Thái Nguyên có dân số trên 1,3 triệu người, gồm 51 dân tộc cùng sinh sống. Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Trên địa bàn tỉnh có 123 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh) được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển gồm: 25 xã khu vực I, chiếm 20,3%; 62 xã khu vực II, chiếm 50,4%; 36 xã khu vực III, chiếm 29,3%. Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào DTTS; qua đó, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc đã được phổ biến tới cán bộ chủ chốt các xóm bản, người có uy tín, người DTTS tiêu biểu.
Trao phần thưởng cho người có uy tín tỉnh Thái Nguyên. |
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người có uy tín như: tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập; thăm hỏi ốm đau; thăm hỏi gia đình người có uy tín gặp khó khăn...; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc, biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích, đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự... tại địa phương. Cung cấp báo, thông tin cho người có uy tín.
Ông Nam cho biết thêm, ngoài thực hiện tốt chế độ cho người có uy tín, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh và UBND cấp huyện thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín tại cơ sở theo đúng quy định; theo dõi, nắm tình hình chung ở vùng dân tộc, miền núi. Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 3 cuộc tại 3 huyện: huyện Đại Từ (gồm các xã Hoàng Nông, Khôi Kỳ, Lục Ba, Cát Nê); huyện Phú Bình (gồm các xã Tân Đức, Kha Sơn) và thị xã Phổ Yên (gồm xã Vạn Phái, xã Tiên Phong).
Việc tổ chức bình xét người có uy tín tại cơ sở được tiến hành dân chủ, công khai, đúng quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá đưa khỏi danh sách và bình chọn, xét công nhận bổ sung người có uy tín được tiến hành 1 năm 1 lần vào tháng 12 hàng năm. UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với người có uy tín đến huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện. Kết quả cụ thể: Năm 2012: 965 người; năm 2013: 997 người; năm 2014: 1027 người; năm 2015: 1006 người; năm 2016: 1025 người; năm 2017: 1032 người; năm 2018: 1042 người; năm 2019: 1033 người; năm 2020: 835 người.
Nhiều người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. |
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS và phát huy vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có uy tín để động viên, khích lệ người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa bàn dân cư.
Những người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được nhân dân tin tưởng tín nhiệm đều là những công dân gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào DTTS, có khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định. Họ thực sự là những hạt nhân tích cực ảnh hưởng tới sự phát triển cộng đồng dân cư trong vùng dân tộc; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.