Quảng Ninh: Đồng bào xã miền núi Dân Chủ sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch

Bài và ảnh: Phạm Hoạch | 14/08/2021, 11:16

(TN&MT) - Những năm gần đây, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, xã miền núi Dân Chủ thuộc huyện Hoành Bồ cũ (nay sáp nhập vào TP. Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh đã đưa nguồn nước hợp vệ sinh từ khe, suối đầu nguồn về phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Người dân không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch vào mùa khô hạn. 

Đổi thay nhờ có nước sạch

Xã miền núi Dân Chủ hiện có 1.265 nhân khẩu gồm 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 86% dân số của xã. Địa hình rộng, đồi núi chia cắt, dân cư ít lại sinh sống phân tán, nên việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đưa nước sạch về với bà con tại các thôn.

Trước đây, công trình nước sạch chưa có, bà con phải xuống tận các dòng suối và khe núi xa xôi để lấy nước về phục vụ sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, Đinh Văn Lượng cho biết, với sự quan tâm của Nhà nước, cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhất là sự đồng tình ủng hộ của bà con trong việc chung tay xây dựng Chương trình Nông thôn mới, các hộ gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua ống dẫn nước từ các con suối, xây bể chứa, mua máy lọc nước tại gia đình, nhờ vậy, 100% hộ dân trên địa bàn xã đều được sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt.

Người dân xã Dân Chủ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày

Cùng với đó, hàng năm, các hộ dân sử dụng nước đều được cơ quan chuyên môn kiểm tra mẫu nước đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định, nên bà con yên tâm sử dụng trong sinh hoạt. Mặt khác, để nâng cao sự hiểu biết của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng DTTS về chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng được cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng thực hiện thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Đồng thời, chú trọng công tác giữ gìn, tu sửa các công trình đã được đầu tư xây dựng, tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt nơi đầu nguồn.

Có nước sạch, cuộc sống của người dân đỡ vất vả, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Như tại thôn 1, trước đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn vì chưa có công trình nước sạch, người dân trong thôn thường phải xuống tận các khe suối, có khi cách nhà hơn 2 km để chở nước về phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Anh Lâm Mạnh Bảy, ở thôn 1, xã Dân Chủ kiểm tra đường ống dẫn nước từ suối đầu nguồn về sử dụng trong gia đình

Bà Chu Thị Định, nhà ở thôn 1 chia sẻ: "Được sự vận động, cũng như giúp đỡ của chính quyền, gia đình tôi đã đầu tư hơn 2 triệu đồng mua ống dẫn nước từ con suối trên núi và bể chứa nước để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ ngày có đường ống nước tự chảy dẫn về tận nhà, gia đình tôi không mất thời gian đi lấy nước như trước kia. Những căn bệnh thường ngày do nguồn nước kém vệ sinh gây ra cũng không còn xuất hiện nữa".

Chung tay bảo vệ nguồn nước

Cùng với việc đầu tư cung cấp nguồn nước sạch, xã Dân Chủ thường xuyên duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, huy động bà con cùng chung tay thực hiện dọn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm. Duy trì hoạt động của các tổ thu gom, vận chuyển rác thải đến điểm tập kết theo quy định. Đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi xây dựng các hầm biogas, xử lý các nguồn nước thải sinh hoạt đảm bảo môi trường.

Xã Dân Chủ duy trì đều đặn phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tạo nên diện mạo nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp

Hiện nay, các hộ dân trong xã đều đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhưng về lâu dài, bà con xã Dân Chủ vẫn mong muốn Nhà nước sớm đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước cụm các xã Tân Dân, Quảng La, Bằng Cả và Dân Chủ theo chủ trương của TP. Hạ Long về việc xây dựng hệ thống nước sạch tập trung tại các xã, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS.

Bởi việc sử dụng ống dẫn nước từ khe suối hay từ các giếng khoan nhỏ lẻ, bể chứa nhỏ chỉ là giải pháp trước mắt. Về căn cơ lâu dài, bà con ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS vẫn khao khát có nhà máy nước được xây mới, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, cũng như đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân xã Dân Chủ nói riêng và các xã lân cận nói chung.

Chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, Phạm Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, chính quyền xã Dân Chủ cùng với các tổ chức chính trị xã hội, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS sẽ cùng chung tay, góp sức đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đồng bào nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tốt nguồn nước, cũng như giữ rừng tại các khu vực rừng đầu nguồn.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO