Thôn vùng biên Pác Cú duy trì hiệu quả mô hình bảo vệ môi trường

Hoàng Nghĩa | 15/08/2021, 08:43

(TN&MT) - Trong khi ở nhiều nơi, một số mô hình bảo vệ môi trường ban đầu được triển khai rầm rộ, sau đó gần như bị “lãng quên” thì ở thôn Pác Cú (Lạng Sơn), việc “Xây dựng mô hình khu dân cư thực hiện hài hòa, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” đến nay vẫn được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.

Nhân dân tích cực hưởng ứng

Thôn Pác Cú (xã biên giới Thanh Long, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) là thôn có số dân đông nhất xã với 96 hộ, hơn 450 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng cùng sinh sống. Năm 2011, thôn Pác Cú được Ủy ban MTTQ tỉnh và Sở TN&MT Lạng Sơn chọn triển khai “Xây dựng mô hình khu dân cư thực hiện hài hòa, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Đây là 1 trong 2 thôn được lựa chọn triển khai mô hình này đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình, giờ đây, đến thôn Pác Cú có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, gắn với việc tận dụng đất đai để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Hầu hết mọi người đều hiểu rõ lợi ích của môi trường trong sạch đối với cuộc sống cộng đồng. Việc đầu tiên để có được một môi trường trong lành là làm giảm khói bụi ở đường làng, ngõ xóm. Ý thức được điều này, người dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Con đường bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp dẫn vào thôn đã tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện hơn.

Đến nay trong thôn đã có gần 1.000 mét đường bê tông chính cùng hàng ngàn mét đường bê tông xương cá về từng hộ gia đình. Việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn. Sau khi được tuyên truyền, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã không vứt rác bừa bãi ra đường, đồng thời nhắc nhở các thành viên trong gia đình đổ rác cũng như các chất thải đúng chỗ. Người người, nhà nhà đều có ý thức quét dọn vệ sinh nơi ở, giữ gìn đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ.

“Sau khi mô hình được triển khai rộng rãi đến từng hộ gia đình, gia đình tôi và bà con trong thôn đều đồng tình ủng hộ và thực hiện những biện pháp cụ thể, hiệu quả như: phong trào 3 sạch: Sạch lối, sạch đường, sạch ngõ” - Chị Lộc Thị Thơi - người dân trong thôn cho biết.

Đổi thay từ mô hình điểm

Ngay sau khi được chọn làm điểm triển khai mô hình, thôn đã tiến hành xây dựng kế hoạch, gắn việc xây dựng mô hình với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong đó có phong trào “3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” và đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn Thanh niên về bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn thôn đã có hơn 70% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch; gần 80% số hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh; hơn 90% số hộ gia đình tham gia chăn nuôi đều có bể chứa chất thải, cách ly với khu vực sinh hoạt của con người. Thôn đã xây dựng được nhà văn hoá với sự đóng góp công sức, vật liệu của nhân dân.

Người dân thôn Pác Cú thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.

Cùng với những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, người dân ở thôn Pác Cú hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cách thức, mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng tới xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Với 100% số hộ làm nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đặc biệt quan tâm. Toàn thôn hiện có hơn 35 ha đất trồng lúa, việc lựa chọn cơ cấu giống lúa lai, kết hợp đầu tư thâm canh nên năng suất lúa của thôn đạt bình quân 48 tạ/ha. Đặc biệt, trước khi đem phân bón cho cây trồng, người dân đều ủ cho ải, vừa nâng cao hiệu quả của phân bón, vừa bảo vệ được môi trường và không làm ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, nhân dân trong thôn đã nhận trồng hàng trăm ha rừng theo Dự án Việt - Đức và tích cực trồng rừng cá nhân. Đến nay, hầu hết các gia đình trong thôn đều có rừng và bước đầu cho thu nhập từ rừng, góp phần ổn định cuộc sống, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn hiện chỉ còn 4 hộ.

Ông Vũ Biền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Long đánh giá, được chọn làm mô hình điểm về “Xây dựng mô hình khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, thôn Pác Cú đã có những bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn so với các thôn khác. Hàng tháng, hàng quý, bà con trong thôn đều tổ chức vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ. Trong thôn cũng đã xây dựng được các lò đốt rác để xử lý rác thải, bà con không vứt rác bừa bãi.

“Có thể nói, đến nay, việc “Xây dựng mô hình khu dân cư thực hiện hài hoà xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” ở Pác Cú đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc đoàn kết cộng đồng khu dân cư, cùng nhau phát triển kinh tế, tạo sự chuyển biển và làm thay đổi về nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống” - ông Vũ Biền khẳng định.

Bài liên quan
  • Giữ rừng trên đỉnh Copia
    (TN&MT) - Rừng đặc dụng – phòng hộ Thuận Châu trải dài trên địa bàn 8 xã của 2 huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Thực hiện các chính sách khoán bảo vệ, phát triển rừng cho cộng đồng bản nơi đây, đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO