Đẩy mạnh cấp GCNQSDĐ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Thanh Hóa gỡ khó cho các huyện miền núi

Thanh Tâm | 09/11/2021, 13:49

(TN&MT) - Thực hiện pháp luật về đất đai, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đặc biệt là tại 11 huyện miền núi.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Thanh Hóa, tính đến 30/6/2021, kết quả thực hiện việc cấp GCNQSDĐ (lần đầu đối với các loại đất) cho hộ gia đình, cá nhân tại 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh như sau: Tổng diện tích đã cấp 475.767,72/499.034,47ha, đạt 95,34% tổng diện tích cần phải cấp.

Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, tổng số giấy đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân tính tới ngày 30/6/2021 là 73.173/74.255. Trong quá trình đo đạc thực tế đã phát sinh nhiều bất cập như: Diện tích trên GCNQSDĐ và bản đồ không thống nhất. Nhiều thửa đất bản đồ địa chính đo vẽ chưa đúng với hiện trạng hộ gia đình đang sử dụng. Một số GCNQSDĐ của hộ gia đình, cá nhân được UBND huyện cấp trước khi có bản đồ địa chính nên không thể hiện hình thể thửa đất, kích thước cạnh, không thể hiện hạn mức đất ở và đất trồng cây hàng năm, lâu năm, không có sơ đồ thửa đất...

Đồng bào dân tộc miền núi mong muốn được cấp GCNQSDĐ để ổn định cuộc sống.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp GCNQSDĐ, UBND huyện Ngọc Lặc đã đề ra giải pháp cụ thể như tăng cường chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung lập hồ sơ GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân. Tuyên truyền, vận động hộ gia đình, cá nhân đăng ký lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ; phối hợp với các tổ chức sử dụng đất lập hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ; cập nhật, chỉnh lý các sai lệch hồ sơ địa chính với chủ sử dụng đất.

Tại huyện miền núi Quan Sơn, do địa hình đồi núi, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, kinh phí hạn hẹp nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Quan Sơn có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 90,03% tổng diện tích toàn huyện. Số đất này cơ bản chưa được đo đạc bản đồ giải thửa, chưa được đầu tư đo đạc chi tiết, ranh giới đất giao không được rõ ràng.

Đất nhóm hộ chưa được chia tách cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Phần diện tích đất ở, đất phi nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp được đo đạc năm 2009, nhưng trên thực tế một số thửa đo đạc không đúng so với thực tế. Một số hộ gia đình khó khăn không đáp ứng được mức thu kinh phí đo đạc cấp GCN, một số bản ở vùng sâu, vùng xa nhưng lại không có chính sách miễn tiền cấp giấy, tiền sử dụng đất…

Theo Sở TN&MT, những khó khăn, bất cập trong cấp GCNQSDĐ tại 11 huyện miền núi là do quá trình quản lý, sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân có sự thay đổi dân tộc thiểu số luôn di chuyển chỗ ở. Một số thửa đất lại có diện tích nhỏ hơn hạn mức tối thiểu giao đất ở và công nhận đất ở theo quy định, một số thửa bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án nên diện tích còn lại không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Ông Trần Văn Lực, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ (Sở TN&MT) cho biết: Việc cấp GCNQSDĐ tại 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số bất cập. Tình trạng tồn đọng hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ, tình trạng cấp chồng lấn, cấp giấy khi chưa có đầy đủ thủ tục cần thiết dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Vì vậy, ngành chức năng 11 huyện miền núi cần phối hợp với chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai tập trung rà soát từng trường hợp cụ thể, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện. Báo cáo những khó khăn, vướng mắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn giải quyết.

Để “gỡ khó” trong công tác cấp GCNQSDĐ tại 11 huyện miền núi, Sở TN&MT cũng đã đề xuất giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, gắn với trách nhiệm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân để mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa về quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân đối với việc sử dụng đất;

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đề nghị Chủ tịch UBND 11 huyện miền núi chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan, cấp ủy đảng, cấp chính quyền địa phương, chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai tập trung rà soát, tổng hợp số giấy còn lại chưa cấp, phân loại đánh giá thực trạng đối với từng loại đất, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương cho từng trường hợp cụ thể, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện.

Bài và ảnh: Thanh Tâm

Công tác cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn 11 huyện miền núi đã đạt tỷ lệ 97,86% giấy cấp. Trong đó, đất ở hộ gia đình, cá nhân: Tổng diện tích đã cấp là 19.538,02/20.487,68ha cần cấp, đạt 95,36%; Tổng số giấy đã cấp 211.756/217.023 giấy phải cấp, đạt 97,57%...
Bài liên quan
  • Người Mường ở Cúc Phương giữ rừng, ấm no nhờ rừng
    (TN&MT) - Chúng tôi đến vườn Quốc gia Cúc Phương vào một buổi sáng mùa đông, lối vào rừng len lỏi xuyên qua những tán cây to, nhỏ và chằng chịt dây leo… Bao đời nay, nơi đại ngàn xanh thẳm ấy được lực lượng kiểm lâm ngày đêm canh gác, được đồng bào các dân tộc cùng nhau bảo vệ. Đổi lại rừng đã mang lại cho con người nơi đây cuộc sống bình yên, ấm no.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO