Phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong giám sát hoạt động BVMT

Linh Chi | 07/11/2021, 18:34

(TN&MT) - Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với việc vai trò của cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật BVMT sẽ bước sang một giai đoạn mới. Việc phát huy vai trò của nhân dân, cộng đồng sẽ góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật BVMT, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lẩn tránh, không thực hiện nghĩa vụ BVMT, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Sự phản ứng của cộng đồng, nếu đủ mạnh, sẽ buộc các tổ chức, cá nhân này phải tuân thủ các quy định của pháp luật BVMT. Do đó, cộng đồng dân cư là lực lượng nòng cốt để đấu tranh, phản đối gay gắt, thậm chí hình thành làn sóng, sức mạnh dư luận lên án các các nhân, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến tài nguyên nhiên nhiên của đất nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, vai trò giám sát của cộng đồng trong BVMT còn hạn chế do việc tiếp cận thông tin của người dân còn gặp khó khăn; trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng về BVMT, nhất là cấp địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, hiệu quả…

cộng đồng dân cư phát huy vai trò giám sát trong công tác BVMT

Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy vai trò giám sát trong công tác BVMT, Luật bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Đưa cộng đồng dân cư, trở thành một chủ thể trong công tác BVMT; khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với việc BVMT sống của chính mình; mỗi người dân, mỗi làng xã đều phải là thành lũy BVMT, tham gia giám sát mọi hoạt động BVMT. Bổ sung nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm, công khai thông tin liên quan đến chất lượng không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp có trách nhiệm xây dựng hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường. Người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, qua các ứng dụng trên điện thoại.

Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn cộng đồng nơi chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án (nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, chất thải nguy hại, sụt lún, sạt lở, bồi lắng, tiếng ồn, đa dạng sinh học); nghiên cứu, tiếp thu, giải trình những ý kiến của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến chất lượng môi trường sống, đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì; ngoài ra còn có sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng.

Với những quy định nêu trên, quyền lợi của người dân trong khu vực dự án và khu vực chịu tác động, ảnh hưởng của dự án sẽ được đảm bảo. Người dân sẽ được tiếp cận thông tin có định hướng, đầy đủ, chính xác và kịp thời về các nội dung liên quan đến BVMT; được tham gia phản biện xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan/doanh nghiệp có liên quan đến BVMT. Nghĩa là, mỗi người dân, thành viên, hội viên có quyền được tham vấn trực tiếp, gián tiếp, quyền được phát huy và đảm bảo tính dân chủ đối với các chương trình/dự án về môi trường; có trách nhiệm lên tiếng đấu tranh và phản đối đối với các doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hoạt động giám sát thực thi pháp luật BVMT của cộng đồng không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, kiến nghị mà còn phải có cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi quyền của cộng đồng. Do đó, phải có quy định về cơ chế hình thành đại diện cộng đồng dân cư; cộng đồng cần có công cụ pháp lý hữu hiệu để buộc các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước tuân thủ đúng pháp luật thông qua các cơ chế tư pháp (khởi kiện tại tòa án), cơ chế xã hội (phản ứng của cộng đồng đối với hành vi vi phạm pháp luật BVMT).

Bài liên quan
  • Sơn La: Vận động bà con không đốt rơm rạ bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Để hạn chế tình trạng tuốt lúa, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa mùa, năm 2021, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã triển khai tới các bản về việc cấm đốt rơm rạ trên trục đường quốc lộ 37 và tỉnh lộ 114, nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO