Người Mường ở Cúc Phương giữ rừng, ấm no nhờ rừng

Tuyết Chinh | 06/11/2021, 16:25

(TN&MT) - Chúng tôi đến vườn Quốc gia Cúc Phương vào một buổi sáng mùa đông, lối vào rừng len lỏi xuyên qua những tán cây to, nhỏ và chằng chịt dây leo… Bao đời nay, nơi đại ngàn xanh thẳm ấy được lực lượng kiểm lâm ngày đêm canh gác, được đồng bào các dân tộc cùng nhau bảo vệ. Đổi lại rừng đã mang lại cho con người nơi đây cuộc sống bình yên, ấm no.

Nương tựa vào rừng

Vùng đại ngàn Cúc Phương có diện tích 22.400 ha, nằm trên địa bàn 15 xã, bốn huyện, thuộc ba tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Vùng đệm cách rừng không xa (từ 1,5 km đến 2 km) hiện có hơn 90.000 người dân sinh sống tại 67 thôn, bản tiếp giáp.

Thời xưa, đồng bào dân tộc Mường ở Cúc Phương rất nghèo. Họ bám vào rừng mà sống nhờ lấy củi, chặt cây bán… Đa số, bà con do nghèo, do nhận thức còn hạn chế mà phá rừng.

Hướng đôi mắt mờ đục về phía rừng xanh xa xăm, ông Ðinh Văn Khoan là người dân tộc Mường ở Bãi Dốc, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) chia sẻ, hồi nhỏ, nhà ông ở bản Mạc nằm tít sâu trong rừng. Lớn lên, ông lấy vợ, sinh con dưới những tán rừng sum suê. Trong rừng khi đó có sáu bản Mường (gồm các bản Bống, Mạc, Ðẵn, Ðang, Lá Mền và Ðồng Cơn). Mỗi bản có hơn chục nóc nhà bằng tre, nứa, nép bóng cây rừng cao lớn. Miếng ăn thì dựa vào săn bắn, hái lượm, trỉa bắp trên những vạt đồi, thung lũng, trồng lúa ở nơi đất thấp có nước. Cứ thế, người nương tựa vào rừng, biết bao thế hệ người Mường ở Cúc Phương được rừng che chở, cưu mang.

Rừng Cúc Phương được đồng bào các dân tộc bảo vệ.

Trong đời sống tâm linh của bản làng vùng cao ở Cúc Phương có một vị thần Rừng ngày đêm che chở, bảo hộ cho cuộc sống của họ. Nơi đó có những khu “rừng thiêng”, “rừng cấm” người dân vào đó không được đốt lửa, chặt gỗ, phát vén, săn bắt thú, lấy mật ong nhưng không bắt ong già, ong chúa để chúng sinh sôi nảy nở… Trẻ em từ khi còn nhỏ đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy rất kỹ những điều cấm đó. Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về thần Rừng và từng có một số cá nhân vi phạm vào điều cấm kỵ, bị thần Rừng trừng phạt, thế mới có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Mặc dù vậy, do sức ép về phát triển kinh tế; sự gia tăng dân số, tập quán của một số người dân ở vùng đệm có thói quen lén lút khai thác trái phép gỗ rừng, săn bắn, tiêu thụ động vật hoang dã. Ðiều đó ít nhiều làm cho diện tích, chất lượng rừng, chất lượng đa dạng sinh học ở vùng đại ngàn Cúc Phương bị suy giảm; đồng thời gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ tài nguyên và các loài động vật hoang dã.

 “Yêu rừng, rừng không phụ”

Theo Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương, hiểu rõ nguyên nhân các vụ vi phạm lâm luật, lực lượng kiểm lâm ở đây luôn gần gũi với đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia bảo vệ rừng; lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của người dân để hướng dẫn cách phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.

Xã Cúc Phương quan tâm trồng, bảo vệ rừng.

Ông Bùi Quốc Việt, Bí thư Đảng uỷ xã Cúc Phương (Nho Quan) cho biết, trên địa bàn chủ yếu là rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Cúc Phương, có gần 100 ha rừng sản xuất, cộng thêm hơn hơn 40ha rừng phòng hộ. Những năm trở lại đây việc chặt phá, phát vén rừng tự nhiên không còn xảy ra. Xác định giữ được rừng thì mới có nguồn sinh thủy cho sản xuất và sinh hoạt của dân bản nên chính quyền, đoàn thể, các tổ bảo vệ rừng đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân ký và thực hiện cam kết không tàn phá rừng. Đi kèm với đó là chăm lo phát triển các khu rừng sản xuất.

Đến thăm các hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã vùng cao Cúc Phương mới thấy, quả là “yêu rừng rừng không phụ”. Bà Đinh Thị Chung, dân tộc Mường ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương có gần 3ha rừng trồng keo, sau 5 năm trồng cây, vừa qua rừng đã cho khai thác gỗ, tháng trước bà bán được hơn 250 triệu đồng.

“So với các hộ xung quanh, diện tích rừng nhà tôi thuộc dạng ít nhất, nhiều gia đình có cả hơn chục ha mỗi lần thu hoạch họ có hàng tỉ đồng, một số tiền lớn mà trước đây những người nông dân như tôi có mơ cả đời cũng khó thấy. Đời sống bà con ngày một khấm khá, chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang hơn”, bà Chung phấn khởi.

Huyện Nho Quan (Ninh Bình) có gần 18.000 ha rừng, trong đó rừng đặc dụng trên 11.000 ha, rừng phòng hộ trên 3.000 ha, rừng sản xuất gần 2.600 ha. Toàn huyện có 16/27 xã có rừng, trong đó có 8 xã trọng điểm về rừng và đất lâm nghiệp, như: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Thạch Bình, Xích Thổ, Quảng Lạc, Sơn Lai, Quỳnh Lưu.

Theo ông Việt, bên cạnh bảo vệ rừng tự nhiên, việc phát triển kinh tế rừng là một trong những nhiệm vụ được xã Cúc Phương nói riêng và huyện vùng cao Nho Quan nói chung đặc biệt chú trọng. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, xã phát động trong toàn xã trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; vận động nhân dân mua cây giống về trồng rừng; nâng cao ý thức bảo vệ rừng, mang lại hiệu quả kinh tế, không để phá rừng, cháy rừng. Sau khai thác, nhân dân tiếp tục trồng gối vụ, đảm bảo diện tích rừng trên địa bàn xã luôn đảm bảo xanh tốt quanh năm.

Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Nho Quan cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối với tất cả diện tích rừng sản xuất; đôn đốc các chủ rừng trồng đúng mùa vụ, đúng thời hạn theo quy định đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của địa phương, đặc biệt là UBND các xã trên địa bàn cùng kiểm tra, đôn đốc và giám sát các hộ trồng rừng theo đúng quy định, vừa đảm bảo phát triển kinh tế cho hộ gia đình địa phương, vừa giữ được màu xanh cho quê hương.

Bài liên quan
  • Quảng Nam: Đảm bảo an toàn trước thiên tai cho đồng bào DTTS
    (TN&MT) - Các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam thường chịu tác động nặng nề của thiên tai. Rút kinh nghiệm những năm trước, mùa mưa lũ năm nay, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân như chủ động di dời đến nơi an toàn, dự trữ lương thực, thực phẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO