Đồng thời, thành lập các tổ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng các bản tổ chức tuần tra, kiểm soát, canh gác rừng; lập phương án, phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô.

Xã Pa Tần có 11.973,93ha diện tích đất có rừng, tỷ lệ che phủ đạt 72,2%. Đến nay, diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng của xã ngày một tăng.

Bài liên quan
  • Tủa Chùa - Điện Biên: Bảo vệ màu xanh những cánh rừng
    (TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện trên địa bàn huyện Tủa Chùa trong thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng. Kết quả rõ nhất là ở những khu vực được hưởng lợi từ chính sách chi trả tiền DVMTR, nhận thức của người dân đối với việc bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO