Toàn quốc hiện có 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 28,3 triệu người (44% tổng dân số nông thôn). Trong đó, hoạt động bền vững chiếm 33,1%, tương đối bền vững chiếm 35,3%, kém bền vững chiếm 17%; không hoạt động chiếm 14,6%. Các công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên...
Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025” đang được Bộ NN&PTNT xây dựng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%.
Nhiều xã vùng cao còn thiếu nước sạch |
Theo đó, hoạt động cấp nước sạch nông thôn vẫn thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đẩy mạnh xã hội hóa. Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình dẫn nước, trữ nước, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm nguồn nước.
Đặc biệt, Nhà nước sẽ ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung, cấp nước hộ gia đình cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.
Theo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025” đang được Bộ NN&PTNT xây dựng, để đạt được các mục tiêu đã nêu, Dự thảo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn theo hướng đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, phù hợp với thực tiễn, mở rộng đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm nguồn nước.
Trẻ em nông thôn miền núi - đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiếu nước |
Thiết lập hệ thống kiểm soát, quan trắc, dự báo, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng nước và hoạt động cấp nước an toàn từ Trung ương đến địa phương.
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ về xử lý nước, nâng cao chất lượng nước; Khuyến khích ứng dụng các công nghệ cấp, xử lý nước thân thiện với môi trường như sử dụng năng lượng mặt trời, gió đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý nước hộ gia đình, xây dựng mô hình thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình sử dụng vật liệu địa phương, phù hợp đặc điểm vùng miền...
Nâng cao năng lực, khả năng chống chịu với môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu của các hệ thống công trình cấp nước đảm bảo vận hành hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.