Nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid -19 của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, trong thời gian qua Ban Dân tộc TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Phòng Dân tộc, Văn phòng HĐND, UBND các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức, người có uy tín và đồng bào DTTS trên địa bàn được biết và thực hiện.
Theo lãnh đạo Ban dân tộc TP. Cần Thơ, thông qua các văn bản chỉ đạo của Ban dân tộc các đơn vị chức năng tại các quận, huyện trên địa bàn bàn thành phố đã tích cực triển khai đến các cơ sở thờ tự, người có uy tín, đồng bào dân tộc thông qua nhiều hình thức, từ đó đã giúp đồng bào DTTS biết rõ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bằng các biện pháp giữ khoảng cách khi giao tiếp, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, cá nhân, đeo khẩu trang nơi công cộng, không tiếp xúc, giao dịch và làm việc với người không mang khẩu trang.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer vùng ĐBSCL thường xuyên phổ biến biện pháp phòng chống dịch bệnh cho phật tử. |
Thông tin với phóng viên ông Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 130 cơ sở thờ tự, trong đó có 92 chùa và 38 Salatel (giảng đường). Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, Hội ĐKSSYN đã có văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự, đồng bào Khmer tạm dừng tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với quy mô tập trung đông người.
Cùng với đó Hội ĐKSSYN cũng yêu cầu đồng bào Khmer khi có thân nhân về địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ nơi có dịch phải khai báo y tế, cách ly theo đúng quy định; đồng thời mạnh dạn tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc khi phát hiện người lạ về địa phương phải thông báo đến chính quyền địa phương và cơ quan y tế gần nhất để quản lý, cách ly theo quy định; không chia sẻ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Từ đầu năm 2021 đến nay Hội ĐKSSYN tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp với nhiều các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho các cơ sở thờ tự và đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19; đồng thời hướng người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin với phóng viên, ông Thạch Tuấn, Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Hậu Giang, Trụ trì chùa Ratana papha Vararam cho biết, thông qua công tác tuyên truyền của các chính quyền địa phương cũng như của Hội ĐKSSYN đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về dịch bệnh Covid -19; đồng thời các cơ sở thờ tự, đồng bào dân tộc chủ động thực hiện nghiêm biện pháp 5K để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
Trước đây cứ vào dịp lễ Nhập hạ, Sen Đôl ta, xuất hạ, Dâng y cà sa,…thì rất nhiều chư tăng, sư sãi, phật tử dân tộc Khmer lại tập trung vào các chùa để tụng kinh, tuy nhiên từ khoảng cuối tháng 6/2021 đến nay do tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp nên các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các địa phương vùng ĐBSCL đã dừng tổ chức lễ hội truyền thống, góp phần phòng chống dịch bệnh Covid 19.
Ông Thạch Tuấn cho biết: “Cách nay 02 ngày (ngày 26/7/2021) là thời điểm diễn ra lễ Nhập hạ của đồng bào Khmer, nhưng tại chùa Ratana papha Vararam cũng như 14 chùa Phật giáo Nam tông Khmer khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã không tổ chức các buổi lễ như trước đây, ai ở nhà nấy. Từ nay đến cuối năm 2021 đồng bào Khmer cũng còn một số lễ hội truyền thống, song với tình hình dịch bệnh như hiện nay các chùa trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng tổ chức lễ hội để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid -19”.
Do dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp nên nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã đóng cửa, treo biển dừng tổ chức các lễ hội tập trung đông người. |
Thông tin với phóng viên, ông Thạch Chi ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mấy ngày nay bản thân tôi và các thành viên trong gia đình hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, không tụ tập đông người; đồng thời thường xuyên giám sát kịp thời báo ngay với chính quyền khi có người lạ đến địa phương”.
Ông Lý Đức, Trụ trì chùa Som Rong ở phường 5, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, trong thời gian qua nhà chùa đã đóng cổng tạm dừng tổ chức tất cả các lễ hội có tập trung đông người, nếu trong trường hợp thật sự cần thiết thì nhà chùa sẽ cho vào nhưng phật tử phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử khuẩn.
Cũng theo ông Lý Đức vào thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong các buổi lễ nhà chùa thường xuyên kết hợp tuyên truyền cho phật tử các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid -19. Do đó Hiện nay hầu hết các sư sãi, phật từ của chùa đã hiểu và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh; đồng thời cũng hạn chế tối đa việc đến chùa.
Còn trao đổi với phóng viên, ông Danh Lăng ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho biết, trong những ngày vừa qua thông qua các phương tiện truyền thông ông đã hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid -19 khi xâm nhập vào cơ thể con người. Do đó những ngày này ngoài việc chấp hành các quy định về giản cách xã hội thì ông còn nghiêm chỉnh thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, trụ trì các chùa Phật giáo Nam tông và đông đảo bà con đồng bào dân Khmer trong thời gian qua sẽ góp phần quan trọng giúp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid -19 và trở lại trạng thái bình thường.