Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Phù Yên, toàn huyện Phù Yên hiện có 174 công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2020, trên địa bàn huyện đã triển khai xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 22 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cho một số bản thuộc các xã Quang Huy, Tường Phù, Tường Hạ, Tường Phong, Huy Tân, Suối Bau…., tổng kinh phí trên 97 tỷ đồng với hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi. Đến nay, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%, dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88%.
Người dân Phù Yên vui sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. |
Ông Sồng A Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bau cho biết: Xã Suối Bau hiện có 10 công trình cấp nước sinh hoạt. Năm 2020, xã đã được đầu tư nước sinh hoạt khu vực trung tâm xã, Trạm y tế và sửa chữa, nâng cấp nước sinh hoạt bản Suối Giàng từ nguồn vốn nông thôn mới. Giờ các công trình đang phát huy hiệu quả tốt. Với công trình nước sinh hoạt ở bản, xã đã giao Ban quản lý bản quản lý để bà con được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Còn tại xã Mường Cơi, có 12 công trình cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.600 hộ dân. Anh Trịnh Văn Thăng, bản Ngã Ba, xã Mường Cơi phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong bản, chủ yếu sử dụng nước giếng hoặc nước mưa không qua hệ thống lọc nên không được đảm bảo vệ sinh. Từ khi có nước sạch sử dụng, gia đình tôi rất vui và yên tâm hơn. Để việc cung cấp nước được ổn định, gia đình tôi còn hiến hơn 100m2 đất vườn đầu tư xây bể chứa tổng cung cấp nước cho các hộ dân trong bản và các bản khác sử dụng”.
Hộ gia đình anh Trịnh Văn Thăng, bản Ngã Ba, xã Mường Cơi đã hiến hơn 100m2 đất vườn để xây bể tổng chứa nước cung cấp cho người dân. |
Trong tổng số 174 công trình cấp nước của Phù Yên, có 15 công trình hoạt động bền vững, 120 công trình đang hoạt động, 10 công trình kém bền vững và 29 công trình không hoạt động. Theo đánh giá của UBND huyện Phù Yên, một số công trình cấp nước đã đưa vào sử dụng nhiều năm, do mưa lũ, sạt lở đất làm vùi lấp các đập đầu mối, đứt gãy đường ống dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp không phát huy hiệu quả. Công tác duy tu, quản lý, khai thác vận hành của một số tổ điều tiết còn hạn chế, ý thức của một bộ phận người dân về bảo vệ công trình chưa cao. Bên cạnh đó, một số công trình nguồn nước đầu nguồn giảm, thiếu nước vào mùa khô, người dân phải mua thêm ống dẫn tự dẫn nước từ các khe lạch nhỏ, dùng nước mó, nước giếng tạm thời…
a3.jpgXã Suối Bau huy động lực lượng đoàn viên thanh niên xây dựng kè bảo vệ đầu nguồn nước cấp cho hơn 70 hộ dân trong bản. |
Để các công trình cấp nước sinh hoạt phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tổ chức kiểm tra, rà soát nắm tình hình hoạt động các công trình cần được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp. Chú trọng công tác quản lý sau đầu tư, giao cho các doanh nghiệp, xã, bản tiếp tục thành lập tổ quản lý điều tiết, bảo dưỡng các công trình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự hư hỏng và xuống cấp.
Ông Cầm Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Yên, cho biết: Vừa qua, các Sở, ngành của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục phối hợp cùng các xã rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung. Phân loại các công trình hoạt động kém hiệu quả, hư hỏng, xuống cấp để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định, có phương án xử lý theo quy định.
Đối với các công trình đã hoàn thành bàn giao quản lý, xây dựng phương án khai thác, vận hành, đề xuất giá nước phù hợp với từng công trình, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ chính sách. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao kiến thức cho cán bộ các xã, bản quản lý, sử dụng và khai thác các công trình.
Đoàn xã Suối Bau triển khai làm hơn 2km đường dẫn nước sinh hoạt về trụ sở UBND xã. |
Cùng với đó, huyện Phù Yên cũng thường xuyên vận động nhân dân ra quân khơi thông cống rãnh, dòng chảy, phát động phong trào không lấn chiếm suối, ao, hồ, kênh mương… Tuyên truyền đến các xã, bản, các hộ dân đầu nguồn không sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến nguồn nước.
Triển khai rà soát, cắm mốc hành lang bảo vệ với các nguồn nước theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước. Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sạch và xả nước thải không đảm bảo quy định vào nguồn nước.